Bác sỹ tiến hành truyền ghép tế bào gốc tạo máu qua đường truyền tĩnh mạch trung tâm |
Như được sinh ra lần thứ hai
Tại Khoa Ghép tế bào gốc, Viện Huyết học và truyền máu T.Ư, anh Nguyễn Văn Minh (40 tuổi, ở Hải Dương) sắc mặt hồng hào, khỏe mạnh đang tái khám định kỳ sau hơn 6 tháng ghép tế bào gốc đồng loại điều trị bệnh suy tủy xương. Theo bác sỹ Nguyễn Thị Nhung, Khoa Ghép tế bào gốc, các xét nghiệm cho thấy lượng máu, tiểu cầu của anh Minh đã ổn định.
Anh Minh kể, anh mắc căn bệnh suy tủy xương từ khi mới 13 tuổi, liên tục điều trị trong gần 20 năm. Đến năm 2006, bệnh của anh trở nặng, cơ thể luôn mệt mỏi, da tái xanh, thường xuyên chảy máu chân răng. Từ đó, suốt 8 năm trời ròng rã, hàng tháng, anh đều tới Bệnh viện Bạch Mai truyền tiểu cầu và máu, chi phí khoảng 4-6 triệu đồng/lần. Thế nhưng, cơ thể anh vẫn ngày càng suy yếu, giảm đáp ứng phương án trị liệu và quá trình đào thải máu truyền vào ngày càng nhanh. “Tôi thực sự mệt mỏi, nghĩ đời mình đã hết”, anh Minh chia sẻ. May mắn thay, qua website của Viện Huyết học và truyền máu T.Ư, anh biết đến phương pháp ghép tế bào gốc và đã được ghép thành công cách đây 6 tháng.
"Từ giữa năm 2014, Viện Huyết học và truyền máu T.Ư đã triển khai ngân hàng máu cuống rốn cộng đồng để cung cấp được nguồn tế bào gốc cho bệnh nhân được chỉ định ghép tế bào gốc đồng loại. Đến nay, Ngân hàng máu cuống rốn cộng đồng đã thu thập được hơn 500 mẫu tế bào gốc từ máu cuống rốn”. Thạc sỹ Bạch Quốc Khánh Phó Giám đốc Viện Huyết học và truyền máu T.Ư |
Cũng quay lại viện tái khám sau hai năm ghép tế bào gốc điều trị bệnh bạch cầu cấp dòng tủy (một dạng ung thư máu), chị Lê Thị Phương, 46 tuổi ở Đông Anh, Hà Nội cho biết, mình như được “sinh ra lần thứ hai”. Kết quả xét nghiệm máu của chị Phương cách đây hai năm cho thấy, lượng bạch cầu tăng cao còn lượng tiểu cầu xuống thấp. Sau ba đợt điều trị hóa chất, cuối năm 2012, chị Phương được Viện Huyết học và truyền máu T.Ư ghép tế bào gốc đồng loại từ người em gái út.
“Ung thư máu vốn mặc định là vô phương cứu chữa, nhưng hai năm qua, tôi đã hoàn toàn khỏe mạnh, sinh hoạt bình thường”, chị Phương nói.
Còn bà Hoàng Anh (53 tuổi, ở Hà Nội) bị thoái hóa khớp đã chục năm. Sụn khớp thoái hóa, bị bào mòn, các mảnh sụn khớp bong ra từng mảnh trong khớp gối khiến việc đi lại của bà như một cực hình. Cách đây hai năm, bà Hoàng Anh đã mổ lấy dị vật khớp, nhưng mức độ bệnh không giảm nhiều. Tháng 3/2014, bà quyết định đến Bệnh viện Vinmec ghép tế bào gốc tự thân bên chân trái. Hai tháng sau, cơ thể đã hết đau và đi lại bình thường.
Chi phí chỉ bằng 1/10 ở nước ngoài
Theo bác sỹ Võ Thị Thanh Bình, Trưởng Khoa Ghép tế bào gốc, Viện Huyết học và truyền máu T.Ư, ghép tế bào gốc tạo máu hay thường được gọi ngắn gọn là ghép tủy là một phương pháp điều trị bệnh được ứng dụng nhiều trong ngành Huyết học và ung thư học. Phương pháp này thực hiện quá trình cấy ghép tế bào gốc tạo máu lấy từ tủy xương hoặc từ máu ghép vào cơ thể người bệnh để chữa các bệnh lý huyết học và truyền máu T.Ư, bệnh lý miễn dịch, di truyền và một số bệnh lý ung thư khác. Tại Viện Huyết học, đến nay, đã tiến hành được 142 ca ghép tế bào gốc, trong đó có 58 ca ghép tế bào gốc đồng loại và 84 ca ghép tế bào gốc tự thân. Tỷ lệ thành công khoảng 70%, tương đương các nước trên thế giới, trong khi chi phí chỉ bằng 1/10.
Hiện ở Viện Huyết học và truyền máu T.Ư, ghép tế bào gốc tự thân có tổng chi phí từ 200-300 triệu đồng/ca, trừ chi phí bảo hiểm chi trả, người bệnh phải bỏ ra khoảng 100-150 triệu đồng. Đối với ghép tế bào gốc đồng loại, tổng chi phí khoảng 600-800 triệu đồng, người bệnh phải trả 200-300 triệu đồng. “Bệnh viện cũng đã tiếp nhận một số bệnh nhân từng điều trị ở Singapore, Ba Lan nhưng chi phí quá đắt lại về Việt Nam thực hiện ghép tế bào gốc. Tại Singapore, chi phí ghép tế bào gốc tự thân tương đương là 100 nghìn USD và 150 - 200 nghìn USD với ghép tế bào gốc đồng loại, trong khi kỹ thuật tại nước ta không thua kém thế giới”, bác sỹ Võ Thanh Bình khẳng định.
Vũ Anh
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận