Cảnh phim “Để Mai tính 2” - Bộ phim phát sóng trên K+ chỉ sau 2 phút đã bị ăn cắp bản quyền phát tán trên mạng |
Kẻ cắp tinh vi khi chưa có chế tài cụ thể
Tại Diễn đàn bản quyền tác giả Việt Nam - Hàn Quốc 2016 vừa diễn ra, bà Phạm Thị Kim Oanh, Phó cục trưởng Cục Bản quyền tác giả tóm tắt về tình hình môi trường internet đã làm nảy sinh các vấn đề mới về bảo vệ quyền tác giả, quyền liên quan về âm nhạc, văn học, truyền hình. Theo bà Oanh, vấn đề trên đã rất phức tạp, đa dạng và vượt ra khỏi địa lý biên giới quốc gia. Nguyên nhân bắt nguồn từ việc thiếu cơ sở hạ tầng công nghệ quốc gia để giám sát và theo dõi vi phạm quyền tác giả, quyền liên quan như phải có phần mềm theo dõi hành vi vi phạm khiến giải quyết vấn nạn xâm phạm bản quyền đang đi vào ngõ cụt.
Ông Trương Xuân Thanh, PGĐ Công ty BHD bức xúc cho rằng, xâm phạm bản quyền đã gây hại nhiều tỷ đồng cho công ty cũng như các đối tác của BHD. Ông Thanh liệt kê: Chúng ta chỉ tìm được các hành vi vi phạm mà không tìm và chỉ đích danh được những người vi phạm. Không tìm được những nhà tài trợ đứng sau những người này, không tìm được những công cụ mà họ vi phạm. “Chúng ta không có một chế tài nào để răn đe và ngăn chặn những hành vi tương tự. Vì người vi phạm áp dụng công nghệ cao hơn với các hình thức tinh vi hơn, thay hình đổi dạng lợi dụng các nhà cung cấp đường truyền và tiếp tục kiếm lời trên công sức của chúng tôi”, ông Thanh bức xúc.
Bà Phạm Thanh Thủy, thuộc đơn vị Truyền hình K+ chỉ ra thực trạng khi đơn vị bà phát sóng phim chiếu rạp Để Mai tính 2 (2015), chỉ sau 2 phút bộ phim đã bị ăn cắp và sau đó phát tán trên mạng. Bộ phim Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh ngay sau khi chiếu trên K+ đã bị thu trái phép lại và chiếu trên mạng cả tháng trời.
Trong khi đó, lý do khiến nhạc sĩ Phó Đức Phương, Giám đốc Trung tâm Bảo vệ Quyền tác giả Âm nhạc Việt Nam đang đau đầu chính là công nghệ phần mềm, công cụ cần thiết để theo dõi sự vi phạm trong các lĩnh vực kinh doanh truyền hình, nhạc số, hoạt động lưu trữ, phân phối cho các thành viên. Ông lý giải: Vì không có phần mềm chuyên dụng ghi lại các chương trình phát sóng, nên chúng tôi gặp khó khăn trong việc đàm phán và xác định bản quyền thu phí cho các đài truyền hình, phát thanh. Các đơn vị không đưa ra những căn cứ xác đáng, thuyết phục số lượng và tần xuất phát mà yêu cầu trung tâm tự đưa ra các bằng chứng để thu tiền.
Bản thân ông Phương và người của trung tâm đã vất vả làm thủ công bằng cách: Xem và nghe tất cả mọi chương trình để truy tìm đơn vị nào sử dụng âm nhạc. Thế nhưng, phía ông Phương vẫn phải đối chiếu từ đối tác sử dụng. Ông khẳng định: Việc theo dõi đối soát thủ công như vậy mới chỉ đáp ứng được 2% tổng số lượng chương trình trên cả nước.
Bị động trong ngăn chặn đối tượng ăn cắp
Ông Trần Văn Minh, Phó Chánh thanh tra Bộ VH,TT&DL cũng phải thừa nhận: So với thực tế việc phát hiện và xử lý các trường hợp vi phạm pháp luật chỉ ở mức độ khiêm tốn. Bởi người vi phạm áp dụng công nghệ hiện đại, còn cơ quan thực thi lại hạn chế, trình độ không kịp thời.
Theo ông Quản Tuấn An, Trưởng phòng Quản lý quyền tác giả, quyền liên quan, Cục Bản quyền tác giả: Cần đẩy mạnh công tác chống hành vi xâm phạm bản quyền như sử dụng các công nghệ chống vi phạm bản quyền. Ngoài ra, nâng cao các biện pháp chế tài đối với hành vi xâm phạm; Nâng cao vai trò và năng lực chuyên môn của các Tổ chức đại diện tập thể quyền tác giả, quyền liên quan và ý thức chấp hành pháp luật của mọi người.
Bản thân phía đơn vị K+ cho biết, họ cũng đã tìm giải pháp gắn các loại mã riêng cho sản phẩm của mình để có thể lần theo dấu vết nếu sản phẩm bị đánh cắp. Tuy nhiên, trong một số trường hợp không giải quyết được vấn đề kĩ thuật, vẫn phải trông chờ vào những giải pháp pháp lý.
Đại diện BHD cho biết, họ cũng đang phát triển một công cụ cho phép bám theo khoảng 40 triệu tài khoản Facebook, hàng nghìn website chia sẻ phim, thậm chí “đánh hơi” được website lậu. Khi phát hiện dấu hiệu vi phạm lập tức hệ thống gửi thư cảnh báo. Trước mắt, BHD vẫn phải hành động “mổ cò” như: Rà soát hàng ngày xác định những trang web có tác phẩm của BHD không mua bản quyền, sau đó cho nhân viên gửi email tới các địa chỉ trên. “Đôi khi, gửi email cũng phải nịnh họ, cầu xin những người này hãy không ăn cắp bản quyền của mình” và mọi thứ chỉ là hên xui, ông Thanh cho hay.
Tội xâm phạm quyền tác giả,quyền liên quan 1. Người nào không được phép của chủ thể quyền tác giả, quyền liên quan mà cố ý thực hiện một trong các hành vi: Xâm phạm quyền tác giả, quyền liên quan đang được bảo hộ tại Việt Nam, thu lợi bất chính từ 50 triệu đồng đến dưới 300 triệu đồng hoặc gây thiệt hại cho chủ thể quyền tác giả, quyền liên quan từ 100 triệu đồng đến dưới 500 triệu đồng hoặc hàng hóa vi phạm trị giá từ 100 triệu đồng đến dưới 500 triệu đồng thì bị phạt tiền từ 50 triệu đồng đến 300 triệu đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm: a) Sao chép tác phẩm, bản ghi âm, bản ghi hình. b) Phân phối đến công chúng bản sao tác phẩm, bản sao bản ghi âm, bản sao bản ghi hình. (Trích Điều 225, Bộ luật Hình sự 2015) |
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận