Thiếu nữ người Thụy Điển (16 tuổi) bị bạn trai lừa gia nhập IS |
Để tiêu diệt tổ chức khủng bố IS, thế giới không chỉ phải đối phó với chúng trên chiến trường tại Iraq hay Syria mà còn ở một thế giới ảo nhưng vô cùng rộng lớn, đó là internet và mạng xã hội. Đây là công cụ cho phép IS có thể tuyển dụng, chỉ đạo các chiến binh thánh chiến từ xa.
Một thiếu nữ Thụy Điển đã được các chiến binh người Kurd cứu thoát khỏi tay các phần tử của Tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tại miền bắc Iraq sau khi cô bị bạn trai lừa gia nhập tổ chức khủng bố này. Trả lời phỏng vấn kênh truyền hình Kurrdish TV, kể về hành trình bị bạn trai dẫn dụ, cô gái 16 tuổi cho biết, hai người yêu nhau từ giữa năm 2014 sau khi bỏ học tại Thụy Điển. “Ban đầu, chúng tôi rất hạnh phúc. Sau đó, anh ấy bắt đầu xem các video về IS, nói chuyện và trao đổi nhiều thứ với chúng trên mạng. Sau đó, anh ấy nói muốn đi sang IS. Tôi trả lời - Được, không vấn đề - vì lúc đó, tôi không biết IS là gì”.
Cặp đôi khởi hành từ Thụy Điển vào khoảng cuối tháng 5/2015. Hai người đi qua châu Âu bằng xe buýt và tàu hỏa tới tỉnh biên giới Gaziantep của Thổ Nhĩ Kỳ. Từ đây, họ sang Syria. Phiến quân IS đón hai người bằng xe buýt cùng một người đàn ông, một phụ nữ khác tới thành phố Mosul (Iraq) và cấp nhà cho họ ở - một ngôi nhà không điện, không nước. Ở đây, “tôi không có một xu dính túi - cuộc sống rơi vào cảnh cùng cực”. Rất may, ngày 17/2 vừa qua, cô được cứu và trao cho chính quyền Thụy Điển.
Câu chuyện của cô gái 16 tuổi một lần nữa cho thấy, mạng xã hội, internet đã trở thành “công cụ đắc lực” để IS len lỏi vào từng ngõ ngách, tuyển dụng hàng trăm nghìn chiến binh thánh chiến ngay cả ở những nước giàu có phát triển như Mỹ, Anh, Pháp, Thuỵ Điển…
Tiến sĩ John Horgan, nhà tâm lý học, chuyên gia phân tích hành vi khủng bố, đến từ Đại học Georgia, bang Atlanta cho biết: IS ngày càng nắm rõ tâm lý của “cư dân mạng” và “quá giỏi trong việc mồi chài, lừa đảo tham gia thánh chiến vì chúng tìm được công cụ có thể tiếp cận với thanh thiếu niên.
Qua mạng xã hội, chúng biết cách sử dụng đúng người để tiếp cận đúng đối tượng: Dùng người tầm 20 tuổi sống ở Bắc Mĩ để tiếp cận trẻ em vị thành niên, dùng phụ nữ để nhắm vào trẻ vị thành niên nữ, sử dụng người nói tiếng Anh để tiếp cận người nói tiếng Anh…”, Tiến sĩ Horgan cho biết. “Ở tuổi vị thành niên, chúng ta ai cũng có những cảm xúc, suy nghĩ tiêu cực và tham vọng như: Tôi không phù hợp với môi trường này, nó không thuộc về tôi. Tôi muốn một môi trường khác rộng lớn hơn, muốn làm điều gì đó vĩ đại hơn. Bọn tuyển dụng IS đã khai thác triệt để những điểm yếu đó”, ông Horgan nói.
Dùng công nghệ ngăn chặn bành trướng
IS sử dụng internet và mạng xã hội để tuyển quânTrong ảnh: Các phần tử IS bên cạnh cờ của tổ chức Hồi giáo cực đoan. Ảnh: AFP |
Trong một nỗ lực nhằm triệt tiêu “công cụ tuyên truyền” của IS, mới đây, Bộ Tư pháp Mỹ đã tổ chức cuộc họp với sự tham gia của các lãnh đạo cấp cao đến từ 50 công ty công nghệ như Apple, Twitter, Snapchat, Facebook, MTV và Buzzfeed… các cơ quan chính phủ như Hội đồng An ninh, Bộ Ngoại giao.
Một số cơ quan nước ngoài như Đại sứ quán Anh tại Mỹ cũng đăng ký tham gia. Giám đốc Trung tâm Chống khủng bố Quốc gia Nick Rasmussen cho biết, giới chức đang có những động thái tích cực chống IS trên mạng xã hội - nơi bọn khủng bố đã kích động những kẻ khờ dại trở thành “sói đơn độc” thực hiện tấn công man rợ.
Bên cạnh đó, ông Rasmussen đánh giá cao sự đóng góp của các tập đoàn công nghệ lớn góp phần thay đổi triệt để “nền tảng mạng xã hội”, không cho phép những phần tử cực đoan sinh sôi nảy nở. Tại cuộc họp, ông Seamus Hughes - Phó Giám đốc Chương trình chống tư tưởng cực đoan thuộc Đại học George Washington thừa nhận, Chính phủ Mỹ chưa được trang bị tốt để chống lại IS trên chiến trường ảo. Đó chính là lý do vì sao chính phủ cần sự hỗ trợ, giúp đỡ từ các công ty công nghệ.
Trong cuộc họp, các cơ quan chính phủ cùng các tập đoàn công nghệ cùng bàn thảo, lắng nghe và đánh giá các chiến lược loại bỏ thông điệp khủng bố trên mạng; xây dựng các kế hoạch để chống lại chương trình khủng bố bằng các thông điệp tích cực.
Dù vậy, một số chuyên gia còn e ngại về mức độ hợp tác giữa chính phủ và các công ty công nghệ. Thực tế, nhiều năm trở lại đây, Chính phủ Mỹ không có quan hệ tốt với các công ty công nghệ nước này (hay còn gọi là Silicon Valley) vì vấn đề quản lý nội dung mạng xã hội.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận