Ngày 30/9, Bộ GTVT phối hợp UBND TP Cần Thơ tổ chức Hội nghị Thúc đẩy phát triển vận tải thủy phục vụ xuất nhập khẩu hàng hóa khu vực ĐBSCL. Hội nghị do Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Xuân Sang chủ trì.
Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Xuân Sang phát biểu tại hội nghị
Doanh nghiệp không nên chỉ trông chờ vào Bộ
Tại hội nghị, Thứ trưởng Nguyễn Xuân Sang cho biết, sau 40 năm, Bộ đã hoàn tất dự án nạo vét tuyến luồng kênh Tắt - Quan Chánh Bố - sông Hậu, mở ra một giai đoạn mới cho việc phát triển vận tải biển, vận tải thủy không chỉ phục vụ TP Cần Thơ, khu vực lân cận mà còn cho cả vùng ĐBSCL, góp phần vào phát triển kinh tế của cả nước.
Sau khi tuyến luồng đưa vào hoạt động với độ sâu luồng -6,5m, cho phép tàu biển có trọng tải 10.000 tấn đầy tải, tàu 20.000 tấn giảm tải. Nhờ vào đó, số lượng hàng hóa thông qua cảng tăng đều hàng năm.
Hiện Bộ đang được triển khai thực hiện dự án nạo vét luồng kênh Quan Chánh Bố giai đoạn 2. Trong đó, hạng mục quan trọng nhất, nâng cao năng lực của tuyến luồng, đó là đầu tư 2 khu tránh tàu trên luồng Quan Chánh Bố.
“Bộ đang đẩy nhanh tiến độ để sang năm, trễ nhất là quý 2 sẽ hoàn tất dự án này. Với kết quả của giai đoạn 2 thì chắc chắn khối lượng bồi lắng trên luồng giảm đi, tốc độ chạy tàu trên luồng sẽ tăng lên, năng lực thông qua tuyến luồng sẽ được cải thiện.
Vấn đề đặt ra là làm sao có thể khai thác có hiệu quả cơ sở hạ tầng hiện có, làm cho hàng hóa của chúng ta thông thương nhiều hơn, mạnh hơn.
Mục tiêu này rất lớn, hy vọng, nỗ lực rất lớn nhưng giải pháp như thế nào không chỉ trông chờ vào Bộ, địa phương mà còn trông chờ rất nhiều vào sự nỗ lực của các đơn vị, các doanh nghiệp vận tải biển, thủy, logistics”, Thứ trưởng Nguyễn Xuân Sang nhận định.
Tại hội nghị, các đại biểu đã chỉ ra nhiều hạn chế, bất cập, ảnh hưởng đến sự phát triển của vận tải thủy, nhất là tình trạng hệ thống bến cảng còn manh mún, nhỏ lẻ, thiếu sự liên kết, chưa khai thác hiệu quả hệ thống hạ tầng hiện hữu.
Tàu biển có trọng tải lớn vào sông Hậu.
Ông Phùng Ngọc Minh, Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Tân Cảng Sài Gòn, nhận định, cơ sở hạ tầng cho vận tải đường thủy nội địa chưa được quan tâm đầu tư kịp thời, đúng mức. Các trang thiết bị, điều kiện, cơ sở hạ tầng phục vụ cho hàng hóa xuất nhập khẩu còn thiếu. Các doanh nghiệp, hãng tàu, doanh nghiệp logistics, doanh nghiệp xuất khẩu chưa có sự liên kết chặt chẽ với nhau.
Từ đó, ông Minh kiến nghị, các cơ quan quản lý nhà nước và địa phương ưu tiên, tập trung đầu tư vào các tuyến thủy nội địa, tuyến luồng huyết mạch. Đơn cử như việc quy hoạch các khu công nghiệp, khu chế xuất có bến thủy nội địa tổng hợp.
Còn đại diện Hiệp hội Đại lý Môi giới và Dịch vụ Hàng hải Việt Nam (Visaba) thì đề xuất, nghiên cứu, bổ sung thêm quy hoạch hệ thống cảng thủy nội địa tại các khu vực kinh tế trọng điểm tại các tỉnh hoặc khu vực ĐBSCL. Tăng cường tính kết nối hàng hóa đến các cảng biển trong khu vực.
Quang cảnh hội nghị.
Khai thác có hiệu quả hạ tầng hiện hữu
Kết luận tại hội nghị, Thứ trưởng Nguyễn Xuân Sang cho hay, đã có tổng thể về quy hoạch cảng biển. Hiện nay, Bộ đang giao Cục Hàng hải Việt Nam xây dựng quy hoạch chi tiết vùng đất, vùng nước, cảng biển Cần Thơ. Trong quy hoạch này chắc chắn sẽ đề cập đến quy hoạch các bến cảng hàng hóa, bến tàu. Từ đó, làm cơ sở cho TP Cần Thơ cập nhật vào quy hoạch chung của địa phương, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
‘Tôi đề nghị UBND TP Cần Thơ quan tâm, chỉ đạo, để có thể phối hợp chặt chẽ các Bộ ngành trong việc xây dựng quy hoạch chi tiết hệ thống cảng biển cũng như xây dựng chi tiết cho hệ thống bến cảng, bến thủy nội địa... Từ đó, cùng với quy hoạch cảng bến đường thủy nội địa trung ương, hình thành hệ thống đồng bộ, hoàn thiện, khắc phục dần các tồn tại, bất cập của hệ thống các cảng bến thủy nội địa hiện nay”, Thứ trưởng Bộ GTVT chỉ đạo.
Về triển khai đầu tư, Thứ trưởng Nguyễn Xuân Sang cho rằng, theo quy định, việc cấp phép đầu tư thẩm quyền thuộc về địa phương. Từ đó, Thứ trưởng đề nghị TP Cần Thơ quan tâm việc xúc tiến, ưu đãi, kêu gọi đầu tư và cấp phép đầu tư cho các doanh nghiệp đầu tư vào cảng biển đường thủy nội địa trên địa bàn TP.
Cảng Cái Cui.
“Song song với việc triển khai đầu tư, là việc nghiên cứu, áp dụng các giải pháp để khai thác hiệu quả kết cấu hạ tầng hiện tại.
Việc khai thác có hiệu quả hệ thống kết cấu hạ tầng hiện tại để vận chuyển hàng hóa, hành khách, trên địa bàn Cần Thơ cũng như đi đến các địa bàn lân cận, ngoài nỗ lực của địa phương, các cơ quan quản lý Nhà nước và Bộ GTVT, Hải quan, Biên phòng,…thì vai trò, gánh nặng đặt lên vai các doanh nghiệp.
Chúng tôi kỳ vọng vào các nỗ lực tâm huyết của các doanh nghiệp trong hội nghị ngày hôm nay để có thể tự mình phối hợp với nhau. Từ đó, gây dựng, phát triển những tuyến vận tải”, Thứ trưởng Nguyễn Xuân Sang nói.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận