Sáng nay (12/11), Quốc hội tiếp tục chương trình làm việc với phiên chất vấn và trả lời chất vấn Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính.
Chất vấn Thủ tướng, nhiều đại biểu đặt vấn đề kinh nghiệm rút ra từ giai đoạn chống dịch vừa qua; chương trình hành động của Chính phủ ứng phó với dịch Covid-19 trong thời gian tới; chính sách hỗ trợ người dân bị ảnh hưởng dịch Covid-19 còn bất cập có được thay đổi...
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính
Thủ tướng nêu nhiều bài học trong phòng chống dịch
Trả lời chất vấn, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết, có 5 bài học kinh nghiệm lớn rút ra trong phòng, chống dịch Covid-19.
Nêu ra 3 trụ cột để phòng chống dịch, như: Cách ly nhanh chóng, hẹp nhất, nhanh nhất có thể; Xét nghiệm trên cơ sở đảm bảo khoa học, tiết kiệm, hiệu quả, an toàn; Điều trị thì phải từ sớm, từ xa, từ cơ sở để ngăn chặn bệnh nhân chuyển nặng, giảm tử vong, Thủ tướng cho biết, Chính phủ đã hình thành công thức chống dịch, đầu tiên là 5K, rồi 5K + vaccine, sau đó cộng thêm thuốc điều trị, công nghệ và đề cao ý thức người dân...
Thủ tướng nhìn nhận, chúng ta đã tạm hình thành lý thuyết chống dịch, dù chưa tổng kết nhưng có bài bản và trên cơ sở đó, chúng ta mạnh dạn và tự tin mở cửa.
Thứ nhất, là cách tiếp cận toàn dân, lấy người dân là trung tâm, chủ thể trong phòng chống dịch. Các chính sách được triển khai hướng tới người dân, ngược lại, người dân tham gia tích cực, chủ động trong công tác chống dịch.
Với bài học này, Thủ tướng lưu ý, khi triển khai chính sách "lấy xã, phường, thị trấn làm pháo đài", đã có một số nơi hiểu pháo đài là lô cốt, nên bao vây, gây ách tắc.
Thứ hai, là huy động tinh thần đại đoàn kết dân tộc. Thứ ba là cách ứng phó linh hoạt, dù đây là việc chưa có tiền lệ, như khi nhận thấy năng lực y tế yếu, chúng ta ngay lập tức điều quân đội, công an giúp chống dịch.
Thứ tư, là việc triển khai các chính sách an sinh xã hội. Thời gian tới, sẽ tổng kết việc này, bởi đây là chính sách giúp người dân yên tâm tham gia chống dịch.
Thứ năm, là không quên huy động sự giúp đỡ của quốc tế. Khi Việt Nam thiếu vaccine, các vị lãnh đạo Đảng, Nhà nước trong các cuộc gặp, trực tiếp hay gián tiếp, đều kêu gọi vaccine. Chúng ta đã dùng mọi biện pháp, từ mua bán, nhượng, vay vaccine và chỉ đạo việc sản xuất vaccine trong nước.
Theo Thủ tướng, dịch bệnh Covid-19 không chỉ ảnh hưởng đến Việt Nam mà trên toàn thế giới. Vừa qua, sau hai năm thực hiện chống dịch, Việt Nam đã rút ra nhiều bài học kinh nghiệm.
"Chúng ta có trả giá, có cái chưa được, qua chống dịch đã rút được nhiều kinh nghiệm và dần thích ứng, hiểu được dịch bệnh này", Thủ tướng nói.
Đầu tư công giải ngân chậm có nguyên nhân của địa phương và Trung ương
Trả lời câu hỏi của đại biểu về giải pháp phát triển hạ tầng trong thời gian tới, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho rằng, cần rà soát thực hiện chủ trương của đảng, pháp luật của nhà nước trong thời gian vừa qua để xem cái gì chúng ta đã làm được, cái gì chưa làm được, nguyên nhân khách quan, chủ quan ở đâu, trên cơ sở đó, chúng ta xây dựng chiến lược, quy hoạch phát triển hạ tầng phù hợp.
Thủ tướng lưu ý phải gắn quy hoạch gắn với quy hoạch phát triển kinh tế, xã hội, gắn với chủ trương đường lối của đảng đã được Đại hội đảng toàn quốc lần thứ XIII đặt ra.
Về giải pháp cụ thể, Thủ tướng nêu, cần hoàn thiện thể chế liên quan đến phát triển cơ sở hạ tầng, để có hành lang pháp lý đủ mạnh, đủ điều kiện để phát triển hạ tầng.
Thứ hai là phân cấp, phân quyền, "cái gì thầm quyền của Chính phủ thì Chính phủ giải quyết, cái gì của địa phương thì địa phương giải quyết".
Về nguyên nhân đầu tư công giải ngân chậm, Thủ tướng cho biết có nguyên nhân của địa phương và nguyên nhân của Trung ương.
"Theo tôi, nguyên nhân chính là do con người, vì vậy chúng ta phải tiếp tục đào tạo chất lượng nguồn nhân lực trong phát triển hạ tầng", Thủ tướng nói.
Về nguồn lực phát triển hạ tầng, Thủ tướng cho rằng lấy nguồn lực nhà nước là vốn mồi, dẫn dắt để kích thích nguồn lực xã hội vào phát triển hạ tầng. Tiếp đến là phải áp dụng công nghệ để nâng cao chất lượng, giảm giá thành; quản trị phát triển hạ tầng công khai minh bạch, chống lãng phí...
Về vấn đề chính sách phòng, chống dịch, Thủ tướng nhìn nhận việc thực hiện các chính sách hỗ trợ thời gian qua là "rất tích cực", nhất là sau khi Quốc hội ban hành Nghị quyết 30, tạo hành lang pháp lý quan trọng cho Chính phủ và các cơ quan liên quan đề xuất các chính sách chủ động theo thẩm quyền.
"Vấn đề quan trọng nhất, tôi lo nhất là nguồn nhân lực. Chúng ta có thể dành tiền mua trang thiết bị có thể nhanh, sớm được nhưng đào tạo nguồn nhân lực ngành y phải mất nhiều năm. Vì vậy, sắp tới cần tập trung cho đào tạo nhân lực. Đồng thời có chính sách thu hút nguồn nhân lực được đào tạo này xuống cơ sở", Thủ tướng nói.
Tuy nhiên, Thủ tướng cũng thừa nhận là có những bất cập trong chính sách phòng, chống dịch, điều này đã được thảo luận ở nghị trường trong mấy ngày hôm nay.
"Sắp tới, để hạn chế được những bất cập thì chúng ta phải rà soát các chính sách vừa rồi thực hiện, cái gì được thì cần phát huy, cái gì chưa được thì cần rút kinh nghiệm chỉ ra nguyên nhân. Chúng ta cũng cần rà soát lại đối tượng, mức độ hỗ trợ, trên cơ sở đó làm căn cứ định ra một số chính sách hỗ trợ phù hợp, tránh phát sinh tiêu cực", Thủ tướng cho hay.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận