Đó là một trong những nội dung đáng chú ý của Nghị định 04 quy định tiêu chuẩn, định mức sử dụng xe ô tô do Chính phủ vừa ban hành.
Lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ được sử dụng xe công cả khi đã nghỉ hưu
Nghị định quy định rõ, chức danh được sử dụng thường xuyên một xe ô tô, kể cả khi đã nghỉ công tác, không quy định mức giá là: Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng; Chủ tịch nước; Thủ tướng Chính phủ; Chủ tịch Quốc hội.
Cán bộ có chức danh là Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư BCH T.Ư Đảng, Phó Chủ tịch nước, Phó Thủ tướng Chính phủ, Phó Chủ tịch Quốc hội, Chủ tịch Ủy ban T.Ư MTTQ Việt Nam, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương, Chánh án TAND tối cao, Viện trưởng VKSND tối cao, Bí thư Thành ủy TP Hà Nội, Bí thư Thành ủy TP.HCM, các chức danh tương đương và các chức danh có hệ số lương khởi điểm từ 10,4 trở lên được sử dụng thường xuyên một xe ô tô trong thời gian công tác. Căn cứ tình hình thực tế tại thời điểm trang bị xe ô tô, Thủ tướng Chính phủ quyết định chủng loại, giá mua xe ô tô trang bị cho các chức danh này theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Tài chính trên cơ sở đề nghị của Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan trung ương, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có liên quan.
Các chức danh được sử dụng thường xuyên một xe ô tô với giá mua tối đa 1,1 tỷ đồng/xe trong thời gian công tác gồm: Trưởng ban của Đảng ở T.Ư, Ủy viên BCH T.Ư Đảng, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội, Chủ nhiệm các Ủy ban của Quốc hội, Tổng Kiểm toán nhà nước, Bộ trưởng, Thủ trưởng các cơ quan ngang bộ, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Ủy ban T.Ư MTTQ Việt Nam, Trưởng các đoàn thể ở trung ương, các chức danh tương đương và các chức danh có hệ số lương khởi điểm từ 9,7 trở lên; Bí thư Tỉnh ủy, Thành ủy các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương (trừ Hà Nội, TP.HCM).
Các chức danh của thành phố Hà Nội, TP.HCM như Phó Bí thư Thành uỷ, Chủ tịch HĐND, Chủ tịch UBND, Trưởng đoàn ĐBQH chuyên trách cũng được hưởng mức tương đương.
Không bắt buộc khoán kinh phí xe công với chức danh Thứ trưởng, Tổng cục trưởng
Các chức danh như Phó Trưởng ban của Đảng ở T.Ư, Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội, Phó Chủ nhiệm Ủy ban của Quốc hội, Phó Chánh án TAND tối cao, Phó Viện trưởng VKSND tối cao, Phó Tổng Kiểm toán nhà nước; Thủ trưởng các cơ quan thuộc Chính phủ, Thứ trưởng, Phó Chủ tịch Ủy ban T.Ư MTTQ Việt Nam, Phó các đoàn thể ở trung ương, Bí thư Thường trực Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, Tổng cục trưởng và các chức danh lãnh đạo có hệ số phụ cấp chức vụ từ 1,25 trở lên… được sử dụng xe ô tô đưa đón từ nơi ở đến cơ quan và đi công tác với giá mua tối đa 920 triệu đồng/xe.
Cùng hưởng ở mức này còn có các chức danh Phó Bí thư Tỉnh ủy, Thành ủy, Chủ tịch HĐND, Chủ tịch UBND, Trưởng đoàn ĐBQH chuyên trách các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương (trừ Hà Nội và TP.HCM). Các chức danh thành phố Hà Nội, TP.HCM như Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Phó Chủ tịch Hội đồng nhân dân, Phó Chủ tịch UBND, Phó trưởng Đoàn ĐBQH chuyên trách, Chủ tịch Ủy ban MTTQ; Chủ tịch Hội đồng thành viên, Tổng giám đốc các tập đoàn, tổng công ty do Thủ tướng Chính phủ quyết định thành lập (Tập đoàn kinh tế).
Trường hợp các chức danh có tiêu chuẩn nêu trên tự nguyện nhận khoán kinh phí sử dụng xe ô tô thì người đứng đầu sẽ căn cứ tình hình thực tế của cơ quan, tổ chức, đơn vị, tập đoàn kinh tế, phương án nhận khoán và số lượng chức danh nhận khoán kinh phí, để xem xét, quyết định việc khoán kinh phí và số lượng xe ô tô trang bị, đảm bảo tiết kiệm, hiệu quả giữa việc bố trí xe ô tô phục vụ công tác với việc khoán kinh phí sử dụng xe ô tô.
Trước đó, tháng 7/2017, Bộ Tài chính công bố dự thảo Nghị định của Chính phủ quy định tiêu chuẩn, định mức sử dụng xe ôtô để xin ý kiến nhân dân.
Theo dự thảo, để đảm bảo tiết kiệm và hiệu quả hơn trong việc sử dụng tài sản công, các chức danh có hệ số phụ cấp chức vụ từ 1,25 trở lên đang có xe đưa đón sẽ khoán kinh phí từ nơi ở đến nơi làm việc. Những cán bộ này khi đi công tác sẽ được bố trí xe phục vụ chung hoặc nhận khoán kinh phí, thuê xe dịch vụ.
Đối tượng thực hiện khoán kinh phí gồm Thứ trưởng, Tổng cục trưởng và các chức danh tương đương ở Trung ương; Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND, UBND, trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội chuyên trách, Chủ tịch Hội đồng quản trị, Chủ tịch Hội đồng thành viên, Tổng giám đốc các Tập đoàn kinh tế do Thủ tướng quyết định thành lập.
Mức khoán kinh phí sẽ do đơn vị công tác của các chức danh nêu trên quyết định theo một trong 2 phương án.
Phương án 1 là khoán gọn. Căn cứ khoảng cách đưa đón, tần suất, khoảng cách đi công tác và đơn giá dịch vụ vận chuyển của phương tiện tương đương trên thị trường tại địa phương để xác định mức khoán cụ thể cho các chức danh có tiêu chuẩn sử dụng xe.
Phương án 2 là thanh toán theo km thực tế và đơn giá dịch vụ của phương tiện vận tải tương đương trên thị trường.Nguyên tắc khoán kinh phí sử dụng xe được Bộ Tài chính đưa ra là tổng chi phí cho sử dụng xe không cao hơn chi phí sử dụng xe của năm trước liền kề (khi chưa áp dụng khoán). Đồng thời, việc khoán kinh phí sử dụng xe phải đảm bảo tiết kiệm, hiệu quả hơn việc trang bị ôtô.
Nghị định này sẽ có hiệu lực từ ngày 25/2/2019.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận