Nhiều doanh nghiệp còn vướng khi thực hiện một cửa khai báo điện tử (chụp sáng 6/5 tại Cảng vụ Hàng hải Hải Phòng) - Ảnh: Trung Thành |
Bắt đầu từ thời điểm trên, toàn bộ doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực vận tải, giao nhận sẽ thực hiện khai báo thủ tục tàu biển trên Cổng thông tin một cửa quốc gia theo địa chỉ: https://vnsw.gov.vn.
Ngoài ra, nếu doanh nghiệp chưa đăng ký tài khoản và chữ ký số để thực hiện khai báo trên Cổng thông tin một cửa quốc gia, có thể tham khảo thông tin theo địa chỉ trên hoặc trang thông tin điện tử của Tổng cục Hải quan.
Đồng thời, Tổng cục Hải quan cũng đề nghị các đơn vị liên quan tham gia xử lý thông tin trên Cổng thông tin một cửa quốc gia 24/24h hàng ngày.
Các doanh nghiệp, đại lý hãng tàu có hoạt động kinh doanh trong lĩnh vực liên quan đến vận tải, giao nhận sẽ phải khai báo thủ tục tàu thuyền Việt Nam và tàu thuyền nước ngoài nhập cảnh, xuất cảnh và quá cảnh, bao gồm cả bản lược khai báo hàng hóa điện tử (e-manifest) tại Cổng thông tin một cửa quốc gia. Doanh nghiệp nào chưa đăng kí tài khoản và chữ kí số để đủ điều kiện khai báo điện tử trên Cổng thông tin một cửa quốc gia sẽ phải tham khảo các hướng dẫn thủ tục và tải về các thủ tục hướng dẫn khai báo từ cổng thông tin này.
Doanh nghiệp còn gặp khó
Hải Phòng là một trong những địa phương đầu tiên áp dụng thí điểm mô hình cơ chế một cửa quốc gia. Ông Trần Thanh Tùng, Phòng Pháp chế, Cảng vụ Hàng hải Hải Phòng cho biết, nhiều thủ tục hành chính trong quá trình khai báo hải quan đã được giảm thiểu, mang lại hiệu quả thực sự cho doanh nghiệp. Là cơ quan quản lý Nhà nước Cảng vụ Hàng hải Hải Phòng nhận được nhiều thư khen, động viên từ DN.
Tuy nhiên, trên thực tế vẫn còn những tồn tại khi trong sáng 6/5 tại Cảng vụ Hàng hải Hải Phòng, nhiều DN còn vướng khi thực hiện một cửa khai báo điện tử. Ông Hà Văn Lượng, Công ty TNHH SITC Hải Phòng cho biết, ngày 6/5, chúng tôi vẫn phải mang theo hồ sơ giấy đến khai báo trực tiếp thủ tục chuyển cảng cùng với việc đưa hàng hóa lên bờ trong khi đã khai báo điện tử. Vì khi hàng hóa lên bờ lại liên quan đến Biên phòng, trong đó hệ thống khai báo không có. Do vậy, để nhanh và an toàn khi thông quan hàng hóa, chúng tôi hiện vẫn sử dụng hình thức hồ sơ khai báo giấy trực tiếp. “SITC là đơn vị thí điểm từ ngày đầu nhưng đến nay còn gặp khó khăn thì các doanh nghiệp khác sẽ còn nhiều bỡ ngỡ”, ông Lượng chia sẻ.
Ông Nghiêm Quốc Vinh, PGĐ Cảng vụ Hải Phòng cho biết, là đơn vị thí điểm nên Cảng vụ Hải Phòng cũng đã và đang đóng góp ý kiến nhằm xây dựng hệ thống quản lý khai báo điện tử hải quan từ các ý kiến phản ánh của DN khi tiếp cận hệ thống khai báo. “Chúng tôi cho rằng, trước khi xây dựng hệ thống cần xây dựng hành lang pháp lý cũng như đồng bộ hóa các phần mềm quản lý từ các đơn vị liên quan như: Hải quan, Cảng vụ, Biên phòng. Nhiều doanh nghiệp sẽ bị phạt oan khi nộp chậm hồ sơ trong khi hệ thống bị lỗi hay do đường truyền trục trặc”, ông Vinh cho biết.
Cần có quy chế thực hiện riêng
Ông Đỗ Đức Tiến, Phó Cục trưởng Cục Hàng Hải VN đã khẳng định như vậy khi trao đổi với PV Báo Giao thông về việc thực hiện “Cơ chế một cửa quốc gia” tại các cảng biển. Theo ông Tiến, hiện có tới 90% hàng hóa xuất nhập khẩu và quá cảnh VN được thông qua 5 khu vực cảng lớn là: Hải Phòng, TP HCM, Đà Nẵng, Vũng Tàu, Quảng Ninh.
Giai đoạn mở rộng, cả 7 thủ tục hành chính của Hàng hải được kết nối với Cơ chế một cửa quốc gia tại 5 khu vực cảng biển này. Trong đó, ba thủ tục hành chính đã thí điểm kết nối từ tháng 11/2014 là: Thủ tục tàu thuyền Việt Nam và tàu thuyền nước ngoài nhập cảnh; Thủ tục tàu thuyền Việt Nam và tàu thuyền nước ngoài xuất cảnh; Thủ tục tàu thuyền nước ngoài quá cảnh. Bốn thủ tục hành chính nữa được chính thức kết nối từ 6/5/2015 gồm: Thủ tục cho tàu thuyền nhập cảnh tại cảng dầu khí ngoài khơi; Thủ tục cho tàu thuyền xuất cảnh tại cảng dầu khí ngoài khơi; Thủ tục cho tàu thuyền hoạt động tuyến nội địa vào cảng biển; Thủ tục cho tàu thuyền hoạt động tuyến nội địa rời cảng biển.
Về phía Cục Hàng hải VN, các quy định pháp luật đã thông thoáng, phù hợp và triển khai kết nối với cổng điện tử quốc gia ở bước mở rộng 5 khu vực cảng biển này đã hoàn tất. Kế hoạch triển khai một cổng điện tử quốc gia cho toàn bộ 25 cảng biển quốc gia và 400 DN làm dịch vụ cũng được tiến hành rất tích cực, hiện cũng đã sẵn sàng để kết nối.
Tuy nhiên, đến nay việc triển khai cơ chế một cửa quốc gia còn rất nhiều vướng mắc. Trong đó, có tới cả chục quy định trong các văn bản pháp luật không phù hợp, cần phải được sửa, bỏ và rất nhiều vướng mắc khác.
Để "Cơ chế một cửa quốc gia" triển khai thực sự hiệu quả, tạo thuận lợi cho DN, ông Tiến cho rằng, Bộ GTVT cần kiến nghị Thủ tướng Chính phủ ban hành Quy định quy chế thực hiện riêng cho "Cơ chế một cửa quốc gia", trong đó quy định cụ thể về quy trình thực hiện thủ tục điện tử đối với 7 thủ tục hành chính thuộc lĩnh vực hàng hải. Cùng đó, hồ sơ điện tử, gồm các biểu mẫu khai điện tử, giấy tờ phải khai và gửi lên Cổng thông tin một cửa quốc gia cũng phải quy định chặt chẽ.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận