3 lĩnh vực sẽ mở ra chân trời tăng trưởng mới
Sáng 25/6, Thủ tướng Phạm Minh Chính tham dự và có bài phát biểu đặc biệt tại Phiên khai mạc toàn thể Hội nghị thường niên các nhà tiên phong lần thứ 15 của Diễn đàn Kinh tế Thế giới (Hội nghị WEF Đại Liên 2024) được tổ chức tại TP Đại Liên, tỉnh Liêu Ninh, Trung Quốc.
Năm nay, lần đầu tiên Thủ tướng Chính phủ có một bài phát biểu đặc biệt tại phiên khai mạc toàn thể cùng Thủ tướng Trung Quốc Lý Cường và các nhà lãnh đạo các nước.
Trong bài phát biểu khai mạc, Thủ tướng chỉ ra ba lĩnh vực mang tính định hình, dẫn dắt và tiên phong là phát triển kinh tế số; phát triển kinh tế xanh, tuần hoàn và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, trí tuệ nhân tạo, Cách mạng công nghiệp 4.0.
Ba lĩnh vực này, theo ông, sẽ mở ra "chân trời tăng trưởng mới", tác động, ảnh hưởng sâu rộng đến toàn cầu, toàn dân, mọi lĩnh vực trên thế giới.
Các xu hướng đó đòi hỏi thế giới phải có tư duy, phương pháp luận, cách tiếp cận mới mang tính toàn cầu, toàn dân, toàn diện, cùng thắng, vì lợi ích tổng thể cả trước mắt và lâu dài của nhân loại.
Ông nêu ra 5 đặc điểm nổi bật trong thế giới ngày nay và nhấn mạnh xu hướng "phân cực trong toàn cầu hóa".
Xu hướng này dù mở ra các cơ hội về hợp tác, liên kết kinh tế, song cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro, nguy cơ đứt gãy chuỗi cung ứng, chuỗi sản xuất, cạnh tranh ngày càng gay gắt. Vì vậy, đa dạng hóa thị trường, sản phẩm, chuỗi sản xuất, chuỗi cung ứng là giải pháp phù hợp, hiệu quả.
Bên cạnh đó, nhà lãnh đạo dành thời gian nói nhiều về vai trò và tiếng nói của các nước đang phát triển ngày càng được coi trọng hơn, đóng góp chủ động, tích cực hơn trong định hình các khuôn khổ hợp tác và xu hướng phát triển mới trên toàn cầu.
Người đứng đầu Chính phủ cũng nhấn mạnh xu hướng châu Á, Trung Quốc và ASEAN ngày càng khẳng định vai trò là động lực quan trọng, là trung tâm phát triển năng động và là một trong những đầu tàu dẫn dắt thế giới đến "Những chân trời tăng trưởng mới", những chân trời phát triển mới.
"Ba cùng"
Để hướng tới những chân trời tăng trưởng mới như chủ đề của diễn đàn, Thủ tướng kêu gọi hãy cùng nhau xây dựng, củng cố lòng tin, đề cao đối thoại, phát huy tinh thần đoàn kết, thống nhất, hợp tác và phát triển, giải quyết hiệu quả các vấn đề mang tính khu vực, toàn cầu, toàn dân dựa trên luật lệ và bảo đảm hài hòa lợi ích giữa các bên liên quan.
Đặc biệt, ông nhấn mạnh không chính trị hóa và phân biệt đối xử với khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo mang tính toàn cầu.
Thủ tướng đề nghị WEF, các đối tác và cộng đồng doanh nghiệp tăng cường hơn nữa tư vấn, chia sẻ, hỗ trợ, thúc đẩy hợp tác công tư, phát huy vai trò của những nhà tiên phong trong dẫn dắt, định hướng sự phát triển.
Trong đó, ông nhấn mạnh vào 3 lĩnh vực chính là xây dựng hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường; giúp đỡ, hỗ trợ nguồn lực, tập trung phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng chiến lược như hạ tầng giao thông, hạ tầng số, ứng phó với biến đổi khí hậu, hạ tầng xã hội, hạ tầng y tế, giáo dục…; chuyển giao công nghệ tiên tiến và ưu tiên cho đào tạo, phát triển nguồn nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao.
Hội nghị WEF Đại Liên 2024 diễn ra từ ngày 25-27/6 với chủ đề "Những chân trời tăng trưởng mới", có quy mô lớn thứ hai sau Hội nghị WEF Davos.
Với sự tham gia của 1.600 đại biểu, WEF Đại Liên 2024 được tổ chức với tinh thần là nơi hội tụ, kiến tạo những ý tưởng mới, các lĩnh vực mới, các mô hình tiên phong, sáng tạo sẽ định hình các ngành kinh tế trong tương lai.
Thủ tướng Phạm Minh Chính là một trong số ít người đứng đầu Chính phủ được WEF và nước chủ nhà Trung Quốc mời tham dự Hội nghị trong hai năm liên tiếp.
Đặc biệt, Thủ tướng đề nghị tăng cường hợp tác quốc tế trong xây dựng, hoạch định và thực thi chính sách trên phạm vi khu vực và toàn cầu, tăng cường hợp tác, ưu tiên cho tăng trưởng.
Các nước cũng cần phối hợp chặt chẽ hơn nữa trong điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, kịp thời, hiệu quả, nhất là giảm mặt bằng lãi suất, ổn định tỷ giá, phối hợp đồng bộ, hài hòa với chính sách tài khóa mở rộng hợp lý, lấy đầu tư công dẫn dắt đầu tư tư.
Ông kêu gọi thúc đẩy mạnh mẽ tự do hóa thương mại, đầu tư; qua đó vừa góp phần kích thích tổng cầu trong ngắn hạn, vừa tác động tích cực đến tổng cung trong trung và dài hạn.
Dẫn lại việc Trung Quốc có câu ngạn ngữ "Độc mộc bất thành lâm" và nhà tư tưởng Hồ Chí Minh có câu "Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết/Thành công, thành công, đại thành công", Thủ tướng kêu gọi thực hiện 3 cùng.
Đó là cùng lắng nghe và thấu hiểu; cùng chia sẻ tầm nhìn và hành động; cùng làm, cùng hưởng, cùng thắng và cùng phát triển, với tinh thần lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ để cùng nhau hướng đến "Những chân trời tăng trưởng mới".
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận