Thế giới giao thông

Thu lợi khủng từ “mỏ” dữ liệu ô tô

Rất nhiều thông tin, dữ liệu của người điều khiển ô tô được thu thập phục vụ các mục đích khác nhau, song từ đây vấn đề quyền riêng tư cũng được đặt ra.

Nhiều hãng thu thập dữ liệu nhiều hơn mức cần thiết

Hiện nay, ô tô được kết nối có thể tạo ra dữ liệu từ ít nhất 200 cảm biến khác nhau trong xe và có thể lập hồ sơ mọi thứ, từ vị trí của người lái đến thói quen lái xe, giám sát việc sử dụng các tính năng của xe, theo dõi nhiệt độ trong xe và thời tiết bên ngoài.

Các hãng xe khẳng định mục đích thu thập các dữ liệu này là để phục vụ quá trình vận hành phương tiện, nâng cao an toàn, trải nghiệm của người dùng. Tuy nhiên, liệu các dữ liệu này có được sử dụng đúng mục đích hay không vẫn là câu hỏi còn bỏ ngỏ.

Mới đây, hãng tin Guardian dẫn nghiên cứu của Mozilla (tổ chức phi lợi nhuận tập trung vào lĩnh vực internet) thực hiện trên 25 thương hiệu ô tô cho thấy, tất cả các hãng đều không vượt qua bài kiểm tra về tiêu chuẩn đảm bảo riêng tư cho người tiêu dùng mà tổ chức này đặt ra.

photo-1695044649828

Theo Mozilla, 25 thương hiệu không đạt tiêu chuẩn đảm bảo riêng tư cho người tiêu dùng do tổ chức Mozilla đặt ra (ảnh minh họa).

Cụ thể, tất cả thương hiệu ô tô Mozilla khảo sát đều thu thập nhiều dữ liệu cá nhân của tài xế hơn mức cần thiết. Ngoài ra, những dữ liệu cá nhân này được sử dụng cho những mục đích không liên quan tới vận hành phương tiện hay quan hệ giữa hãng ô tô và khách hàng. 

Theo nghiên cứu, 6 hãng ô tô thu thập thông tin về tình trạng sức khỏe, thông tin về di truyền học của lái xe. Ngoài ra, các hãng còn thu thập thông tin về tốc độ điều khiển phương tiện, hành trình xe đi và cả những ca khúc tài xế bật trong quá trình điều khiển phương tiện.

Thậm chí, hãng Nissan còn thu thập dữ liệu về hoạt động tình dục của người ngồi trong xe. Với hãng xe Kia, ở phần chính sách quyền riêng tư, hãng nêu rõ công ty có thể thu thập thông tin về đời sống tình dục của lái xe. 

Theo chính sách này, Kia có thể lập các "thư mục dữ liệu đặc biệt" bao gồm thông tin về chủng tộc, sắc tộc, tôn giáo, xu hướng tính dục, đời sống tình dục, quan điểm chính trị của lái xe.

Kết quả nghiên cứu của Mozilla cũng cho thấy, Công ty Xe điện Tesla của Mỹ vốn nổi tiếng về xe thông minh cũng không đạt tất cả tiêu chí đánh giá của tổ chức về an ninh, kiểm soát dữ liệu, trí tuệ nhân tạo.

Trước đó, Tesla không ít lần đối mặt với chỉ trích về việc đảm bảo an toàn dữ liệu cá nhân của lái xe. Ngay đầu năm nay, hãng tin Reuters từng phản ánh về việc nhân viên Tesla chia sẻ video, hình ảnh từ camera trong ô tô.

Trong số 25 thương hiệu ô tô, chỉ có hai hãng sản xuất là Renault và Dacia khẳng định lái xe có quyền xóa dữ liệu cá nhân. Hai công ty này có trụ sở tại châu Âu, nơi người tiêu dùng được bảo vệ theo quy định bảo vệ dữ liệu chung thuộc Luật về quyền riêng tư của Liên minh châu Âu. 

Có thể thu lợi khủng từ "mỏ" dữ liệu

Từ nghiên cứu này, Mozilla cho rằng, ô tô có thể thu thập lượng khổng lồ thông tin cá nhân của lái xe thông qua các dịch vụ kết nối có trong ô tô và cả nguồn của các bên thứ ba như dịch vụ phát thanh trực tuyến Sirius XM hay bản đồ Google Maps.

"Những dữ liệu này có thể tận dụng để tạo ra thêm nhiều dữ liệu khác về người dùng thông qua suy luận về trí thông minh, khả năng và sở thích", theo Mozilla.

Trước mắt, trong bối cảnh phương tiện ngày càng hiện đại và tự động, doanh số các dịch vụ thông minh như nghe nhạc, phát video cũng như các gói đăng ký phần mềm trợ lái, tự lái ô tô sẽ tăng mạnh.

Ngoài ra, các nhà sản xuất ô tô có thể kiếm thêm 1,5 nghìn tỉ USD lợi nhuận từ các dịch vụ mới như gọi xe, các ứng dụng trong xe và nâng cấp phần mềm không dây.

Không dừng ở đó, các chuyên gia dự đoán, sẽ có nhiều dịch vụ có thể sinh lời cho các nhà sản xuất ô tô nếu họ thu thập thêm dữ liệu về khách hàng.

Nghiên cứu của Mozilla chỉ ra 84% trong số 25 thương hiệu ô tô có thể chia sẻ dữ liệu cá nhân của khách hàng với các nhà cung cấp dịch vụ hoặc nhà môi giới dữ liệu. 76% hãng xe cho biết có thể bán lại dữ liệu. 

Một trong những nhà môi giới dữ liệu ô tô độc lập có thể kể đến là công ty khởi nghiệp từ Israel mang tên Otonomo. Đây là sàn giao dịch, trao đổi dữ liệu xe hơi đầu tiên trên thế giới, từng huy động được 37 triệu USD từ 7 nhà đầu tư.

Nền tảng này được kết nối với cơ sở dữ liệu của các nhà sản xuất ô tô, lấy dữ liệu từ đó và chuẩn hóa thành một dạng tiêu chuẩn, sau đó ẩn danh và mã hóa dữ liệu trước khi gửi đến khách hàng.

Khách hàng sử dụng dữ liệu ô tô có thể là các công ty năng lượng và nhà điều hành đội xe cho đến các nhà bán lẻ như Starbucks và McDonald’s. Họ là những người muốn tìm hiểu thói quen của tài xế để dự đoán khi nào người đó chuẩn bị mua cà phê hoặc bánh mì.

Frost & Sullivan là công ty hàng đầu thế giới về tư vấn và cung cấp các giải pháp đổi mới sáng tạo trong kinh doanh cũng từng xác định có hơn 50 loại tổ chức khác nhau muốn thu lợi từ dữ liệu về phương tiện, hành vi lái xe và vị trí của tài xế.

Tổng giám đốc Tổ chức Quyền sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO) Daren Tang từng nhận định: "Nếu coi số hoá là động cơ của nền kinh tế tương lai, thì dữ liệu chính là nhiên liệu của động cơ này.

Khả năng kết nối ngày càng tăng và luồng dữ liệu thu được đang thúc đẩy sự phát triển của các công nghệ tiên tiến khác.

Trong một thế giới kết nối, hiểu được bản chất và giá trị của dữ liệu là một yếu tố rất quan trọng".


Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.