Hôm nay (4/7), Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chủ trì phiên họp thường kỳ tháng 6 trực tuyến với 63 tỉnh, thành phố. Phiên họp sử dụng hệ thống thông tin phục vụ họp và xử lý công việc của Chính phủ (e-Cabinet), vừa được khai trương nhằm hướng tới Chính phủ điện tử, “phi giấy tờ”.
Đây là phiên họp thứ 2 của Chính phủ sử dụng e-Cabinet sau phiên họp đầu tiên ngay tại lễ khai trương hệ thống vào ngày 24/6. Các văn bản, tài liệu được cập nhật vào hệ thống để các thành viên Chính phủ nghiên cứu trước cũng như trong phiên họp.
Trước đó, trong văn bản gửi các địa phương về việc chuẩn bị cho phiên họp, Thủ tướng đã yêu cầu các địa phương không trình bày lại tình hình địa phương, chỉ phát biểu về các vấn đề lớn, đang có khó khăn, vướng mắc cần Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ tháo gỡ, gồm vướng mắc về cơ chế, chính sách, pháp luật, về cải cách hành chính, cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh ở cấp cơ sở, những vấn đề về phân cấp, phân quyền cho địa phương, cơ sở và giải pháp trong 6 tháng cuối năm 2019.
Phòng chống tham nhũng tiêu cực đi vào chiều sâu
Phát biểu khai mạc phiên họp, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh đây là phiên họp quan trọng nhằm đánh giá tình hình 6 tháng, bàn về tình hình triển khai Nghị quyết 01, 02, về công tác điều hành của Chính phủ, Thủ tướng. “Về tình hình 6 tháng, chúng ta vui mừng đánh giá trong bối cảnh quốc tế, khu vực diễn biến phức tạp và tác động đến nước ta trên nhiều phương diện nhưng chúng ta đã quyết tâm cao độ, vượt qua khó khăn, thách thức để đạt được những kết quả toàn diện trên các lĩnh vực”, Thủ tướng nhấn mạnh.
Ngoài ra, người đứng đầu Chính phủ cho biết các hoạt động đối ngoại của ta diễn ra sôi nổi, trong 6 tháng đầu năm, chúng ta đã đón 8 đoàn nguyên thủ quốc gia đến Việt Nam.
Dẫn lời Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng, Thủ tướng nhắc lại quan điểm từ khi đổi mới, chưa khi nào chúng ta có cơ đồ như ngày hôm nay, bạn bè quốc tế đánh giá cao vị thế, vai trò của Việt Nam.
Nhìn lại 6 tháng, Thủ tướng cho rằng chúng ta đã làm được nhiều việc, xây dựng kịch bản tăng trưởng, tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất kinh doanh, phát triển kinh tế tư nhân. Đồng thời tiếp tục cải cách hành chính, xây dựng Chính phủ điện tử. Các cấp, ngành, bí thư, chủ tịch 63 tỉnh, thành cũng luôn sâu sát, quan tâm đời sống nhân dân, giải quyết các vấn đề bức xúc, bảo đảm cuộc sống cho người dân.
Trong đấu tranh phòng chống tham nhũng, tiêu cực, người đứng đầu Chính phủ nhận định đã thực sự đi vào chiều sâu khi nhiều vụ tham nhũng lớn được phanh phui và xử lý nghiêm minh, tạo niềm tin cho người dân; nhiều vụ thanh tra lớn được kết luận trong 6 tháng đầu năm.
Ông đề nghị các địa phương tập trung vào những khó khăn, yếu kém để bàn kỹ, đưa ra quyết sách giải quyết, không để khó khăn kéo dài.
Người đứng đầu Chính phủ cũng nhấn mạnh một số vấn đề cần tập trung thảo luận như tình hình dịch tả lợn châu Phi diễn biến phức tạp; Đầu tư công chưa được cải thiện, giải ngân vốn ODA thấp ở mức đáng báo động, mới đạt gần 15% so với kế hoạch đề ra.
Tình hình sản xuất kinh doanh tại các doanh nghiệp vừa và nhỏ còn khó khăn, cắt giảm điều kiện kinh doanh chưa được tiến hành một cách thực chất. Bên cạnh đó, văn hóa xã hội phát sinh nhiều vấn đề như gian lận thi cử, xâm hại trẻ em, nhiều vụ trọng án giết người dã man, nhiều vụ án ma túy và đánh bạc trên mạng quy mô lớn. Tình hình tai nạn giao thông dù giảm cả 3 tiêu chí vẫn diễn ra phức tạp, nghiêm trọng.
Vẫn còn một bộ phận công chức bê trễ, lơ là công việc
Đặc biệt, tại phiên họp này, Thủ tướng nói muốn nhấn mạnh với các bộ, ngành, địa phương về tinh thần, thái độ làm việc của cán bộ, công chức. Theo ông, đại đa số cán bộ làm tốt, có nhiều cố gắng, có trách nhiệm nhưng vẫn còn một bộ phận nhũng nhiễu, tiêu cực hoặc bê trễ, lơ là công việc, kể cả lãnh đạo cơ quan, đơn vị. “Các cấp các ngành cần chấn chỉnh ngay tình trạng này, không để đến khi vi phạm phải xử lý dẫn đến mất cán bộ”, Thủ tướng nhắc nhở.
Ông cũng quán triệt cần chấm dứt ngay tình trạng nói hay làm dở, làm chậm, kể cả chuyển đơn lòng vòng khiến người dân bức xúc. Người đứng đầu Chính phủ cũng chỉ ra nhiều vấn đề phát sinh ở các bộ, ngành, địa phương như quản lý tài nguyên rừng, quy hoạch phát triển đô thị, đấu giá đất đai, quản lý sử dụng tài sản công…. Hoặc những tồn tại “ai cũng thấy” như Luật Quy hoạch, Nghị định về BT, vấn đề sân gofl, một số công trình đã có chủ trương nhưng dậm chân tại chỗ, giải ngân chậm cả đầu tư công và ODA, thực hiện pháp luật chưa nghiêm, vi phạm ở một số địa phương, bộ ngành…
Nhấn mạnh vai trò của các bộ trưởng và lãnh đạo địa phương, Thủ tướng nhắc nhở cần có thái độ nhìn nhận nghiêm túc để thấy trách nhiệm và khắc phục trong 6 tháng cuối năm. Quan điểm được ông nhấn mạnh là không bàn lùi mà phải bàn tiến để thực hiện mục tiêu, nhiệm vụ đề ra.
Giải ngân vốn FDI đạt 9,1 tỷ USD
Báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, tăng trưởng GDP 6 tháng đầu năm ước đạt 6,76%, tuy thấp hơn mức tăng của 6 tháng đầu năm 2018 nhưng cao hơn mức tăng của 6 tháng các năm từ 2011-2017, trong bối cảnh 70% các nền kinh tế trên thế giới, trong đó hầu hết các nền kinh tế phát triển đều rơi vào tình trạng tăng trưởng chậm lại.
Đáng chú ý, ngành Nông nghiệp gặp khó khăn do dịch tả lợn châu Phi lây lan trên diện rộng nên chỉ tăng 1,3%, thấp hơn nhiều so với mức tăng 3,07% của 6 tháng năm 2018, đóng góp 0,17 điểm phần trăm vào tốc độ tăng tổng giá trị tăng thêm của toàn nền kinh tế.
Điểm sáng của khu vực này là ngành thủy sản tăng trưởng khá ở mức 6,45% do nhu cầu thị trường tiêu thụ tăng cao và là mức tăng trưởng cao nhất của 6 tháng đầu năm trong 9 năm trở lại đây. Xuất khẩu rau củ quả lần đầu tiên đạt mức hàng tỷ USD phục vụ nhu cầu trong nước và xuất khẩu, bù đắp thiệt hại do dịch tả lợn châu Phi gây ra.
Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 6/2019 giảm 0,09% so với tháng trước và CPI bình quân 6 tháng đầu năm 2019 tăng 2,64% so với bình quân cùng kỳ năm 2018. Lạm phát cơ bản tháng 6/2019 tăng 0,16% so với tháng trước.
Giải ngân vốn FDI 6 tháng đầu năm ước đạt 9,1 tỷ USD, tăng gần 8% so với cùng kỳ. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng, lượng khách quốc tế đến nước ta đều tăng.
Số liệu cập nhật ngày 2/7/2019 của Tổng cục Hải quan, xuất khẩu đạt 122,4 tỷ USD, nhập khẩu 120,8 tỷ USD, xuất siêu 1,6 tỷ USD.
6 tháng đầu năm 2019, cả nước có gần 67.000 doanh nghiệp được thành lập mới, tăng 3,8% về số doanh nghiệp và tăng 32,5% về số vốn đăng ký. Có 21.617 doanh nghiệp quay trở lại hoạt động, tăng 31,4% so với cùng kỳ năm 2018.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận