Bộ trưởng Đinh La Thăng |
Trao đổi với Báo Giao thông, Bộ trưởng Đinh La Thăng khẳng định toàn bộ số tiền thu phí sử dụng đường bộ đối với xe máy đều để lại cho các địa phương để bảo trì đường sá và nhờ đó mà người dân đi lại thuận lợi hơn, đảm bảo ATGT tốt hơn. Chính vì lợi ích ấy mà đa số các địa phương đồng thuận với chính sách này và kiến nghị được tiếp tục thực hiện.
100% kinh phí thu được từ xe máy để lại cho các địa phương
Thưa Bộ trưởng, thời gian qua, một số ý kiến cho rằng, việc người dân đóng phí sử dụng đường bộ đối với xe máy là không hợp lý. Vậy căn cứ nào để áp dụng thu phí sử dụng đường bộ đối với xe máy như hiện nay?
Tôi không nghĩ lại có quy định nào thỏa mãn tất cả mọi đối tượng. Chính vì thế mới phải cần đến những chế tài khi áp dụng. Tuy nhiên, trong trường hợp thu phí đường bộ, chúng ta cần kiên trì tuyên truyền giải thích để người dân hiểu việc họ đóng phí đường bộ trước hết là vì chính quyền lợi của họ. Về phần các cơ quan chịu trách nhiệm, thì họ bị bắt buộc phải làm theo luật. Mà Điều 49 của Luật Giao thông đường bộ ngày 13/11/2008 đã quy định rõ nguồn tài chính để quản lý, bảo trì hệ thống quốc lộ và đường địa phương được bảo đảm từ Quỹ Bảo trì đường bộ. Nguồn kinh phí hình thành Quỹ Bảo trì đường bộ được Chính phủ quy định tại Điều 5, Nghị định số 18/2012/NĐ-CP ngày 13/3/2012: “Phí sử dụng đường bộ được thu hàng năm trên đầu phương tiện giao thông cơ giới đường bộ, bao gồm: xe ô tô, máy kéo; rơ-moóc, sơ-mi rơ-moóc được kéo bởi ô tô, máy kéo hay còn gọi chung là ô tô và mô tô hai bánh, xe mô tô ba bánh, xe gắn máy hay còn gọi chung là mô tô”.
Vậy là trước khi đặt vấn đề có hợp lý hay không, rồi quy trách nhiệm cho cơ quan nào đó về vấn đề thu phí mô tô, xe gắn máy, thì theo tôi cần phải bình tĩnh để hiểu rõ các quy định mà cơ quan ấy phải chấp hành. Các quy định đó là căn cứ pháp lý để thực hiện việc thu phí bảo trì đường bộ đối với các loại phương tiện, chừng nào nó còn hiệu lực.
Vậy là đã rõ. Nhưng nguồn kinh phí này được sử dụng ra sao, thưa Bộ trưởng?
Bất cứ ai cũng hiểu rằng, chống xuống cấp đường sá, cầu cống để đảm bảo an toàn, êm thuận cho việc đi lại của người dân là việc phải làm thường xuyên và luôn tiêu tốn một khoản kinh phí. Quỹ Bảo trì đường bộ là nhằm giải quyết vấn đề đó. Nó được huy động hoàn toàn để phục vụ chính người tham gia giao thông. Bằng chứng là 100% phí bảo trì đường bộ thu được từ mô tô, xe gắn máy được giữ lại ở địa phương chỉ để bảo trì hệ thống đường bộ tại chính địa phương đó.
Sau khi Nghị quyết số 96/NQ-CP ngày 7/8/2013 của Chính phủ về việc đầu tư đường giao thông nông thôn theo Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới ra đời, thì Quỹ Bảo trì đường bộ được san bớt một phần cho nhiệm vụ đó. Việc xác định tỷ lệ phân chia phải cân đối giữa nhu cầu đầu tư đường giao thông nông thôn theo chương trình xây dựng nông thôn mới và yêu cầu về quản lý bảo trì hệ thống đường địa phương; phù hợp với tình hình thu chi ngân sách địa phương và đảm bảo sử dụng nguồn kinh phí đúng quy định, hiệu quả.
Thu phí sử dụng đường bộ đối với xe máy được Chính phủ quy định tại Điều 5, Nghị định số 18/2012/NĐ-CP ngày 13/3/2012 - Ảnh: P.V |
Không có chuyện người dân phải đóng phí oan
Một số đại biểu Quốc hội bày tỏ: “Luật phải bao quát, phí và lệ phí cần được quy định mềm, giao quyền cho địa phương cân nhắc thu hoặc không thu, thu ở mức nào. Vì chỉ có địa phương mới nắm rõ được thực tế. Nếu không sẽ còn nhiều người dân phải đóng phí oan”. Quan điểm của Bộ trưởng về vấn đề này thế nào?
Thông tư số 133/2014/TT-BTC ngày 11/9/2014 của Bộ Tài chính đã có hướng dẫn rất cụ thể về mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí sử dụng đường bộ. Tại Điều 5 và Điều 12 của Thông tư này quy định đối với mức thu cũng đã tính đến yếu tố linh hoạt khi chỉ quy định mức thu tối đa cho từng loại dung tích xe (cụ thể 100 nghìn đồng/ năm với xe máy dung tích dưới 100 cc, 150 nghìn đồng với loại xe máy có dung tích lớn hơn), còn việc có thu hay không thu, thu ở mức nào, tổ chức thu ra sao sẽ do HĐND cấp tỉnh phê duyệt.
Tại Điều 12 Thông tư này cũng đưa ra những quy định rất cụ thể như quy định “Xây dựng mức thu, phương án tổ chức thu, cơ quan thu phí, tỷ lệ để lại cho cơ quan thu (tỷ lệ để lại cho từng đơn vị trong trường hợp giao cho các đơn vị cùng thực hiện thu phí); Quy định tỷ lệ phân chia giữa phần nộp ngân sách địa phương để cấp cho UBND cấp xã sử dụng chi cho đầu tư đường giao thông nông thôn theo Chương trình xây dựng nông thôn mới và phần bổ sung Quỹ địa phương; Quy định quản lý, sử dụng phí sử dụng đường bộ đối với xe mô tô áp dụng trên địa bàn; Quy định về quy trình HĐND và UBND cấp tỉnh xem xét, quyết định cụ thể về mức thu, quản lý và sử dụng phí thu được sau khi được HĐND phê duyệt”
Tôi nghĩ tất cả các khâu đều rất minh bạch, chi tiết và chỉ cần thực hiện đúng các quy định ấy là đủ đảm bảo thỏa mãn các yêu cầu mà một số đại biểu Quốc hội nêu ra. Tôi chỉ thực sự không hiểu ý kiến cho rằng, nhiều người dân phải đóng phí oan, khi mọi người đều biết toàn bộ nguồn phí đó quay lại phục vụ chính nhu cầu giao thông của họ?
Cũng có ý kiến của người dân cho rằng, xe máy của họ chỉ đi trong ngõ xóm, chỉ đi một đoạn đường ngắn hay chỉ để cất ở nhà là chủ yếu. Tại sao vẫn bị thu phí như đối với những xe máy đi nhiều. Bộ trưởng lý giải điều này thế nào?
Đã là luật thì phải lấy lợi ích của số đông làm mục tiêu phục vụ, chứ không thể làm thỏa mãn từng nhóm đối tượng bằng những nội dung riêng biệt. Chúng ta cũng không nên tán thưởng những ý nghĩ như bạn vừa nêu trong một Nhà nước pháp quyền hiện đại. Nếu chỉ thuần túy là vấn đề dân trí, thì có thể thông cảm được và khi đó nhiệm vụ không còn chỉ của một bộ, ban, ngành nào, mà của cả hệ thống chính quyền.
Nhưng hiện vẫn còn có những người dân nghèo đến mức chiếc xe máy của họ chỉ giúp được họ lo ăn từng ngày và ngay cả khoản thu phí như quy định cũng gây thêm khó khăn?
Theo quy định thì những trường hợp như vậy đều được miễn thu phí bảo trì đường bộ. Quy định cũng hướng dẫn cụ thể việc xác định đối tượng nào được miễn thu hoàn toàn giao cho địa phương tự quyết định dựa trên các tiêu chuẩn do địa phương ban hành. Trường hợp địa phương chưa có quy định thì thực hiện theo quy định của Thủ tướng Chính phủ về hộ nghèo.
Thực tế thời gian qua có địa phương rất tích cực thu phí sử dụng đường bộ đối với xe máy, nhưng có địa phương lại không thu. Vậy sắp tới Bộ GTVT sẽ có hướng xử lý thế nào với vấn đề này?
Quỹ Bảo trì đường bộ Trung ương đã có Văn bản số 12/QBTĐBTW-VB ngày 29/1/2015 gửi các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đề nghị đánh giá chính sách thu phí sử dụng đường bộ đối với xe máy. Đến nay, đã có 27/63 tỉnh, thành phố gửi báo cáo đánh giá cụ thể trong đó 24/27 tỉnh đánh giá tích cực về chính sách thu phí sử dụng đường bộ đối với xe máy. Đồng Nai và Bà Rịa - Vũng Tàu thì đề nghị bỏ thu phí sử dụng đường bộ đối với xe máy, nhưng lại kiến nghị Quỹ Bảo trì đường bộ Trung ương phân bổ bổ sung nguồn kinh phí từ thu phí ô tô để địa phương bảo trì các tuyến đường vì kinh phí địa phương khó khăn. Chỉ có Đà Nẵng là còn chờ ý kiến của các địa phương khác rồi mới quyết định theo đa số.
Như vậy có thể đưa ra nhận định sơ bộ: Quỹ Bảo trì đường bộ là một nguồn quan trọng cho các địa phương để duy tu, bảo dưỡng hệ thống giao thông. Vấn đề còn lại chỉ là thực hiện việc thu phí như thế nào? Hiện tại thì cả 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đều đã ban hành mức thu và vẫn thực hiện thu phí đường bộ đối với mô tô và xe máy. Mặc dù việc thu phí sử dụng đường bộ đối với xe máy còn chưa cao do nhiều nguyên nhân khác nhau, nhưng qua đánh giá, đại đa số các địa phương đều đồng thuận với chính sách thu phí sử dụng đường bộ đối với xe máy và kiến nghị tiếp tục được thực hiện.
Dự kiến trong thời gian tới, Quỹ Bảo trì đường bộ Trung ương sẽ tổ chức đánh giá kết quả ba năm thực hiện, công khai những việc đã làm được, những việc còn tồn tại, những quy định chưa thật hợp lý và nghe phản biện từ các chuyên gia, từ đó có những điều chỉnh phù hợp để chính sách thu phí sử dụng đường bộ phát huy được tính tích cực cao nhất, đồng thời tạo sự công bằng đối với mọi người dân tham gia đóng phí và tạo được sự đồng thuận trong xã hội.
Trân trọng cảm ơn Bộ trưởng!
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận