Ca Covid-19 tại Hà Nội tử vong sau 19 tiếng nhập viện
Sáng 23/4, trao đổi với PV Báo Giao thông, PGS.TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Khám, chữa bệnh, Bộ Y tế cho biết: Ca tử vong vì Covid-19 vừa ghi nhận tại Hà Nội là bệnh nhân nam, 47 tuổi, rối loạn đông máu. Đây là ca đầu tiên tử vong vì Covid-19 trong năm 2023. Bệnh nhân qua đời sau khi nhập viện, điều trị tại BV Bệnh nhiệt đới Trung ương.
Tăng bệnh nhân Covid-19 nặng nhập viện điều trị (ảnh minh họa)
Liên quan đến ca tử vong này, bác sĩ BV Bệnh nhiệt đới TƯ cho biết, bệnh nhân được chuyển đến từ BV Phổi Hà Nội trong tình trạng nguy kịch, thở máy, sốc nhiễm khuẩn, rối loạn đông máu nặng, suy đa phủ tạng.
Ngay sau khi tiếp nhận bệnh nhân, các bác sĩ nơi đây đã nỗ lực can thiệp cấp cứu, truyền chế phẩm máu và dùng thuốc điều trị hồi sức tối đa, tuy nhiên chỉ sau 19 tiếng nhập viện, bệnh nhân đã không may mắn, qua đời.
“Được biết, 2 tháng trước bệnh nhân từng điều trị bệnh viêm phổi, tràn dịch màng phổi tại BV Phổi Trung ương”, bác sĩ của bệnh viện cho biết thêm.
Theo thống kê của Bộ Y tế, trong tuần vừa qua (tính từ ngày 15-22/4), cả nước ghi nhận 13.475 ca mắc mới Covid-19 tăng khoảng 6,2 lần so với tuần liền kề trước đó (từ 8-14/4, với 2.000 ca).
Ngày 22/4 ghi nhận bệnh nhân tử vong vì Covid-19 đầu tiên sau gần 4 tháng không ghi nhận ca tử vong nào. Tính đến nay cả nước có 43.187 bệnh nhân Covid-19 tử vong, chiếm tỉ lệ 0,4% so với tổng số ca nhiễm.
Về tình hình tiêm vaccine phòng Covid-19, đến nay đã thực hiện tiêm 266.142.934 liều ở các lứa tuổi.
Cần đánh giá miễn dịch cộng đồng với vi rút SARS-CoV-2
Mới đây, Thủ tướng giao Bộ Y tế đánh giá miễn dịch cộng đồng với vi rút SARS-CoV-2, tăng cường tiêm vaccine Covid-19, kiểm soát ổ dịch và thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch
Đồng thời, chủ động triển khai ngay kế hoạch, kịch bản, giải pháp sẵn sàng ứng phó với tình huống dịch bệnh có thể xảy ra trong trường học; tăng cường kiểm tra, đôn đốc các cơ sở giáo dục thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch.
Trước đó, Bộ Y tế đã có tờ trình gửi Thủ tướng Theo Bộ Y tế, trong đó đề cập việc Tổ chức Y tế thế giới vẫn đánh giá dịch Covid-19 là tình trạng khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng nên cần theo dõi chặt chẽ diễn biến, sự biến đổi, xuất hiện các chủng vi rút, các biến thể mới trong tương lai.
Đặc biệt, ngăn chặn nguy cơ với nhóm người có bệnh nền, người cao tuổi, người bị suy giảm miễn dịch…
Bộ Y tế kiến nghị Thủ tướng xem xét, phê duyệt công điện để tăng cường phòng chống dịch, không để dịch bệnh bùng phát trở lại. Theo đó, đề xuất Thủ tướng có chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương tiếp tục thực hiện hiệu quả các chương trình phòng, chống dịch Covid-19 và các văn bản đã chỉ đạo trước đây.
Lãnh đạo các tỉnh, thành tăng cường theo dõi, bám sát tình hình dịch bệnh; tổ chức triển khai hiệu quả các biện pháp phòng, chống dịch; kiểm tra, giám sát hoạt động này...
Tiếp tục thúc đẩy việc tiêm chủng vaccine phòng Covid-19; thường xuyên rà soát để đảm bảo các nhóm có nguy cơ mắc bệnh cao như người cao tuổi, người có bệnh lý nền, người suy giảm miễn dịch... được tiêm chủng đầy đủ, đúng lịch theo hướng dẫn của Bộ Y tế.
Đồng thời, xây dựng kế hoạch, đảm bảo đủ thuốc, vật tư, trang thiết bị phục vụ công tác phòng, chống dịch, điều trị cho người bệnh; chuẩn bị sẵn sàng cơ sở vật chất trong trường hợp phát sinh các tình huống mới của dịch bệnh; Tăng cường truyền thông về các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 tại các cửa khẩu và tại cộng đồng.
Bộ Y tế tiếp tục chủ động giám sát phát hiện sớm, xử lý ổ dịch kịp thời, không để lây lan, bùng phát trong cộng đồng và hạn chế xảy ra các trường hợp chuyển bệnh nặng, tử vong…
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận