Trên 178 nghìn doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động
Chiều 5/11, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính giải trình, làm rõ hơn nội dung thuộc thẩm quyền Chính phủ và trả lời chất vấn đại biểu Quốc hội.
Thủ tướng cho biết, tình hình kinh tế - xã hội nước ta 10 tháng năm 2022 tiếp tục xu hướng phục hồi tích cực. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân 10 tháng tăng 2,89%; Thu ngân sách nhà nước đạt 103,7% dự toán, tăng 16,2% so với cùng kỳ; Vốn FDI thực hiện đạt 17,45 tỉ USD, tăng 15,2%; Tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu đạt 616 tỉ USD, tăng 14,1%, xuất siêu 9,4 tỉ USD.
Thủ tướng Phạm Minh Chính
Xuất khẩu nông sản đạt 45 tỉ USD và xuất khẩu gạo trên 6 triệu tấn; Sản xuất công nghiệp tăng 9%; Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 20,2%; Trên 178 nghìn doanh nghiệp được thành lập mới và quay trở lại hoạt động, tăng 58,3%...
Tuy nhiên, trước bối cảnh khó khăn, thách thức của tình hình trong nước và quốc tế, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết, công tác chỉ đạo điều hành kinh tế vĩ mô sẽ ngày càng gặp nhiều khó khăn.
"Thời gian tới, Chính phủ, chính quyền địa phương tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện quyết liệt, hiệu quả những nhiệm vụ, giải pháp đề ra; khắc phục những hạn chế, yếu kém; phấn đấu đạt mức cao nhất mục tiêu năm 2022 và tạo đà cho thực hiện kế hoạch năm 2023", Thủ tướng cho hay.
Đang kiểm soát đặc biệt một ngân hàng
Về cơ cấu lại tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu, dự án thua lỗ, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết, Chính phủ cùng các cơ quan liên quan đã tập trung chỉ đạo cơ cấu lại các tổ chức tín dụng yếu kém gắn với xử lý nợ xấu và nhiều dự án thua lỗ kéo dài.
Trong đó, đã có chủ trương, giải pháp để xử lý 4 ngân hàng thương mại yếu kém, chuyển giao bắt buộc, đang kiểm soát đặc biệt một ngân hàng thương mại cổ phần.
Với dự án thua lỗ, đến nay các cơ quan đã có phương án xử lý đối với 5 dự án và đang tích cực xây dựng phương án khả thi, hiệu quả nhất xử lý đối với 7 dự án còn lại và các dự án phát sinh khác. Bên cạnh đó, nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2, Sông Hậu 1 đã xử lý xong, đưa vào hoạt động. Mỗi dự án này có tổng mức đầu tư trên dưới 2 tỷ USD.
Thời gian gần đây, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã kịp thời điều chỉnh biên độ tỷ giá và nâng lãi suất điều hành ở mức độ hợp lý để góp phần kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô.
Thủ tướng nhấn mạnh, chúng ta không thể không quyết liệt xử lý nghiêm các sai phạm, tiêu cực. Làm như vậy không những để phát triển lành mạnh, bền vững các loại thị trường, minh bạch nền hành chính, nền kinh tế; mà còn để bảo vệ các nhà đầu tư, các định chế tài chính, ngân hàng, doanh nghiệp chân chính hoạt động an toàn, bền vững.
Người đứng đầu Chính phủ cho biết sẽ tập trung chỉ đạo xây dựng kế hoạch cơ cấu lại, tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát, quản lý rủi ro, nâng cao năng lực tài chính, quản trị của các ngân hàng yếu kém và các doanh nghiệp, dự án thua lỗ kéo dài.
"Chính phủ sẽ quyết tâm xử lý hiệu quả vấn đề này", Thủ tướng nói.
Kiểm soát thị trường vốn, bất động sản
Theo Thủ tướng, thị trường vốn đã cơ bản phát triển đầy đủ với các cấu phần thị trường cổ phiếu, trái phiếu và chứng khoán phái sinh. Tuy nhiên, thời gian gần đây các thị trường này tăng trưởng nóng, tiềm ẩn rủi ro.
Cùng với việc tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát, Thủ tướng cho biết, Chính phủ chỉ đạo xử lý nghiêm các vi phạm; sửa đổi các quy định pháp luật liên quan và thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp khắc phục tình trạng yếu kém, có giải pháp bảo đảm các thị trường này hoạt động minh bạch, lành mạnh, bền vững.
Thời gian tới, Chính phủ tiếp tục tập trung rà soát, hoàn thiện thể chế, trước hết là đề xuất Quốc hội sửa đổi pháp luật về chứng khoán, doanh nghiệp; tăng trách nhiệm giải trình, tính tuân thủ của các doanh nghiệp. Kiểm soát tốt hơn hoạt động đấu giá quyền sử dụng đất, huy động vốn của các doanh nghiệp bất động sản.
Chính phủ cũng sẽ tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, thúc đẩy phát triển thị trường bất động sản công nghiệp, nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân...
Bảo đảm chủ động, linh hoạt, hiệu quả trong quản lý thị trường xăng dầu
Về công tác điều hành giá và bảo đảm nguồn cung xăng dầu, Thủ tướng cho biết, thời gian gần đây, do giá và nguồn cung xăng dầu tiếp tục biến động nhanh, chu kỳ ngắn, khó dự báo, chi phí đầu vào tăng; trong khi đó các cơ quan chức năng chậm điều chỉnh định mức chi phí, sử dụng Quỹ Bình ổn giá chưa thật sự hiệu quả, dẫn đến hoạt động kinh doanh khó khăn, gây thiếu nguồn cung tại một số địa phương.
Sự phối hợp giữa các cơ quan quản lý còn thiếu chặt chẽ, chưa kịp thời ứng phó hiệu quả với diễn biến nhanh, phức tạp của thị trường quốc tế, trong nước.
Chính phủ đang chỉ đạo các cơ quan liên quan phản ứng chính sách kịp thời, phối hợp hiệu quả để khắc phục bằng được hạn chế, yếu kém nêu trên, bảo đảm cung ứng đủ xăng dầu cho sản xuất, kinh doanh, tiêu dùng trong mọi tình huống.
Khẩn trương rà soát, sửa đổi các văn bản quy phạm pháp luật liên quan, bảo đảm tính chủ động, linh hoạt, hiệu quả trong quản lý hoạt động kinh doanh xăng dầu. Nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước; tăng cường phòng chống buôn lậu, đầu cơ xăng dầu và công tác giám sát, kiểm tra, xác định trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân liên quan để xử lý nghiêm vi phạm theo quy định của pháp luật. Nghiên cứu, thực hiện nâng tổng mức dự trữ quốc gia và tăng cường năng lực sản xuất trong nước.
Về giải ngân đầu tư công và thực hiện Chương trình phục hồi và phát triển KT-XH, 3 Chương trình mục tiêu quốc gia Thủ tướng cho biết, xác định rõ đây là nhiệm vụ chính trị trọng tâm, cấp bách của các cấp, các ngành, các địa phương, Chính phủ đang tập trung chỉ đạo quyết liệt, đồng bộ các giải pháp để thúc đẩy thực hiện.
Đến nay đã cơ bản hoàn thành ban hành các văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thực hiện các Chương trình này.
Ước giải ngân kế hoạch vốn NSNN từ đầu năm đến 31/10/2022 đạt 297,8/580 nghìn tỷ đồng, đạt 51,34% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, thấp hơn về tỷ lệ so với cùng kỳ năm 2021 (55,8%) nhưng cao hơn về giá trị tuyệt đối là 40,4 nghìn tỷ đồng (tương đương tăng 15,7% so với số giải ngân cùng kỳ năm 2021).
Triển khai 3 Chương trình mục tiêu quốc gia và Chương trình phục hồi và phát triển KTXH đạt một số kết quả bước đầu, nhất là các chính sách giãn thuế, tiền thuê đất, miễn thuế, phí, lệ phí và hỗ trợ tiền thuê nhà.
Tuy nhiên, tình hình giải ngân vốn đầu tư công và thực hiện các Chương trình này chưa đạt yêu cầu và mong muốn của cử tri.
Chính phủ đã và đang chỉ đạo quyết liệt khắc phục những yếu kém đã chỉ ra và rà soát, tháo gỡ ngay những khó khăn, vướng mắc theo thẩm quyền; thực hiện các cơ chế đặc thù; kiến nghị cấp có thẩm quyền tháo gỡ vướng mắc trong công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, giải phóng mặt bằng; phối hợp chặt chẽ, hiệu quả giữa các bộ, cơ quan, địa phương; rà soát, điều chuyển vốn; không để dàn trải, lãng phí, tham nhũng, tiêu cực; phấn đấu giải ngân trên 95% kế hoạch.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận