Phiên họp được kết nối trực tuyến tới điểm cầu trụ sở UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
Sau khi nghe báo cáo, ý kiến các đại biểu, kết luận phiên họp, Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ, Ban Chỉ đạo quốc gia thống nhất đánh giá bệnh Covid-19 đã đủ điều kiện đáp ứng các tiêu chí của nhóm bệnh truyễn nhiễm nhóm B theo quy định tại Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm.
Việc công bố hết dịch theo quy định của pháp luật; thẩm quyền quyết định chuyển bệnh COVID-19 từ nhóm A sang nhóm B thuộc Bộ Y tế.
Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại phiên họp của Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 (Ảnh: VGP)
Về nhiệm vụ thời gian tới, Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương tiếp tục hoàn thiện thủ tục pháp lý liên quan tới việc công bố hết dịch.
Tuy nhiên, Thủ tướng nhấn mạnh cần tiếp tục nghiên cứu 7 khuyến cáo của WHO, không lơ là, chủ quan, mất cảnh giác, xây dựng kế hoạch phòng, chống Covid-19 phù hợp tình hình mới, nhất là tăng cường y tế cơ sở, y tế dự phòng và huy động, sử dụng nguồn lực.
Thủ tướng yêu cầu Bộ Y tế tiến hành tổng kết công tác phòng, chống dịch trong tháng 6, từ đó rút ra các bài học chống dịch cho những năm tới nếu có đại dịch để không bị động, bất ngờ.
Hướng dẫn các bộ ngành, địa phương; rà soát, chủ động thực hiện hoặc đề xuất các cấp có thẩm quyền sửa đổi, bãi bỏ các quy định liên quan, hoàn thiện Kế hoạch kiểm soát, quản lý bền vững đối với dịch Covid-19 giai đoạn 2023 - 2025.
Đặc biệt, người đứng đầu Chính phủ nhấn mạnh "cần chuẩn bị sẵn sàng các điều kiện cần thiết để ứng phó với các đại dịch có thể xảy ra và dịch Covid-19 có thể quay lại". Tiếp tục triển khai tiêm vaccine phòng, chống Covid-19 phù hợp tình hình, nghiên cứu việc tiêm vaccine Covid-19 hằng năm trong chương trình tiêm chủng mở rộng, nếu vượt thẩm quyền thì báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
Thủ tướng yêu cầu UBND các tỉnh, thành phố chỉ đạo các cơ quan chuyên môn thực hiện việc rà soát tình hình dịch bệnh, công bố dịch, công bố hết dịch trên địa bàn theo thẩm quyền, căn cứ hướng dẫn của Bộ Y tế và quy định của Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm.
Các bộ ngành, địa phương tiếp tục hoàn thành xử lý các vấn đề, các công việc tồn đọng liên quan công tác phòng, chống dịch thời gian qua. Tăng cường tuyên truyền, phổ biến, nâng cao cảnh giác, làm rõ vấn đề khác nhau giữa dịch nhóm A và nhóm B để có biện pháp phù hợp.
Sau 20 kỳ họp, Ban Chỉ đạo quốc gia đã hoàn thành nhiệm vụ và thời gian tới Ban Chỉ đạo sẽ được kiện toàn phù hợp tình hình.
Có gì thay đổi khi Covid-19 thành bệnh truyền nhiễm nhóm B?
Trước đó, trao đổi với Báo Giao thông hồi tháng 3/2022, làm rõ về những thay đổi khi chuyển Covid-19 từ bệnh truyền nhiễm nhóm A sang nhóm B, PGS.TS Trần Đắc Phu, Cố vấn cao cấp Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng (Bộ Y tế) cho biết, khi chuyển sang bệnh truyền nhiễm nhóm B, người bệnh Covid-19 không được miễn phí điều trị, mà sẽ phải tự chi trả hoặc hưởng BHYT như khám chữa bệnh thông thường.
Bên cạnh đó, khi chuyển sang bệnh truyền nhiễm nhóm B, các biện pháp ứng phó với dịch sẽ thay đổi rất nhiều, từ vấn đề giám sát, quản lý ca bệnh, xét nghiệm…
Các giải pháp ứng phó không nghiêm ngặt như nhóm A nữa. Ví dụ như bệnh cúm mùa, tuy vẫn giám sát nhưng không phải giám sát toàn bộ, chỉ giám sát trọng điểm để tính toán, đánh giá tình hình dịch. Cũng không đếm ca bệnh mà chỉ ước lượng số mắc 1 năm để đánh giá.
Covid-19 khi chuyển sang nhóm B thì tùy theo tính chất, mức độ của dịch để có quyết định công bố dịch hay không. Đồng thời, các chính sách phải thay đổi.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận