Xã hội

Thủ tục rườm rà, các Hội do nhân dân thành lập bị “làm khó”

07/07/2016, 20:47

Các quy định trong Luật về Hội hạn chế quyền lập hội của dân vì phải chờ quyết định ở cơ quan nhà nước.

13588858_901374509991663_364578934_o

Toàn cảnh Hội thảo về Môi trường pháp lý cho các tổ chức xã hội, nhu cầu đặt ra đối với Luật về Hội

Sáng 7/7, Liên hiệp các Hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam (VUSTA) tổ chức Hội thảo “Môi trường pháp lý cho các tổ chức xã hội – nhu cầu đặt ra đối với Luật về Hội”.

Gần 9.000 hội được Nhà nước “bao cấp”

Theo số liệu được cung cấp tại Hội thảo, hiện cả nước có 500 Hội, tổ chức phi chính có phạm vi toàn quốc, hơn 4.000 hội, tổ chức phi chính phủ có phạm vi cấp tỉnh và hàng vạn hội, tổ chức phi chính phủ ở phạm vi huyện, xã… Ngoài 6 tổ chức chính trị xã hội không thuộc đối tượng áp dụng của Luật về hội, còn 8.792 hội có tính chất đặc thù được Nhà nước đảm bảo về nhân sự, kinh phí, cơ sở vật chất.

Cũng theo báo cáo, chỉ trong 10 năm trở lại đây, số lượng hội tăng trung bình gấp 2 lần so với 30 năm trước.

Đánh giá những đóng góp tích cực của Hội hiện nay nhưng ông Thang Văn Phúc – nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ cũng chỉ ra những hạn chế trong hoạt động của hội như chưa phát huy đầy đủ chức năng, vai trò, bị “hành chính hóa”, hạn chế khả năng thu hút quần chúng... Đặc biệt, nhiều hội chưa thực hiện nghiêm 3 nguyên tắc tổ chức hoạt động tự nguyện, tự trang trải và tự chịu trách nhiệm.

Ước tính vào thời điểm cuối năm 2015 của Viện Nghiên cứu Kinh tế và chính sách, nếu tính đủ cả chi phí kinh tế - xã hội, chi phí toàn hệ thống của các tổ chức hội đoàn thể dao động 45.600 - 68.100 tỷ đồng/năm (tương đương 1-1,7% GDP). Cùng với đó, tổ chức hội có tính áp đặt hệ thống từ cấp trên T.Ư, không thực sự xuất phát từ nhu cầu của quần chúng và điều kiện địa phương, thiếu tính độc lập của các hội, Tổ chức phi chính phủ; Các cơ chế pháp lý quy định việc tư vấn, phản biện, giám sát của các Tổ chức phi chính phủ chậm được quy định nên hiệu quả trên các lĩnh vực này còn bị hạn chế…

GS Nghiêm Vi Khải

GS Nghiêm Vi Khải góp ý kiến tại Hội thảo

Góp ý kiến vào dự thảo Luật về hội, GS.Nghiêm Vi Khải – nguyên thành viên Ban Nghiên cứu của Thủ tướng cho rằng, dù chưa có Luật về Hội nhưng các hội vẫn thành lập và hoạt động bình thường nhưng “không chính danh”, do đó, nhiều nhà khoa học của VUSTA kiến nghị phải sớm hoàn thiện Luật về hội với việc làm “ra ngô ra khoai” ngay cả những khái niệm liên quan để các tổ chức xã hội có thể chính danh hoạt động trong khung pháp lý.

“Các chuyên gia cũng nhấn mạnh, việc quản lý hội không phải cho các tổ chức vào một cái hộp và cựa quậy trong đó, mà là xây dựng khung pháp lý để bảo đảm quyền tự do lập hội của người dân” – ông Khải nói.

Quy định về thành lập hội còn quá rườm rà

Đề cập đến những bất cập trong dự thảo Luật về hội, TS Hoàng Ngọc Giao – Viện trưởng Viện Chính sách, pháp luật và phát triển cho rằng luật chưa tạo điều kiện cho hoạt động của hội do nhân dân thành lập vì phải chờ cơ quan nhà nước “công nhận điều lệ thành lập hội và/hoặc người đại diện của hội”.

TS Hoàng Ngọc Giao

TS Hoàng Ngọc Giao cho rằng quy định thủ tục về thành lập hội quá rườm rà, phức tạp

Phân tích sâu hơn, TS Hoàng Ngọc Giao cho rằng, quyền lập hội của nhân dân vị hạn chế đáng kể với các quy định trong dự thảo áp đặt mô hình tổ chức và hoạt động hội theo kiểu “một doanh nghiệp cổ phần”, gây ra khó khăn, rườm rà và làm mất động lực thành lập hội của nhân dân.

“Trong dự luật không có quy định tiêu chí thế nào là được chấp nhận, thế nào là không được chấp nhận đối với điều lệ hội và người đứng đầu. Điều đó xâm phạm đến quyền lập hội của người dân rất lớn và dễ tạo cơ hội tùy tiện trong hành xử của công chức khi xét duyệt các hồ sơ xin thành lập hội. Tuy nhiên, đó chỉ là quan điểm của Chính phủ, cơ quan trình dự thảo Luật, còn quan điểm bên cơ quan thẩm tra là Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, quan điểm của nhiều ĐBQH không như vậy. Qua theo dõi tôi thấy quan điểm phổ biến trong cơ quan Quốc hội là cần phải đơn giản hóa thủ tục thành lập hội, đảm bảo quyền lập hội của người dân” – ông Giao nói.

Theo ông Giao, trong dự thảo Luật còn có bất cập về quản lý sinh hoạt của hội, đó là cơ chế quản lý nhà nước đặt ra nhiều chủ thể, một là Bộ Nội vụ, đồng thời lại đặt thêm cơ chế theo kiểu bộ chủ quản. Nghĩa là hội hoạt động trong lĩnh vực nào thì bộ chủ quản trong lĩnh vực đó cũng có thẩm quyền quản lý hội theo kiểu thanh tra, kiểm tra, giám sát. Điều này không phù hợp với xu thế phát triển của xã hội nói chung cũng như của nền kinh tế thị trường. Việc đưa vào dự thảo Luật quyền thanh tra, kiểm tra như trên dẫn đến hệ quả là tạo nên sự phức tạp, rườm rà trong quản lý nhà nước.

Luật về Hội là một dự luật có số phận khá thăng trầm. Vốn có mục đích luật hóa Sắc lệnh số 102 năm 1957, cách đây đã 60 năm, dự thảo lần đầu tiên được đưa ra Quốc hội bàn năm 2006 nhưng đã phải rút về. Từ đó đến nay, 15-16 lần sửa, dự thảo luật về Hội vẫn còn quá nhiều vấn đề tranh cãi, "nâng lên đặt xuống khoảng 25 năm".

GS. Nguyễn Vi Khải, nguyên thành viên Ban nghiên cứu của Thủ tướng thẳng thắn gọi đây là một "cụ luật", và quá trình soạn thảo là một "bản trường ca", vì có quá nhiều ý kiến của các nhà khoa học, những đối tượng bị tác động, không được tiếp thu.

GS. Khải chỉ ra dự thảo luật về Hội còn có một "kỷ lục" nữa trong quá trình soạn thảo, đó là mức độ quan tâm của dư luận: 10,3 triệu kết quả so với trên dưới 1 triệu kết quả của nhiều luật khác, đồng thời kiến nghị đã đến lúc làm luật không phải chỉ để có luật nữa, mà phải đổi mới tư duy: Luật vị nhân sinh và phát triển.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.