Thủ tục quy định trong 10 ngày, thực tế kéo dài 143 ngày
Thông tin về việc chậm triển khai dự án nhà ở xã hội UDIC Ecotower, 214 Nguyễn Xiển, ông Trần Mạnh Trung, Giám đốc Ban quản lý dự án cho biết, trước đây, UDIC Ecotower có quy mô 12 tầng, chủ đầu tư xin điều chỉnh lên nhà 25 tầng.
Bên cạnh cần thời gian điều chỉnh, chủ đầu tư còn khó khăn nữa là quỹ đất sử dụng 100% vốn nhà nước, các thủ tục về đầu tư xây dựng được thực hiện theo đúng quy định nên thời gian bị kéo dài.
"Ví dụ như xin thẩm duyệt phòng cháy chữa cháy, giai đoạn thiết kế… theo quy định có 10 ngày nhưng khi chúng tôi làm mất khoảng 143 ngày với 2 lần góp ý về những quy chuẩn trong phòng cháy chữa cháy"...
Trong khi đó, ông Nguyễn Hữu Đường, Chủ tịch Tập đoàn Hoà Bình cho biết, bản thân doanh nghiệp của ông vừa là chủ đầu tư, vừa là chủ xây dựng. Nhà ở xã hội về luật không có gì khó khăn, thậm chí rất thoáng.
Đáng nói, doanh nghiệp của ông hiện có 2 khu đất tại Lĩnh Nam (Hoàng Mai, Hà Nội), nhưng nhiều năm chưa xong pháp lý.
"Chúng tôi mua đất định làm nhà ở thương mại bởi nhà ở thương mại bán kiếm tiền dễ hơn. Thế nhưng tháng 11/2021, TP Hà Nội kêu gọi khuyến khích kêu gọi nhà ở xã hội nên tôi xin chuyển sang làm nhà ở xã hội. Dự án đã trải qua nhiều lần lấy ý kiến, đến nay, 1 dự án cấp chủ trương từ 24/4/2023 nhưng thủ tục vẫn chưa xong, 1 dự án chưa cấp chủ trương đầu tư", ông Đường thông tin.
Ông Đường cũng kiến nghị Hà Nội công bố quỹ đất làm nhà ở xã hội, quy hoạch đất làm nhà ở xã hội phải phù hợp, không thể quy hoạch nhà ở xã hội ở vùng ngoại ô, xa trung tâm như Hoài Đức, Sóc Sơn...
Triển khai nhà ở xã hội tại Hà Nội còn hạn chế
Thông tin tại tọa đàm, ông Bùi Tiến Thành, Trưởng phòng Phát triển đô thị, Sở Xây dựng Hà Nội cho biết, trong giai đoạn 2021–2025, do có dịch COVID-19, mất 2 năm, nên các dự án phải tạm dừng, ảnh hưởng lớn đến tiến độ, mục tiêu của thành phố. Qua rà soát, giai đoạn 2021–2023, Hà Nội đạt tổng số hơn 5.000 căn hộ, còn giai đoạn 2024–2025 phấn đấu thêm khoảng 2.500 căn nữa.
Về việc công khai quỹ đất xây dựng NOXH, ông Thành cho hay, trong kế hoạch 5 năm, có phân loại các dự án cụ thể đang triển khai, dự án đã phê duyệt, dự án đang xem xét… và đã được công bố công khai trên cổng thông tin điện tử. 3 tháng sở lại cập nhật các ô đất, dự án, để báo cáo thành phố ra văn bản, cập nhật vào kế hoạch phát triển nhà ở 5 năm và công bố trên cổng thông tin điện tử thành phố cũng như Sở Xây dựng.
Cũng theo ông Thành, Hà Nội có nhiều biện pháp quản lý việc bán, cho thuê, thuê mua NOXH, đảm bảo đúng đối tượng, không để lợi dụng chính sách trục lợi cá nhân. Qua đó, ở cấp huyện cũng phải thành lập tổ giám sát, thậm chí xuống tận cấp phường, giám sát cộng đồng trong việc tiếp nhận xét duyệt, bốc thăm, không để lợi dụng, trục lợi, trường hợp nào vi phạm sẽ thu hồi.
Sau các ý kiến của doanh nghiệp, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh, Bộ Xây dựng, cho biết sẽ có đề nghị với Hà Nội sớm xem xét giải quyết việc này.
Ông Sinh thông tin thêm, thời gian qua, Bộ Xây dựng có quá trình làm việc với TP Hà Nội liên quan đến phát triển NƠXH. Bộ Xây dựng nhận thấy TP Hà Nội còn rất nhiều việc phải làm, đặc biệt là sự quan tâm chỉ đạo của thành phố và các sở ban ngành trong việc công khai quỹ đất.
"Thực tế Hà Nội dành nhiều quỹ đất phát triển NƠXH, nhưng triển khai thực hiện còn có hạn chế nhất định. Qua ý kiến của doanh nghiệp, Bộ Xây dựng sẽ có buổi làm việc với TP Hà Nội về nội dung này", Thứ trưởng Sinh khẳng định lại lần nữa.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận