Tối 26/3, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã dự hội nghị trực tuyến đặc biệt với các nhà lãnh đạo Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20), nhằm thúc đẩy phối hợp toàn cầu ứng phó với dịch Covid-19.
Tham dự Hội nghị trực tuyến có lãnh đạo cấp cao các nước thành viên G20 và các nước khách mời, cùng lãnh đạo các tổ chức quốc tế lớn như Liên hợp quốc (UN), Ngân hàng Thế giới (WB), Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD), Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO)… Nhà vua Salman của Arab Saudi chủ trì cuộc họp trực tuyến.
Cuộc họp của G20 diễn ra trong bối cảnh Covid-19 đang gây ra cuộc khủng hoảng khắp toàn cầu, khiến hơn 470.000 người nhiễm, hơn 21.000 người chết và hơn 3 tỷ người bị phong tỏa tại nhà để ngăn virus lây lan. Các chuyên gia nhận định hậu quả của Covid-19 với nền kinh tế toàn cầu có thể lớn hơn khủng hoảng năm 2008.
G20 là diễn đàn của 20 nền kinh tế lớn, gồm 19 quốc gia có nền kinh tế lớn nhất trên thế giới và Liên minh châu Âu (EU), trong đó có Mỹ, Đức, Nhật Bản, Anh, Pháp, Italy, Canada. Diễn đàn thành lập vào tháng 9/1999, hiện chiếm hơn 90% nền kinh tế thế giới.
Năm 2019, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đến Nhật Bản dự Thượng đỉnh G20 lần thứ 14, là một trong 8 nước khách mời của nước chủ nhà. Việt Nam lần đầu tiên tham gia G20 năm 2010 ở Toronto, Canada, với tư cách là Chủ tịch ASEAN vào năm đó
Giới chuyên gia cho rằng, thế giới hiện nay rất khác so với năm 2008 và nó đang phải đối mặt với một cú sốc lớn. Tiềm lực kinh tế vĩ mô hạn chế là rất đáng lo ngại, nhưng mối quan ngại lớn nhất có lẽ là sự suy giảm trong hợp tác quốc tế. Việc đẩy lùi Covid-19 chỉ có thể đạt được thành công khi nước yếu nhất cũng khống chế được dịch này.
Đơn cử, nếu Đức có thể chiến thắng Covid-19, nhưng nếu Italy không thể, thì dịch bệnh này cũng sẽ sớm quay lại. Do đó, cần sự hợp tác toàn cầu, cần các nhà lãnh đạo của tổ chức này đứng lên để cùng đối phó với thách thức.
Việc Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc dự Hội nghị thượng đỉnh trực tuyến của G20 trên cương vị chủ tịch ASEAN 2020 nhằm khẳng định trách nhiệm, đóng góp của ASEAN và Việt Nam vào nỗ lực chung của cộng đồng quốc tế trong chống dịch Covid-19.
Ngay từ khi dịch bệnh mới bùng phát ở Vũ Hán từ cuối tháng 12/2019, Việt Nam là một trong những nước đầu tiên trên thế giới triển khai ngay các giải pháp mạnh mẽ và quyết liệt để kiểm soát được dịch bệnh xâm nhập.
Chiều 26/3, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã có các cuộc điện đàm với Thủ tướng Chính phủ Lào Thongloun Sisoulith và Thủ tướng Vương quốc Campuchia Samdech Techo Hun Sen về phối hợp giữa Việt Nam với Lào và Campuchia trong ứng phó với đại dịch Covid-19.
Tại hai cuộc điện đàm, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, sự phối hợp và tương trợ lẫn nhau giữa các nước trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 là rất cần thiết và ý nghĩa. Trên tinh thần hữu nghị, đoàn kết đặc biệt giữa ba nước, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã thông báo, Chính phủ Việt Nam quyết định hỗ trợ Chính phủ Lào và Chính phủ Campuchia các trang thiết bị y tế cần thiết với trị giá 100.000 USD cho mỗi nước, ngoài hỗ trợ trực tiếp của các bộ, ngành, địa phương và doanh nghiệp cho các đối tác Lào và Campuchia.
Đồng thời, khẳng định Việt Nam sẵn sàng cử chuyên gia y tế sang hỗ trợ, chia sẻ kinh nghiệm về phòng chống dịch nếu Lào và Campuchia có yêu cầu. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc bày tỏ mong muốn ba nước tiếp tục phối hợp chặt chẽ trong ASEAN, thể hiện tinh thần đoàn kết, thống nhất như nêu tại Tuyên bố Chủ tịch ASEAN về phòng chống Covid-19.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận