Theo Cảng vụ Hàng hải Vũng Tàu, tính đến tháng 9/2023, tại cụm cảng Cái Mép - Thị Vải đã thiết lập được 35 tuyến tàu container quốc tế vào cảng hàng tuần (11 tuyến nội Á, 10 tuyển bờ Đông nước Mỹ, 8 tuyến bờ Tây nước Mỹ, 2 tuyến Mỹ - Canada, 4 tuyến Châu Âu).
Hiện nay, theo quy hoạch phát triển hệ thống cảng biển thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, hệ thống các cảng container tại khu vực Cái Mép - Thị Vải được quy hoạch, phân loại là cảng biển đặc biệt, cảng trung chuyển quốc tế.
Hệ thống cảng container khu vực Cái Mép - Thị Vải (cảng biển Vũng Tàu) với vai trò là cảng trung chuyển quốc tế, có vị trí địa lý nằm trên tuyến hành hải chính của các "tàu mẹ".
Theo Cảng vụ Hàng hải Vũng Tàu, khu vực cảng có điều kiện tự nhiên thuận lợi và luồng hàng hải hiện đại, đủ khả năng tiếp nhận các siêu tàu container hiện nay trên thế giới. Trước đó, tại cảng biển khu vực đã đón được những tàu container lớn có trọng tải khoảng 214.000 - 232.000 DWT vào làm hàng.
Cụm cảng đã thu hút được các hãng tàu cũng như nhà khai thác cảng hàng đầu thế giới tham gia liên kết với doanh nghiệp Việt Nam góp vốn đầu tư xây dựng, cũng như thu hút được các hàng tàu hàng đầu thế giới đưa tàu vào cập cảng và nguồn lực khai thác cảng có kinh nghiệm...
Về sự tăng trưởng hàng hóa, từ năm 2017 đến 2022, hàng hóa thông qua cảng liên tục tăng trưởng ấn tượng, khoảng 2 con số.
Số liệu của Hiệp hội cảng biển VN (VPA) cho thấy, sản lượng hàng hóa container xuất nhập khẩu qua cảng biển khu vực Cái Mép năm 2022 gấp 5,3 lần so với năm 2012, từ hơn 900.000 Teu (năm 2012) hơn hơn 5 triệu Teu (năm 2022).
Năm 2022, Ngân hàng Thế giới (World Bank) và tổ chức Standard & Poor Market Research phát hành chỉ số CPPI (Container Port Performance Index) khi đánh giá hiệu quả hoạt động của 348 cảng container và dữ liệu của 10 hãng tàu container lớn nhất thế giới, đã đánh giá khu bến Cái Mép thứ hạng cao (thứ 13/348).
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận