Bộ Y tế vừa ban hành Quyết định 4750 sửa đổi, bổ sung Quyết định 130 quy định chuẩn và định dạng dữ liệu đầu ra phục vụ việc quản lý, giám định, thanh toán chi phí khám chữa bệnh và giải quyết các chế độ liên quan.
Tại quyết định này, từ ngày 1/4/2024, cơ quan BHXH và các bệnh viện trong cả nước sẽ bắt đầu triển khai kiểm thử việc gửi và nhận dữ liệu điện tử giấy chuyển tuyến BHYT và giấy hẹn khám lại. Theo lộ trình, việc triển khai chính thức trong toàn quốc sẽ bắt đầu từ ngày 1/7/2024.
Theo kế hoạch chuyển đổi số trong năm 2024, Bộ Y tế sẽ phối hợp cùng với Cục C06 - Bộ Công an, BHXH Việt Nam để nghiên cứu, triển khai tích hợp 2 loại giấy tờ này trên các ứng dụng VNeID, VssID.
Khi 2 loại giấy tờ này được tích hợp trên ứng dụng VNeID, VssID, người bệnh khi làm thủ tục chuyển tuyến hoặc tái khám chỉ cần xuất trình giấy chuyển tuyến điện tử hoặc giấy hẹn khám lại điện tử trên ứng dụng VNeID hoặc VssID (có tích hợp sẵn mã QR).
Việc triển khai giấy chuyển tuyến BHYT điện tử và giấy hẹn khám lại điện tử phục vụ quản lý nhà nước về công tác chuyển tuyến BHYT, tạo kho dữ liệu tập trung phục vụ phân tích, thống kê, kịp thời điều chỉnh chính sách BHYT sát với thực tế; đồng thời, giúp công khai, minh bạch trong công tác chuyển tuyến.
Ứng dụng chuyển đổi số này hướng tới đơn giản hóa thủ tục hành chính, rút ngắn thời gian, tạo thuận lợi, tiện ích cho người bệnh, cơ sở khám chữa bệnh khi tiếp nhận, làm các thủ tục chuyển tuyến/tái khám; Hạn chế các hành vi gian lận, giả mạo trong công tác chuyển tuyến và hỗ trợ cơ quan BHXH trong công tác giám định, thanh toán BHYT.
Trước đó, nhiều ý kiến cho rằng "nên bỏ giấy chuyển tuyến" nhằm tránh yếu tố tiêu cực, giúp người bệnh thuận lợi hơn trong khám chữa bệnh. Tuy nhiên, bà Trần Thị Trang (Vụ trưởng Vụ Bảo hiểm y tế, Bộ Y tế) cho hay cơ sở khám bệnh, chữa bệnh BHYT ban đầu và chuyển tuyến khám, chữa bệnh có vai trò, ý nghĩa đặc biệt quan trọng. Nếu bỏ quy định về chuyển tuyến sẽ gây quá tải, áp lực dồn lên tuyến trung ương và xáo trộn cả hệ thống khám, chữa bệnh, ảnh hưởng đến chất lượng điều trị, mất cân đối quỹ BHYT.
Các cơ sở tuyến trung ương được giao chức năng tuyến cuối, tập trung điều trị bệnh nặng, triển khai kỹ thuật chuyên sâu, nghiên cứu khoa hoc, đào tạo. Vì vậy, không thể tập trung vào khám và điều trị các bệnh lý thông thường, chăm sóc ban đầu. Việc quá tải cũng có nguy cơ gây sai sót, tai biến, giảm chất lượng và hiệu quả điều trị, ảnh hưởng đến người bệnh.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận