Xã hội

Nhiều dự án giao thông lớn ở miền Tây chậm tiến độ do thiếu cát

Các dự án giao thông tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long đang chậm tiến độ do thiếu nguồn vật liệu cát, thủ tục cấp phép khai thác kéo dài.

Đầu tư hạ tầng thích ứng biến đổi khí hậu ở ĐBSCL
Thủ tướng gỡ vướng mắc, tạo đòn bẩy phát triển hạ tầng giao thông ĐBSCL

Ngày 15/10, tại thành phố Cần Thơ, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị tháo gỡ khó khăn, vướng mắc và thúc đẩy phát triển hạ tầng giao thông khu vực Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL).

Nhiều dự án giao thông lớn ở miền Tây chậm tiến độ do thiếu cát- Ảnh 1.

Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì hội nghị tháo gỡ khó khăn, vướng mắc và thúc đẩy hạ tầng giao thông khu vực Đồng bằng sông Cửu Long.

Chậm tiến độ do thiếu cát

Phát biểu khai mạc, Thủ tướng cho biết, cách đây 3 tháng cũng tại Cần Thơ, Chính phủ đã có buổi làm việc với nội dung tương tự. Thủ tướng cũng đã có 5 lần kiểm tra trực tiếp các công trình giao thông trọng điểm ở ĐBSCL. Đây là sự quan tâm của Chính phủ đối với hạ tầng giao thông của vùng.

Thủ tướng mong rằng với tinh thần quyết tâm cao, nỗ lực lớn, quyết liệt, khó khăn vướng mắc ở đâu sẽ được tháo gỡ ở đó. "Không để trì trệ, nói là làm và cam kết thực hiện, rõ người rõ việc, rõ trách nhiệm", Thủ tướng nói.

Thủ tướng cho rằng, ĐBSCL có nhiều lợi thế nhưng cũng còn nhiều hạn chế. Trong đó, hạ tầng chiến lược giao thông còn khó khăn, hàng hóa tăng chi phí vận chuyển, giảm tính cạnh tranh, không tái cơ cấu kinh tế, hiện đại hóa được.

Trong cuộc họp này, Thủ tướng yêu cầu các vấn đề vật liệu, cát sông, cát biển, đá... đang thiếu gì, gặp khó khăn gì, địa phương, Bộ GTVT phải có đề xuất cụ thể.

"Nhân dân đang rất trông đợi các dự án hoàn thành. Thi đua 500 ngày đêm, ai làm tốt thì được khen thưởng ngay, ai làm không tốt thì sẽ xử lý", Thủ tướng nói thêm.

Tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Duy Lâm cho biết, tại ĐBSCL đang triển khai 9 dự án giao thông trọng điểm quốc gia, tổng vốn đầu tư khoảng 106.000 tỷ; trong đó, có 8 dự án đang tổ chức thi công.

Trong số các dự án đang triển khai, có 6 dự án dự kiến hoàn thành trong năm 2025: dự án thành phần Cần Thơ - Cà Mau thuộc dự án cao tốc Bắc Nam giai đoạn 2021 - 2025; Cao Lãnh - Lộ Tẻ; Lộ Tẻ - Rạch Sỏi; dự án thành phần 1 Cao Lãnh - An Hữu; đường Hồ Chí Minh đoạn Rạch Sỏi - Bến Nhất, Gò Quao - Vĩnh Thuận (đường Hồ Chí Minh); cầu Rạch Miễu 2.

Để đảm bảo hoàn thành các dự án theo Nghị quyết của Đảng, Quốc hội, Chính phủ và chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, các nhà thầu đã huy động 6.500 nhân lực, 2.200 thiết bị phù hợp triển khai 450 mũi thi công.

Nhiều dự án giao thông lớn ở miền Tây chậm tiến độ do thiếu cát- Ảnh 2.

Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Duy Lâm cho biết, nguyên nhân chậm tiến độ của các dự án chủ yếu do nguồn vật liệu cát đắp chưa đáp ứng yêu cầu.

Tuy nhiên, hầu hết các dự án đều chậm tiến độ so với kế hoạch từ 4-15%. Nguyên nhân chủ yếu do nguồn vật liệu cát đắp cho các dự án chưa đáp ứng yêu cầu. 

Cụ thể, dù đã hoàn thành thủ tục cấp phép để khai thác nguồn cát sông với tổng trữ lượng 34,1 triệu m3 nhưng công suất khai thác của các mỏ hạn chế, chưa đáp ứng tiến độ thi công.

Đơn cử, tại dự án Cần Thơ - Cà Mau, công suất khai thác, cung ứng cát đắp hàng ngày chỉ đạt 54.000/76.000m3. Việc khai thác cát biển tại Sóc Trăng công suất chỉ khoảng 15.000m3/ngày.

Một số mỏ tại An Giang và Đồng Tháp phải tạm dừng khai thác, một số mỏ khác đang trong thời gian hoàn thiện thủ tục cấp phép.

Trong khi đó theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, tỉnh Tiền Giang, Bến Tre, Vĩnh Long, Sóc Trăng cần hoàn thành thủ tục cấp phép để khai thác các mỏ trước ngày 30/8/2024.

Một vấn đề khác là nhiều mỏ tại tỉnh Tiền Giang, Bến Tre, Sóc Trăng khi khảo sát, đánh giá chất lượng, trữ lượng không đáp ứng yêu cầu. Từ đó, phải tìm kiếm các mỏ khác thay thế, ảnh hưởng đến tiến độ cấp mỏ.

Nhiều dự án giao thông lớn ở miền Tây chậm tiến độ do thiếu cát- Ảnh 3.

Cao tốc Cần Thơ - Cà Mau sẽ hoàn thành vào năm 2025.

Thứ trưởng Nguyễn Duy Lâm nhận định, nếu không kịp thời bổ sung nguồn vật liệu cho các dự án để đạt công suất theo nhu cầu trong tháng 10/2024 sẽ rất khó đáp ứng tiến độ. Đặc biệt, là các dự án có kế hoạch hoàn thành năm 2025 cần sớm được các địa phương ưu tiên giải quyết.

Nhiều giải pháp gỡ khó

Để hoàn thành các dự án theo Kế hoạch, đảm bảo mục tiêu hoàn thành 3000km đường bộ cao tốc vào năm 2025, Thứ trưởng Nguyễn Duy Lâm cho biết, Bộ đang quyết liệt chỉ đạo các chủ đầu tư, các nhà thầu phối hợp chặt chẽ với các địa phương để hoàn thiện các thủ tục cấp mỏ đảm bảo nguồn vật liệu, không để ảnh hưởng đến tiến độ thi công.

Cạnh đó, chỉ đạo các chủ đầu tư, nhà thầu căn cứ kế hoạch hoàn thành dự án, xây dựng và ban hành kế hoạch chi tiết "đường găng tiến độ" phù hợp điều kiện giải phóng mặt bằng, nguồn vật liệu, diễn biến thời tiết để làm cơ sở theo dõi, đôn đốc, kiểm soát chặt chẽ tiến độ, đặc biệt là các dự án có kế hoạch hoàn thành vào cuối năm 2025.

Về nguồn vật liệu cát đắp nền đường, các tỉnh Tiền Giang, Bến Tre, Vĩnh Long, Đồng Tháp sẽ rà soát nguồn cung, tập trung xử lý dứt điểm các khó khăn, hoàn thành toàn bộ các thủ tục cấp phép khai thác 29,72 triệu m3 cát, chậm nhất trong tháng 10/2024 để cung ứng vật liệu cho cao tốc Cần Thơ - Cà Mau, Vành đai 3 TP. HCM; Cao Lãnh - Lộ Tẻ; cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng.

Các dự án cao tốc đã giải phóng mặt bằng hơn 99%, cơ bản đáp ứng tiến độ thi công. Riêng đường Hồ Chí Minh đoạn qua tỉnh Kiên Giang đạt 56%, tỉnh Bạc Liêu đạt 82%, chưa đáp ứng yêu cầu thi công. Ngoài ra, dự án Cao Lãnh - Lộ Tẻ còn vướng mặt bằng tại nút giao Lộ Tẻ (thành phố Cần Thơ).

Giao thông ĐBSCL dưới áp lực triều cường, mưa cực đoanGiao thông ĐBSCL dưới áp lực triều cường, mưa cực đoan

Nước biển dâng, mưa cực đoan, xâm nhập mặn đang tác động ngày càng trực tiếp tới khu vực Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL). Việc đi lại, sự an toàn và sinh kế của người dân bị ảnh hưởng.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.