Ngày 9/12, nhân dịp dự hội nghị Công bố quy hoạch và Xúc tiến đầu tư tỉnh Cà Mau, Thủ tướng Phạm Minh Chính dẫn đầu đoàn công tác kiểm tra thực tế dự án thành phần đoạn Hậu Giang - Cà Mau thuộc dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021-2025, đoạn qua Cà Mau; sân bay Cà Mau và cụm khí - điện - đạm Cà Mau.
Dự án thành phần đoạn Hậu Giang - Cà Mau thuộc dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021-2025 có tổng chiều dài 73,22km tuyến chính và 16,6Km tuyến nối.
Trong đó, chiều dài qua địa bàn tỉnh Hậu Giang hơn 26km; tỉnh Bạc Liêu khoảng 7,7km; tỉnh Kiên Giang hơn 17km và qua Cà Mau gần 22km tuyến chính, 16,59km tuyến nối. Tổng mức đầu tư dự án trên 17.152 tỷ đồng.
Theo báo cáo của Ban quản lý dự án Mỹ Thuận (chủ đầu tư) đến ngày 16/11, tổng giá trị sản lượng thi công đoạn Hậu Giang - Cà Mau đạt 1.390/11.958 tỷ đồng (11,7%).
Hiện tại, các nhà thầu đã tổ chức triển khai thi công đồng loạt trên tuyến với 140 mũi thi công, huy động 440 đầu máy thiết bị với 1.000 nhân sự (kỹ sư, công nhân, lái máy) để phát quang, đào hữu cơ, đắp cát nền đường, cắm bấc thấm, thi công móng cọc cầu, đổ bê tông mố trụ, đúc dầm…
Từ đầu tháng 8/2023 đến nay, thời tiết xấu, triều cường dâng cao, nhiều mũi thi công bị gián đoạn.
Để đẩy nhanh tiến độ dự án, Ban quản lý dự án Mỹ Thuận kiến nghị Bộ GTVT có ý kiến với các địa phương Đồng Tháp, An Giang và Vĩnh Long tăng thêm công suất khai thác và sớm hoàn thành thủ tục để có thể tổ chức khai thác các mỏ cát ngay trong tháng 12/2023.
Nhà thầu được đề nghị huy động trang thiết bị, máy móc và nhân lực sẵn sàng thi công khi thời tiết thuận lợi.
Kiểm tra tại dự án, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính yêu cầu chủ đầu tư, nhà thầu phải bảo đảm tiến độ, chất lượng các dự án. Trong nhiệm kỳ này phải thông tuyến đường bộ cao tốc từ Bắc vào Nam tới Cà Mau. Sau đó, tiếp tục triển khai xây dựng cao tốc tới tận Mũi Cà Mau, thay vì đến thành phố Cà Mau như quy hoạch hiện nay.
Thủ tướng cũng đã nghe UBND tỉnh Cà Mau báo cáo về hiện trạng sân bay Cà Mau.
Theo đó, sân bay có từ thời Pháp, quy mô cấp 3C, đường cất hạ cánh dài 1.500m, rộng 30m, đáp ứng khai thác loại tàu bay như ATR72, E190 và tương đương trở xuống.
Nhiều năm qua, cảng chỉ khai thác duy nhất một đường bay Cà Mau - TP.HCM và ngược lại với tần suất năm chuyến mỗi tuần.
Từ ngày 29/4, đường bay thẳng Cà Mau - Hà Nội được đưa vào khai thác với tần suất ba chuyến mỗi tuần. Các chuyến bay luôn đông khách, nhưng do đường cất hạ cánh sân bay hạn chế, các tàu bay phải giảm tải và tần suất...
Đại diện Tập đoàn Dầu khí Việt Nam cũng đã báo cáo Thủ tướng quy mô của Cụm dự án khí - điện - đạm Cà Mau. Đây là công trình có quy mô lớn và mang ý nghĩa chiến lược đối với việc bảo đảm an ninh năng lượng, an ninh lương thực cho đất nước.
Cụm dự án có diện tích hơn 200ha (đặt tại ấp 6, xã Khánh An, huyện U Minh, tỉnh Cà Mau), với tổng vốn đầu tư xây dựng trên 2 tỷ USD, bao gồm các dự án: Đường ống dẫn khí PM3-Cà Mau; Nhà máy Điện Cà Mau 1 và Cà Mau 2; Nhà máy Đạm Cà Mau. Kèm theo là các công trình công nghiệp quan trọng khác như cơ sở hạ tầng phụ trợ, khu dân sinh phục vụ tái định cư, khu đô thị mới cho cán bộ nhân viên trong khu công nghiệp.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận