Tiết kiệm gần 3.500 tỷ đồng/năm nhờ cung cấp 25 dịch vụ công thiết yếu
Sáng 10/6, Thủ tướng Phạm Minh Chính, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số đã chủ trì Hội nghị sơ kết 1 năm thực hiện Chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ việc tháo gỡ các "điểm nghẽn" Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030 (Đề án 06) và đẩy mạnh kết nối, chia sẻ dữ liệu phục vụ phát triển thương mại điện tử, nâng cao hiệu quả công tác quản lý thuế.
Thông tin tại cuộc họp, Trung tướng Nguyễn Văn Long, Thứ trưởng Bộ Công an thông tin riêng việc cung cấp 25 dịch vụ công thiết yếu theo Đề án số 06 đã giúp hằng năm tiết kiệm cho nhà nước, xã hội gần 3.500 tỷ đồng.
Lãnh đạo Bộ Công an cho biết sau một năm triển khai chỉ đạo của Thủ tướng về việc tháo gỡ điểm nghẽn trong thực hiện Đề án 06, các bộ, ngành đã đơn giản hóa 763/1.084 thủ tục hành chính được giao tại 19 nghị quyết chuyên đề của Chính phủ (đạt 70%).
Tính đến hết tháng 4, Cổng dịch vụ công quốc gia đã cung cấp 4.510 dịch vụ công trực tuyến; tỷ lệ thanh toán trực tuyến ở bộ, ngành đạt trên 24%; ở địa phương đạt trên 43%.
Trung tướng Nguyễn Văn Long nhấn mạnh riêng việc cung cấp 25 dịch vụ công thiết yếu theo Đề án số 06 đã giúp hằng năm tiết kiệm cho nhà nước, xã hội gần 3.500 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, ông thông tin 2 nhóm dịch vụ công trực tuyến liên thông "Đăng ký khai sinh - Đăng ký thường trú - Cấp thẻ bảo hiểm y tế cho trẻ dưới 6 tuổi" và "Đăng ký khai tử - Xóa đăng ký thường trú - Trợ cấp mai táng, hỗ trợ chi phí mai táng" được triển khai chính thức trên toàn quốc từ 10/7/2023, đã giúp cắt giảm từ 21 ngày xuống còn 4 ngày làm việc.
Lợi ích được lãnh đạo Bộ Công an nhấn mạnh là người dân chỉ khai thông tin một lần để giải quyết 3 thủ tục hành chính.
Bộ Công an cũng đã cấp trên 86 triệu thẻ căn cước công dân gắn chíp và thu nhận gần 75,2 triệu hồ sơ định danh điện tử, kích hoạt gần 54 triệu tài khoản (tỷ lệ kích hoạt trên tổng số hồ sơ thu nhận đạt gần 72%).
Việc tích hợp, sử dụng tài khoản định danh điện tử đăng nhập Cổng dịch vụ công Quốc gia và các ứng dụng của các bộ, ngành với trung bình khoảng 150.000 lượt đăng nhập/ngày từ đầu năm 2024 đến nay, theo tính toán, có thể tiết kiệm 32 tỷ đồng mỗi tháng.
Đặc biệt, theo Thứ trưởng Bộ Công an, việc tích hợp thông tin cư trú (sổ hộ khẩu điện tử) của công dân lên tài khoản định danh điện tử, là giải pháp thay thế sổ hộ khẩu giấy (khoảng 150.000 lượt sử dụng hàng ngày), đã giúp tiết kiệm khoảng 450 tỷ đồng mỗi tháng.
Ngoài ra, Trung tướng Long cho hay việc chính thức triển khai thí điểm cấp Phiếu lý lịch tư pháp trên VNeID từ ngày 22/4 vừa qua tại TP Hà Nội và tỉnh Thừa Thiên Huế với gần 2.700 hồ sơ nộp trên VNeID giúp người dân có nhu cầu đều có thể thực hiện đề nghị cấp Phiếu lý lịch tư pháp trên VneID.
Với nhu cầu 2,6 triệu Phiếu lý lịch tư pháp hàng năm, Bộ Công an tính toán số tiền tiết kiệm được khoảng 637 tỷ đồng.
Bên cạnh những kết quả tích cực, Thứ trưởng Bộ Công an cũng nêu 6 "điểm nghẽn" về: pháp lý; dịch vụ công trực tuyến; hạ tầng công nghệ; dữ liệu, an ninh, an toàn bảo mật và nguồn lực triển khai.
Trong đó, ông lưu ý còn 21/100 hệ thống thông tin chưa đáp ứng tất cả tiêu chí an toàn, an ninh mạng; 11/100 hệ thống thông tin của 4 cơ quan chưa thực hiện kiểm tra, đánh giá an toàn, an ninh mạng.
"Nguy cơ chưa thể kết nối với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư dẫn đến chưa cắt giảm, tối ưu quy trình nội bộ của các đơn vị, hệ thống bị tấn công, dữ liệu bị lộ lọt ảnh hưởng đến người dân và cơ quan quản lý Nhà nước", theo Thứ trưởng Bộ Công an.
Nghiên cứu sửa đổi luật và văn bản hướng dẫn liên quan đến thương mại điện tử
Sau khi nghe các ý kiến, kết luận cuộc họp, Thủ tướng xác định thời gian tới, để hoàn thành thắng lợi các mục tiêu chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, trong đó có việc triển khai hiệu quả Đề án 06 và phát triển thương mại điện tử, nâng cao hiệu quả quản lý thuế, nhiệm vụ sẽ hết sức nặng nề nhưng vô cùng quan trọng và không kém phần vẻ vang.
Điều đầu tiên người đứng đầu Chính phủ nhấn mạnh đó là yêu cầu các cấp, các ngành, nhất là bộ trưởng, trưởng ngành, thủ trưởng các cơ quan, chủ tịch UBND các địa phương nêu cao tinh thần trách nhiệm, chủ động, sáng tạo, tự tin, đổi mới.
Đề cập tới các nhiệm vụ cụ thể, trước hết người đứng đầu Chính phủ chỉ đạo về công tác hoàn thiện thể chế.
Trong đó, Thủ tướng yêu cầu Bộ Công an khẩn trương hoàn thiện đề nghị xây dựng Luật Bảo vệ dữ liệu cá nhân và Luật Dữ liệu; sớm trình Chính phủ ban hành Nghị định về định danh và xác thực điện tử để thay thế Nghị định số 59 năm 2022.
Bên cạnh đó, Bộ cũng thống nhất phương án đơn giản hóa triệt để 317 thủ tục hành chính liên quan đến khai thác dữ liệu công dân.
Đối với vấn đề thương mại điện tử, Bộ Công Thương được giao khẩn trương nghiên cứu, tham mưu Chính phủ về đề xuất sửa đổi các luật và văn bản hướng dẫn liên quan đến thương mại điện tử, nhất là Luật Bảo vệ người tiêu dùng.
Đồng thời nghiên cứu xây dựng Chiến lược phát triển thương mại điện tử nhằm quản lý, phát triển bền vững các nền tảng thương mại điện tử trong nước, xuyên biên giới, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.
Thủ tướng yêu cầu: "Chiến lược này phải vừa bảo đảm tính cạnh tranh vừa phải ngăn chặn có hiệu quả các hành vi bán hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ, hàng kém chất lượng".
Cùng liên quan tới vấn đề này, Bộ Tài chính cần khẩn trương hoàn thiện hồ sơ trình Chính phủ ban hành Nghị định sửa đổi Nghị định số 123 năm 2020 quy định về áp dụng hóa đơn điện tử đối với các giao dịch thương mại điện tử, dịch vụ livestream, dịch vụ ăn uống...
Thủ tướng cũng yêu cầu phải đẩy mạnh chuyển đổi số trong công tác quản lý thuế và thực hiện đồng bộ các giải pháp về hóa đơn điện tử, nhất là trong quản lý hoạt động thương mại điện tử.
Ngoài ra, các bộ, ngành, địa phương trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình chủ động rà soát, khắc phục hiệu quả 6 nhóm vấn đề hạn chế, tồn tại, khuyết điểm như báo cáo của Bộ Công an đã chỉ ra, có lộ trình thực hiện (về pháp lý, dịch vụ công trực tuyến, hạ tầng số, an ninh, an toàn mạng, nguồn lực, chỉ đạo, điều hành…).
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận