Một số ý kiến cho rằng, thiết kế phương án kiến trúc cầu Trần Hưng Đạo vượt sông Hồng (Hà Nội) khó đảm bảo cho tàu thuyền trọng tải lớn lưu thông.
Ngày 19/9, đại diện Chi cục Đường thủy nội địa phía Bắc cho biết, những năm gần đây trên sông Hồng, nhiều cây cầu vượt sông lớn đã được đầu tư xây mới như: Nhật Tân, Thanh Trì, Vĩnh Thịnh…
Trước khi xây dựng, dự án phải có sự thỏa thuận với Cục Đường thủy nội địa VN về thông số kỹ thuật liên quan đến giao thông thủy. Theo quy định, chỉ cần thiết kế khoang thông thuyền phù hợp với cấp kỹ thuật của luồng đường thủy tại vị trí xây dựng là đảm bảo tàu thuyền lưu thông thuận lợi.
Mô phỏng cầu Trần Hưng Đạo vượt sông Hồng được thiết kế theo phương án kiến trúc xứ Đông Dương
“Luồng đường thủy trên tuyến sông Hồng từ cửa Ba Lạt đến Yên Bái hiện được phân thành 4 cấp kỹ thuật, từ I đến IV. Trong đó, đoạn qua vị trí dự kiến xây dựng cầu Trần Hưng Đạo là luồng cấp II, tương ứng là cầu vượt sông phải có khoang thông thuyền rộng tối thiểu từ 50m, chiều cao tối thiểu 9,5m. Vì vậy, cầu Trần Hưng Đạo phải có thiết kế tối thiểu theo thông số trên mới đáp ứng giao thông thủy trên sông Hồng”, Chi cục Đường thủy nội địa phía Bắc thông tin.
Đại diện Công ty CP Quản lý đường sông số 6 cho biết thêm, trên sông Hồng, phương tiện chở hàng trên sông Hồng có trọng tải đến 3.000 tấn lưu thông. Ngoài các cầu cũ như Long Biên, Chương Dương, các cầu xây dựng mới đều có khoang thông thuyền đáp ứng quy chuẩn cấp luồng đường thủy đáp ứng được các phương tiện trọng tải lớn hơn 3.000 tấn lưu thông an toàn.
Được biết, Hội đồng tuyển chọn phương án thiết kế kiến trúc cầu Trần Hưng Đạo của UBND TP. Hà Nội vừa bỏ phiếu, cho điểm cao nhất (13/15 phiếu, 1.261 điểm) đối với phương án kiến trúc cổ điển xứ Đông Dương. Đây là một trong ba phương án kiến trúc đối với cầu Trần Hưng Đạo vượt sông Hồng do Tổng công ty Tư vấn thiết kế GTVT (TEDI) đề xuất, được đưa ra lựa chọn.
Tuy vậy, dư luận có ý kiến trái chiều đối với phương án kiến trúc trên, cả về thẩm mỹ và sự phù hợp với giao thông đường thủy trên sông Hồng.
Theo KTS Trần Huy Ánh, ủy viên thường vụ Hội Kiến trúc sư Hà Nội, phương án kiến trúc trên cần được xem xét lại. Bởi đơn giản nhất là về chiều cao so với mặt nước, nhiều cây cầu bắc qua sông Hồng xây mới đều khoảng cách 11m so với mặt nước, cầu Trần Hưng Đạo rất thấp, chỉ 4,75m. Cầu thấp thì rất khó đảm bảo lưu không để tàu, thuyền qua lại.
Liên quan vấn đề trên, trong bản thuyết minh tóm tắt các phương án đề xuất thiết kế cầu Trần Hưng Đạo, TEDI cũng viện dẫn yêu cầu làm cơ sở thiết kế là tĩnh không cầu đảm bảo chiều cao từ 9,5m và chiều rộng 50m trở lên.
Còn tĩnh không 4,75m là thông số thiết kế đối với trắc dọc cầu các đoạn vượt đường bộ hiện hữu nằm bên dưới cầu Trần Hưng Đạo như đê Hữu Hồng, Cổ Linh và các tuyến đường quy hoạch như: đường trục TC05, đường đê Tả Hồng, đường trục khu đô thị Him Lam phố Đông, đường trục TC13...
Theo thiết kế cơ sở, dự án cầu Trần Hưng Đạo có điểm đầu tại ngã năm Trần Hưng Đạo - Trần Thánh Tông, thuộc địa bàn phường Phan Chu Trinh, quận Hoàn Kiếm. Điểm cuối giao cắt với đường Nguyễn Văn Linh thuộc địa bàn phường Gia Thụy, quận Long Biên.
Chiều dài toàn tuyến khoảng 5,5 km, mặt cắt cầu 6 làn xe cơ giới. Đoạn cầu dẫn phía Hoàn Kiếm có quy mô một làn xe đi thẳng vào đường Trần Hưng Đạo và 4 làn xe rẽ tiếp cận vào đường đê Trần Khánh Dư. Đoạn cầu dẫn phía Long Biên có quy mô 4 làn xe.
Tổng vốn đầu tư dự án dự kiến hơn 8.900 tỷ đồng, trong đó vốn nhà nước chiếm 50%, vốn nhà đầu tư BOT chiếm 50%. Thời gian thu phí hoàn vốn dự kiến khoảng 20 năm, tiến độ thực hiện dự án từ năm 2022-2025.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận