Cha mẹ vô tình tạo áp lực
Thi vào lớp 10, rồi thi tốt nghiệp THPT Quốc gia. Có bạn đậu, nhưng cũng có nhiều nghìn bạn trượt. Nhiều năm qua, thi cử ở Việt Nam nghiễm nhiên trở thành nỗi ám ảnh kinh hoàng không chỉ với học sinh, giáo viên mà còn với cả những bậc cha mẹ.
Những dòng chia sẻ đẫm nước mắt về những suy sụp, tiếc nuối, sự bất lực của những đứa trẻ vừa mới lớn; và cả những trường hợp cha mẹ đỏ mắt tìm con bỏ nhà đi sau khi biết điểm thi. Nghe thôi đã đủ nhói lòng về sự khốc liệt của chuyện thi cử.
Một phụ huynh an ủi khi con bật khóc trước cổng trường thi
Là một chuyên gia, một người mẹ, tôi nghĩ, áp lực thi cử của các con không chỉ ở những điểm số, việc học hành mà còn cả ở cách phụ huynh ứng xử với con mình.
Thực tế rằng, rất nhiều cha mẹ chăm sóc con rất ân cần trong những ngày thi như: bữa ăn ngon hơn, nhắc nhở con đi ngủ, động viên con... Hay có những ông bố, bà mẹ cả năm học không đưa con đến trường, nhưng ngày thi sẵn sàng bỏ việc, vượt mưa đội nắng chở con đi và ngồi hàng tiếng chờ con thi xong...
Những hành động này sẽ thật sự ý nghĩa và tiếp thêm sức mạnh cho con nếu đó là những hành động thường nhật bố mẹ dành cho các con.
Nếu không, đây tưởng chừng là cách bố mẹ giúp con giảm áp lực nhưng thành ra khiến con càng thêm căng thẳng hơn. Đến khi chẳng may thất bại, con càng cảm thấy tội lỗi khi bố mẹ đã làm hết sức mà mình không làm được như bố mẹ kỳ vọng.
Kỳ thi không phải là sự tra tấn
Nhìn các con gò mình cho các kỳ thi quan trọng, bản thân tôi cũng thấy áp lực vô cùng. Mặc dù bây giờ cơ hội trường lớp dễ hơn, có rất nhiều cánh cửa đón chờ các con, nhưng lại tồn tại nghịch lý là các con gặp áp lực hơn gấp bội.
Rõ ràng, vấn đề không hoàn toàn nằm ở kỳ thi mà ở cách ứng xử của chúng ta. Bố mẹ đừng nghĩ kỳ thi là cái gì đó tra tấn hay cơ hội thể hiện sức mạnh của các con. Kỳ thi chỉ là chướng ngại vật để con vượt qua, là cơ hội để trưởng thành.
Đứa trẻ không chỉ trưởng thành từ sự thành công. Những đứa trẻ thất bại mà biết rút ra bài học và không ngừng nỗ lực thì chắc chắn còn thành công hơn nữa. Lúc đó ta càng phải cảm ơn kỳ thi, cảm ơn sự thất bại để con nhìn ra vấn đề. Rõ ràng, đây là cơ hội rất tốt để đứa trẻ trưởng thành chứ không phải sự đe dọa về tương lai của trẻ.
Kể cả khi con thành công, khích lệ là tốt nhưng bố mẹ vẫn nên đặt ra câu hỏi rằng con có cần thay đổi gì không. Hay khuyên con hãy quên thành công đi, vì nếu con cứ nghĩ mãi về thành công thì con mãi vẫn ở đây.
Thành công sẽ khiến trẻ chủ quan, tự mãn về điều chúng làm được. Đây cũng là vấn đề mà bố mẹ có con thành công sớm cần lưu ý.
Nhưng có lẽ, điều quan trọng nhất là bố mẹ nên tách thành công và thất bại của con ra khỏi cuộc đời của chính mình. Con có cuộc đời của con, mình có cuộc đời của mình. Thành công của con không phải không phải là thành công của bố mẹ, và ngược lại.
Ai cũng có hành trình của mình, ở đó, có cả thành công và thất bại. Tôi vẫn nhớ câu rap trong ca khúc "Đi về nhà" của Đen Vâu rằng:
"Hạnh phúc đi về nhà
Cô đơn đi về nhà
Thành công đi về nhà
Thất bại đi về nhà...
Mệt quá đi về nhà
Mông lung đi về nhà
Chênh vênh đi về nhà
Không có việc gì vậy thì đi về nhà"
Ngôi nhà là mái ấm, là nơi che chở. Sau tất cả, dù có chuyện gì xảy ra, tôi tin rằng, trong thâm tâm người làm cha mẹ luôn mong con vẫn tiếp tục đi theo những gì con muốn... Bởi, ngôi nhà vẫn ở đó, có bố mẹ và gia đình luôn dang rộng vòng tay vỗ về.
TS Vũ Thu Hương
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận