Muốn phát triển vận tải thủy, cần nâng tĩnh không các cây cầu
Phát biểu tại buổi làm việc, ông Nguyễn Xuân Sang, Thứ trưởng Bộ GTVT cho rằng, hệ thống các cây cầu hiện có đã và đang góp phần rất lớn cho việc phát triển kinh tế - xã hội ở tỉnh Đồng Tháp thời gian qua.
Đồng thời, hệ thống các cây cầu hiện hữu tạo sự kết nối liên tục và thuận lợi cho việc đi lại của người dân cũng như vận chuyển hàng hóa của doanh nghiệp đang hoạt động trên địa bàn tỉnh.
Tuy nhiên, muốn phát triển hơn nữa, một số cây cầu ở Đồng Tháp cần được nâng tĩnh không, trong đó có ba cây cầu là Hồng Ngự, Giồng Găng và Sa Đéc. Bởi sau thời gian sử dụng, các cây cầu này ảnh hưởng đến giao thông đường thủy, đặc biệt là vào mùa lũ, nước dâng cao.
Cụ thể, theo kế hoạch nâng tĩnh không, các cây cầu Hồng Ngự và cầu Giồng Găng sẽ được khởi công ngày 15/4. Riêng cây cầu Sa Đéc dự kiến khởi công trước ngày 20/5 để xây dựng cầu tạm, tháo dỡ cầu cũ bắt đầu trong giữa tháng 7.
Vướng giải phóng mặt bằng
Ông Trần Quốc Bảo, Phó giám đốc Ban quản lý các dự án đường thủy, Bộ GTVT cho biết, để có thể khởi công cây cầu Sa Đéc, tổng diện tích đất phải thu hồi là 1,51 hec-ta, với tổng số hộ phải bồi thường là 83 hộ.
Đối với cầu Hồng Ngự, tổng diện tích đất phải thu hồi là 1,665 hec-ta, với tổng số hộ phải bồi thường là 95 hộ.
Còn cầu Giồng Găng có tổng diện tích đất phải thu hồi là 1,665 hec-ta, với tổng số hộ phải bồi thường là ba hộ nằm bên phía ĐT842 thuộc xã An Phước, huyện Tân Hồng (Đồng Tháp)...
Ngoài ra, cả ba cầu đều vướng đường điện, đường ống nước sinh hoạt...
Theo ông Bảo, khó khăn lớn nhất hiện nay trong việc nâng tĩnh không ba cây cầu trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp là việc phải điều chỉnh nguồn vốn GPMB cho các địa phương từ năm 2023 sang năm 2024 nên việc phê duyệt phương án đền bù, GPMB và tiến hành chi trả chỉ được thực hiện sau khi có nghị quyết thu hồi đất bổ sung trong năm 2024.
Do đó, để kịp thời di dời các công trình hạ tầng kỹ thuật nằm trên cầu cũ, chi trả đền bù và bàn giao mặt bằng được cho các đơn vị thi công, Ban quản lý các dự án đường thủy đề nghị Bộ GTVT xem xét, chấp thuận việc kéo dài kế hoạch vốn năm 2023 còn lại sang năm 2024.
Tích cực tháo gỡ khó khăn
Đối với GPMB các cây cầu trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp, Ban quản lý các dự án đường thủy đề nghị Công ty Điện lực Đồng Tháp, Công ty CP Cấp nước và Môi trường đô thị Đồng Tháp khẩn trương hoàn thiện phương án, tổ chức di dời công trình hạ tầng kỹ thuật (đường điện, đường nước) trong phạm vi giải phóng mặt bằng để triển khai thi công.
Trong tháng 4, hoàn thiện phương án bồi thường. Sớm chi trả và bàn giao mặt bằng còn lại của dự án trước ngày 30/6.
Phối hợp với Sở GTVT tỉnh Đồng Tháp về phương án điều tiết đảm bảo giao thông đường bộ để sớm có thể thực hiện việc tháo dỡ cầu cầu Sa Đéc trong tháng 7.
Liên quan đến vấn đề này, ông Trần Trí Quang, Phó chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp chỉ đạo các đơn vị liên quan của tỉnh tích cực phối hợp với Ban quản lý các dự án đường thủy sớm bàn giao mặt bằng sạch để việc nâng tĩnh không ba cây cầu là Hồng Ngự, Giồng Găng và Sa Đéc sớm được thực hiện theo đúng kế hoạch đề ra.
Ông Nguyễn Xuân Sang, Thứ trưởng Bộ GTVT đánh giá cao sự chủ động phối hợp của tỉnh Đồng Tháp trong việc nâng tĩnh không các cây cầu.
Đồng thời, ông chỉ đạo Ban quản lý các dự án đường thủy tích cực phối hợp với các đơn vị liên quan của tỉnh Đồng Tháp sớm tháo gỡ các vấn đề liên quan để việc nâng tĩnh không ba cây cầu này theo tiến độ phê duyệt.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận