“Tôi cho rằng, nếu không có sức ép, áp lực từ trên xuống thì không thể khiến bộ máy chuyển động. Quan trọng nhất là sức ép đó, áp lực đó là đòi hỏi chính đáng, tạo được sự đồng thuận chứ không phải gia trưởng, độc đoán. Khi có sự quyết liệt, chuyển động từ trên xuống, rõ ràng thành quả đạt được đã thấy rõ”, Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng, Tổ trưởng Tổ công tác của Thủ tướng chia sẻ khi trả lời phỏng vấn Báo Giao thông.
Cắt giảm hàng nghìn thủ tục, tiết kiệm hơn 6 nghìn tỷ đồng
Tinh thần xuyên suốt của Thủ tướng là quyết tâm xây dựng một Chính phủ kiến tạo, hành động, liêm chính, đặc biệt là chấn chỉnh kỷ luật, kỷ cương. Tăng trưởng kinh tế kỷ lục trong năm qua phải chăng là kết quả của sự phấn đấu nỗ lực trong suốt từ đầu nhiệm kỳ đến nay, thưa Bộ trưởng?
Năm 2018, kịch bản tăng trưởng được xây dựng ngay từ đầu năm với quan điểm nhất quán là không dựa vào tăng sản lượng khai khoáng, tín dụng, dùng cơ chế chính sách ưu đãi.
Ưu tiên hàng đầu của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ là hoàn thiện thể chế, chính sách. Tiếp đó là, phát huy nội lực, biến những khó khăn, thách thức thành cơ hội, tạo ra cơ chế thu hút các nguồn lực đầu tư. Trong giải quyết các vấn đề bức xúc của xã hội, của người dân thì xem xét thấu tình, đạt lý. Chính vì vậy, năm qua, tăng trưởng đạt con số ấn tượng 7,08%. Lạm phát được kiểm soát, chỉ số giá tiêu dùng duy trì ở mức 3,54%; Xuất siêu hơn 7 tỷ USD. Nợ công, nợ Chính phủ đều được kiểm soát rất tốt… Trong năm qua, công cuộc phòng chống tham nhũng cũng được triển khai có hiệu quả.
Tinh thần được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh là đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, xóa bỏ mọi rào cản để tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người dân, DN. Tổ công tác Thủ tướng cũng kiểm tra việc này rất nhiều, thực tế các rào cản này đã được tháo gỡ ra sao, thưa Bộ trưởng?
Đây là vấn đề khó, nhưng người dân, doanh nghiệp và cả xã hội cần, nên phải cải cách. Dân rất bức xúc, dân cần cải cách cũng đúng thôi, vì thực tế, rào cản và sách nhiễu kinh khủng lắm. Như mới đây nhất, có trường hợp chết vì TNGT mà không được khai tử, Thủ tướng cũng phải có chỉ đạo. Có trường hợp mất 4 năm rồi mà không nhận được mai táng phí.
Trước đây chúng ta mới chỉ giảm về số lượng, nhưng theo tôi, vừa rồi đã làm rất quyết liệt khi đã cắt giảm hơn 6.000 thủ tục kiểm tra chuyên ngành, tiết kiệm hơn 11,6 triệu ngày công, tương đương khoảng hơn 5.400 tỷ đồng. Cùng với đó, cắt được hơn 3.000 điều kiện kinh doanh, tiết kiệm khoảng 1.000 tỷ đồng.
Sẽ lắng nghe người dân, doanh nghiệp hơn nữa
Mặc dù vậy, vẫn có ý kiến lo ngại việc cắt giảm được thực hiện theo kiểu cơ học, thậm chí cắt chỗ này nhưng lại phát sinh chỗ khác. Ông đánh giá việc này thế nào?
Tôi biết lâu nay làm vẫn theo kiểu cơ học, cắt bỏ cái này nhưng lại sinh ra cái khác, thậm chí có tình trạng một cán bộ cấp vụ mà ban hành văn bản trái thẩm quyền, buộc cả nước phải thực hiện. Vì thế, bây giờ cải cách phải đi vào thực chất, mạnh mẽ, làm liên tục, làm cương quyết, cứng rắn. Không để tình trạng một thanh chocolate gánh 13 loại giấy phép.
Tổ công tác của Thủ tướng do tôi làm Tổ trưởng, trong 3 năm đã kiểm tra 61 lượt đơn vị. Nhờ đó, năm 2018 có 18.820 nhiệm vụ được giao nhưng nay chỉ còn 218 nhiệm vụ chưa hoàn thành, quá hạn. So với đầu nhiệm kỳ là 25,2% quá hạn thì nay chỉ còn 1,15%. Nhưng quan trọng nhất là chất lượng, hiệu quả công việc. Bởi Tổ công tác có dám làm, dám công khai không, bởi vì đã đi kiểm tra là phải tạo ra nhìn nhận hết sức khách quan, minh bạch.
Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP
Mai Tiến Dũng
Cải cách là vấn đề rất khó, nếu đi đến nơi thấy khó mà không dám nói, không dám kết luận thì không thể thay đổi được. Nhiều địa phương có trung tâm hành chính công làm rất tốt, nhưng cũng có nơi rất hình thức, công bố dịch vụ công cấp độ 3, 4 nhưng hồ sơ vẫn “chạy bộ” về sở, giải quyết “om” bao nhiêu ngày mới đóng dấu rồi đem đến trả. Đó là cách làm không minh bạch.
Cải cách tới đây sẽ làm quyết liệt, thành lập thêm một số bộ phận của Hội đồng tư vấn cải cách thủ tục của Thủ tướng. Cùng với đó sẽ thường xuyên tiếp cận doanh nghiệp để nghe doanh nghiệp, các hiệp hội phản ánh xem họ khó khăn thế nào, vướng mắc ra sao để tìm cách tháo gỡ...
Ông từng bày tỏ quan điểm, cán bộ làm cải cách phải dám đối mặt, đương đầu với lợi ích nhóm. Với cương vị là Tổ trưởng Tổ công tác của Thủ tướng đi kiểm tra các bộ ngành, địa phương, ông đã phải đối mặt với vấn đề này chưa?
Tôi phải đương đầu chứ, vì làm cải cách chính là đương đầu với lợi ích nhóm.
Chúng tôi đi làm việc đều có sự tham dự của báo chí, tất cả đều công khai, minh bạch. Nếu nói sai tôi chịu, tôi nhận lỗi chứ nói đúng thì tôi không sợ, vì tôi làm không phải để mang về nhà tôi.
Quan trọng nhất, khi được DN, người dân ủng hộ thì mình phải làm. Các lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Thủ tướng mạnh mẽ như thế mà mình không làm thì mình có lỗi, thấy những việc “chướng tai gai mắt” mà mình cứ lờ đi thì không thể được.
Tôi quan niệm, cải cách như thế nào đi nữa thì quan trọng nhất vẫn là con người. Nếu chúng ta không thay đổi cách làm, vẫn bảo thủ thì rất khó, nhưng nếu để tự giác thì không bao giờ có, nên phải tạo sức ép. Tôi cũng từng xử lý nhiều cán bộ trong văn phòng, kiên quyết thay bằng người có trách nhiệm hơn.
Đẩy mạnh phân cấp gắn với kiểm tra, giám sát
Ông cũng từng chia sẻ, mình là lãnh đạo từ địa phương ra T.Ư, “từ sông ra biển lớn”. Vậy kinh nghiệm từ khi còn ở địa phương giúp ích gì cho ông khi ở cương vị hiện nay?
Từng ở địa phương, tôi rất trăn trở khi lên cơ quan T.Ư và thấy rằng, có những việc rất khó nhưng xin ý kiến T.Ư mà T.Ư lại không trả lời hoặc trả lời chậm, thậm chí đùn đẩy, né tránh.
Trăn trở, bức xúc nhất là làm sao giải quyết được những vấn đề liên quan cơ chế, thể chế. Để làm được như vậy, phải phân cấp mạnh cho địa phương, thay vì việc gì cũng ôm và kéo về bộ. Nếu phân cấp gắn với kiểm tra, giám sát và quy trách nhiệm của người đứng đầu thì sẽ tốt hơn rất nhiều.
Từng là lãnh đạo địa phương nên những vấn đề mà các địa phương đưa lên, tôi đều quan tâm giải quyết.
Ngay đầu nhiệm kỳ, Thủ tướng thành lập Tổ công tác Thủ tướng, sau đó là Tổ công tác kiểm tra công vụ. Mới đây là Tổ công tác đặc biệt nhằm giải quyết các vụ việc bức xúc của xã hội. Vì sao lại cần quá nhiều Tổ công tác như vậy?
Ngày 19/8/2016, Thủ tướng thành lập Tổ công tác Thủ tướng nhằm đôn đốc, kiểm tra các nhiệm vụ Chính phủ, Thủ tướng giao cho các bộ, ngành, địa phương do tôi làm Tổ trưởng để đôn đốc các nhiệm vụ giao cho bộ, ngành, địa phương.
Sau đó, do việc tuyển dụng, bổ nhiệm tại nhiều địa phương, bộ ngành gây bức xúc dư luận, Thủ tướng tiếp tục thành lập Tổ công tác kiểm tra thi hành công vụ. Tổ công tác này cũng đang hoạt động rất tích cực.
Gần đây nhất, sau khi xảy ra vụ việc ở Thủ Thiêm, TP HCM và việc người dân các địa phương kéo về Hà Nội nhiều, Thủ tướng quyết định thành lập Tổ công tác đặc biệt do Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình làm tổ trưởng để giải quyết những vấn đề bức xúc, cần có sự quan tâm giải quyết đặc biệt của Thủ tướng, Chính phủ.
Tôi cho rằng thành lập các tổ công tác là cần thiết, vì tổ công tác này không chồng chéo nhau. Mỗi Tổ công tác có chức năng, nhiệm vụ riêng, tham mưu, trực tiếp giúp Thủ tướng Chính phủ giải quyết các vấn đề khác nhau nhằm bảo đảm kỷ cương, phép nước.
Là người trực tiếp sát cánh cùng Thủ tướng trong hầu hết các hoạt động chỉ đạo, điều hành, có khi nào bộ trưởng cảm thấy quá tải, áp lực?
Nếu bảo rằng không vất vả, không áp lực là nói dối. Thực sự rất áp lực. Nhưng tôi cho rằng được làm việc là quý lắm rồi.
Không riêng tôi mà tất cả các bộ trưởng đều phải có áp lực như vậy. Vì với sự chỉ đạo quyết tâm, đầy nhiệt huyết, bản thân Thủ tướng cũng nêu gương bằng sự lăn lộn, quyết liệt hiếm thấy thì không thể nào các bộ trưởng, tư lệnh ngành lại đứng ngoài cuộc được. Tất nhiên đầu nhiệm kỳ có tư tưởng này, tư tưởng khác nhưng đến nay thì tất cả đã vào guồng.
Trân trọng cảm ơn Bộ trưởng!
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận