Cần Thơ đang thực hiện những quy hoạch lớn
Phát biểu tại hội nghị Công bố quy hoạch và Xúc tiến đầu tư thành phố Cần Thơ ngày 10/12 tại thành phố Cần Thơ, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cho biết, trong 6 vùng của cả nước, Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) được quy hoạch vùng đầu tiên và đã giải quyết nhiều vấn đề lớn.
Theo Thủ tướng, vấn đề ĐBSCL là sụt lún, khô hạn, hạ tầng, sạt lở, ngập mặn… không thể giải quyết một sớm một chiều. Nếu không chuyển đổi xanh thì càng ngày càng khó khăn.
Cần Thơ nằm trong khu vực phải thực hiện những quy hoạch lớn. Phải bám vào các nghị quyết của Đảng, Quốc hội, Chính phủ về vùng, về phát triển Cần Thơ và cụ thể hoá những nghị quyết này thành các chương trình, hành động, kế hoạch, dự án để triển khai.
Để làm được những điều này, Thủ tướng nhấn mạnh, Cần Thơ phải tự lực, tự cường, từ nguồn lực nội sinh của chính Cần Thơ, không trông chờ ỷ lại ở đâu cả.
"Cần Thơ là trung tâm của vùng, là đầu mối kết nối giao thông thuận lợi, phải đi lên bằng chính nội lực của mình, bằng bàn tay, khối óc, khung trời, mảnh đất của mình.
Cần Thơ cần tập trung vào các lĩnh vực như chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, xây dựng phát triển năng lượng tái tạo, kinh tế tuần hoàn, kinh tế chia sẻ, tri thức", Thủ tướng nói và nhấn mạnh tất cả những điều này phụ thuộc vào trí tuệ con người.
Tiếp đó, Cần Thơ phải phát huy từ hệ thống giao thông kết nối vùng, tạo ra không gian phát triển mới, khu công nghiệp, dịch vụ, du lịch mới. Phát triển giao thông để nâng cao giá trị của đất, tạo động lực từ hạ tầng giao thông để giảm chi phí logistics….
Thủ tướng nhấn mạnh Cần Thơ cần tăng cường hợp tác công tư, lấy đầu tư công dẫn dắt đầu tư tư. Một đồng của nhà nước thì phải huy động 5, 7 đồng của doanh nghiệp, xã hội, thậm chí là 10 đồng.
Muốn làm được vậy, Cần Thơ phải có môi trường đầu tư tốt, giảm chi phí, thủ tục hành chính, tạo điều kiện xây dựng môi trường đầu tư thông thoáng mới thu hút được, mạnh dạn vay các quỹ đầu tư khác.
Một nguồn lực được Thủ tướng lưu ý là từ cơ chế chính sách, từ thực tiễn của Cần Thơ. Thành phố cần xây dựng cơ chế chính sách để tạo tiền đề phát triển kinh tế.
Ngoài ra, Thủ tướng cũng nhắc nhở Cần Thơ phải làm tốt công tác giải phóng mặt bằng các dự án. Thủ tướng đánh giá công tác này còn ì ạch. Thành phố cần phải vận động, chăm lo đời sống của người dân, tái định cư phải bằng hoặc hơn nơi ở cũ.
"Các bộ ngành, chung tay chung sức, vào cuộc cùng Cần Thơ. Các nhà đầu tư khi đến Cần Thơ - trung tâm của vùng, nơi người dân cần cù, chịu khó có văn hoá bản sắc rõ nét, nghiêm túc, gắn bó lâu dài với Cần Thơ, tin chắc sẽ thành công trên nguyên tắc lợi ích hài hoà, rủi ro chia sẻ", Thủ tướng nói.
Kêu gọi đầu tư 56 dự án thuộc 10 lĩnh vực
Theo quy hoạch được Chính phủ phê duyệt, đến năm 2030 Cần Thơ là trung tâm tăng trưởng của ĐBSCL, là thành phố sinh thái, văn minh, hiện đại, mang đậm bản sắc văn hóa xứ Tây Đô.
Cần Thơ sẽ là trung tâm đô thị, dịch vụ thương mại, du lịch, logistics, công nghiệp chế biến, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, giáo dục - đào tạo, y tế chuyên sâu, khoa học - công nghệ, văn hóa, thể thao của vùng.
Theo đó, Cần Thơ sẽ có hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ thích ứng với biến đổi khí hậu, đáp ứng yêu cầu kết nối nội vùng, liên vùng và liên vận quốc tế.
Tầm nhìn đến năm 2050, Cần Thơ là thành phố sinh thái, văn minh, hiện đại mang đậm bản sắc sông nước, thuộc nhóm các thành phố phát triển khá ở châu Á.
Ông Trần Việt Trường, Chủ tịch UBND thành phố Cần Thơ cho biết, quy hoạch thành phố là cơ sở để địa phương tăng tốc, bứt phá nhằm hướng đến đô thị hạt nhân của ĐBSCL, phát triển thích ứng trong tình hình mới, xứng tầm với vị thế, tiềm năng.
Theo ông, quy hoạch thành phố Cần Thơ mang tầm nhìn dài hạn nhằm phát huy hiệu quả các lợi thế của thành phố, làm căn cứ khoa học và thực tiễn cho việc tổ chức không gian phát triển kinh tế - xã hội.
Qua đó xây dựng các kế hoạch phát triển 5 năm và hàng năm, đáp ứng yêu cầu phát triển chung của vùng và cả nước.
Quy hoạch là cơ sở pháp lý, tạo hành lang vững chắc cho sự phát triển bền vững của thành phố trong tương lai; là căn cứ lập, điều chỉnh quy hoạch đô thị, quy hoạch nông thôn, quy hoạch có tính chất kỹ thuật, chuyên ngành trên địa bàn thành phố.
Quy hoạch lần này cũng là nền tảng để tận dụng, khai thác tiềm năng, lợi thế của địa phương, đảm bảo hoàn thành các mục tiêu tăng trưởng theo đúng định hướng và đạt được hiệu quả cao nhất.
Trong khuôn khổ hội nghị, Cần Thơ cũng giới thiệu các mục tiêu trọng tâm và các dự án kêu gọi đầu tư bao gồm 56 dự án thuộc 10 lĩnh vực.
Trong đó, đã trao 18 bản ghi nhớ hợp tác đầu tư trong lĩnh vực phát triển hạ tầng khu công nghiệp và các hạ tầng kỹ thuật khác; 10 bản ghi nhớ hợp tác trong lĩnh vực đô thị; thương mại- dịch vụ có 10 bản ghi nhớ hợp tác đầu tư và 6 bản ghi nhớ hợp tác được trao cho lĩnh vực y tế- giáo dục và các lĩnh vực khác.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận