Tăng trưởng GDP cao nhất khu vực nhưng thấp nhất trong 10 năm
Hôm nay (10/4), Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì hội nghị trực tuyến toàn quốc của Chính phủ với các địa phương về các giải pháp, nhiệm vụ cho 4 nội dung lớn: Tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh; Đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công; Hỗ trợ người dân, bảo đảm an sinh xã hội và Bảo đảm trật tự an toàn xã hội.
Hội nghị được tổ chức với 30 điểm cầu truyền hình tại Trung ương và 63 điểm cầu tại địa phương, tuân thủ nghiêm ngặt quy định về chống dịch như: không bố trí hơn 20 người trong một phòng, bảo đảm khoảng cách ghế ngồi…
“Đây là hội nghị 4 trong 1, nhưng cũng có thể coi đây là hội nghị tất cả trong 1 nhằm huy động tổng lực nguồn lực của đất nước để chiến thắng dịch Covid-19”, Thủ tướng nói khi phát biểu khai mạc hội nghị.
Theo Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, dịch Covid-19 gây hệ luỵ lớn với kinh tế toàn cầu, các nước, các đối tác lớn của Việt Nam đều ảnh hưởng trầm trọng. Nhiều dự báo cho thấy, dịch Covid-19 có thể gây ra suy thoái kinh tế toàn cầu nghiêm trọng trên diện rộng nếu dịch kéo dài.
Trong bối cảnh suy thoái được nhìn nhận nặng nề hơn cả đợt khủng hoảng tài chính năm 2008, chưa bao giờ các quốc gia trên toàn thế giới đồng loạt thực hiện các biện pháp kích cầu kinh tế, nỗ lực vượt qua suy thoái như hiện nay.
“Việc can thiệp của Nhà nước vào nền kinh tế lớn hơn, nhiều hơn, quyết liệt hơn khủng hoảng tài chính 2008”, Thủ tướng nói và cho biết: Tại Việt Nam, dù mức tăng trưởng GDP trong quý 1 đạt 3,82%, thấp nhất trong 10 năm qua, song vẫn cao nhất khu vực.
Chúng ta đã có các “cú hích”, gói hỗ trợ trên nhiều lĩnh vực. Có thể kể tới: gói hỗ trợ về tiền tệ (được nâng lên khoảng 300.000 tỷ đồng), gói hỗ trợ về tài khóa (khoảng 180.000 tỷ đồng), gói hỗ trợ an sinh xã hội (khoảng 62.000 tỷ đồng), gói hỗ trợ giá điện (khoảng 12.000 tỷ), gói hỗ trợ giá viễn thông (khoảng 15.000 tỷ đồng).
Lập tổ công tác đặc biệt kiểm tra dự án giải ngân không đạt kế hoạch
Thủ tướng cũng nhắc đến khoản 700.000 tỷ đồng vốn đầu tư công, tương đương 30 tỷ USD, cần giải ngân hết trong năm nay.
“Bộ, ngành nào giải ngân không đạt yêu cầu, phải kiểm điểm trách nhiệm người đứng đầu. Báo cáo Quốc hội điều chuyển công trình dự án không giải ngân đạt kế hoạch, thành lập Tổ công tác đặc biệt để kiểm tra vấn đề này”, Thủ tướng chỉ đạo.
Dẫn lại câu nói của Darwin, cha đẻ của Thuyết tiến hóa, rằng không phải loài mạnh nhất sẽ sống sót, thay vào đó, loài có khả năng thích ứng trước sự thay đổi tốt nhất mới là loài sống sót, Thủ tướng nêu rõ, sự thích ứng, quyết tâm của chúng ta rất quan trọng để vượt qua thách thức, khó khăn hiện nay.
Do đó, Thủ tướng yêu cầu hội nghị cần đưa ra được các cơ chế, chính sách, giải pháp cụ thể, mạnh mẽ, đúng và trúng để duy trì, phục hồi các hoạt động sản xuất kinh doanh, bảo đảm việc làm, đời sống trong thời gian có dịch, đặc biệt thúc đẩy nền kinh tế bật mạnh sau khi kết thúc dịch, “như một chiếc lò xo bị nén lâu ngày, phải bật ra, đuổi kịp với thời gian”.
Tháng 9, điều chuyển vốn tại các bộ, ngành, địa phương giải ngân dưới 60%
Dẫn ví dụ 2 đường băng của sân bay Tân Sơn Nhất và Nội Bài, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cho rằng, nhà thầu không nhiều, chỉ có 1 - 2 nhà thầu, thì chỉ định cho làm luôn. Trong quá trình đó hoàn thiện hồ sơ chỉ định thầu, giao thầu, đồng thời tiếp tục hoàn thiện dự toán, đơn giá và kiểm soát chặt.
- Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng -
Trong phần phát biểu của mình, Bộ trưởng Bộ KH-ĐT Nguyễn Chí Dũng khẳng định: "Đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư toàn xã hội, nhất là vốn đầu tư công được nhiều tổ chức, chuyên gia khẳng định là giải pháp hữu hiệu hiện nay".
Theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, số vốn cần giải ngân trong năm 2020 là rất lớn, gần 700 nghìn tỷ đồng. Do đó, các bộ, ngành địa phương tập trung các giải pháp đẩy nhanh tiến độ thực hiện giải ngân 100% vốn đầu tư công năm nay.
Tăng cường kỷ luật, kỷ cương, có biện pháp xử lý trách nhiệm người đứng đầu, chủ đầu tư nếu không đáp ứng tiến độ giải ngân theo kế hoạch; Phân công lãnh đạo chịu trách nhiệm theo dõi tiến độ thực hiện từng dự án…
“Trong tháng 9/2020, sẽ tổng hợp kết quả giải ngân của các bộ, ngành địa phương trình cấp có thẩm quyền quyết định việc cắt giảm kế hoạch đầu tư vốn ngân sách của các bộ, ngành, địa phương có tỷ lệ giải ngân dưới 60% để điều chuyển sang các dự án giao thông cấp bách, các dự án ứng phó biến đổi khí hậu”, Bộ trưởng Dũng cho biết.
Cũng theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, Chính phủ sẽ báo cáo Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cho phép chuyển đổi hình thức đầu tư các dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông từ PPP sang đầu tư công và cho phép áp dụng chỉ định thầu để triển khai ngay nhằm giải quyết khó khăn về cơ sở hạ tầng và nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.
Giải ngân gấp đôi năm 2019, Bộ Tài chính cam kết cấp vốn đủ
Nhấn mạnh vai trò của giải ngân vốn đầu tư công năm 2020, Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng nói: Năm 2020, số vốn phải giải ngân gấp 2,2 lần số vốn thực hiện năm 2019 (312 nghìn tỷ đồng), trong đó gồm 470,6 nghìn tỷ đồng trong dự toán NSNN 2020 và 225,2 nghìn tỷ đồng vốn 2019 chuyển sang.
Đồng quan điểm với Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cũng khẳng định: Trong bối cảnh nguồn vốn đầu tư khu vực tư nhân giảm sút, việc phấn đấu giải ngân hết nguồn lực đầu tư công sẽ góp phần quan trọng kích cầu đầu tư xã hội và duy trì tăng trưởng của nền kinh tế.
“Bộ Tài chính cam kết, đảm bảo đủ nguồn, đáp ứng đầy đủ, kịp thời tiến độ giải ngân nhiệm vụ đầu tư công nêu trên đồng thời kiến nghị Bộ, ngành địa phương theo dõi chặt chẽ tình hình triển khai từng dự án, ưu tiên bố trí vốn cho các dự án có tiến độ giải ngân tốt và các dự án cần đẩy nhanh tiến độ để sớm đưa vào sử dụng”, Bộ trưởng nói và thông tin thêm: Sẽ cho phép cơ chế giải ngân vốn vay nước ngoài trên môi trường điện tử…
“Tại thời điểm này, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ cần có quyết định bứt phá, theo lệnh khẩn cấp”, ông Dũng kiến nghị.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận