Mối quan hệ lâu đời hơn 400 năm
Sáng 2/11, sau lễ đón chính thức, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã hội đàm với Thủ tướng Hà Lan Mark Rutte.
Tại hội đàm, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, chuyến thăm của Thủ tướng Mark Rutte khẳng định hai nước quyết tâm cùng hợp tác, phát triển tự cường và bền vững, đóng góp tích cực cho hòa bình, ổn định và phát triển ở khu vực và trên thế giới.
Nhấn mạnh Việt Nam là đối tác ưu tiên, quan trọng của Hà Lan tại khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, Thủ tướng Mark Rutte bày tỏ vui mừng thăm chính thức Việt Nam lần thứ ba và gặp lại Thủ tướng Phạm Minh Chính sau gần một năm kể từ chuyến thăm chính thức Hà Lan của Thủ tướng Chính phủ vào tháng 12/2022.
Thủ tướng Hà Lan nhấn mạnh hai nước có mối quan hệ lâu đời hơn 400 năm trước khi các thương thuyền của Hà Lan cập cảng Hội An; nhắc lại ấn tượng tốt đẹp về chuyến thăm chính thức Việt Nam năm 2019 và cuộc gặp với Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng; gửi lời hỏi thăm chân tình đến Tổng Bí thư.
Chia sẻ tại hội đàm, Thủ tướng Hà Lan bày tỏ ấn tượng trước "những thành tựu kỳ diệu" của Việt Nam trong quá trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội sau đại dịch Covd-19 và kể từ chuyến thăm năm 2019 của ông.
Thủ tướng Phạm Minh Chính hoan nghênh đoàn gần 30 doanh nghiệp công nghệ cao hàng đầu Hà Lan tháp tùng Thủ tướng Mark Rutte góp phần hiện thực hóa các cơ hội hợp tác giữa hai nước.
Thủ tướng đề nghị Hà Lan ủng hộ EC sớm gỡ bỏ "thẻ vàng" IUU với xuất khẩu thủy sản của Việt Nam, sớm phê chuẩn Hiệp định Bảo hộ đầu tư Việt Nam - EU (EVIPA) và khuyến khích các doanh nghiệp Hà Lan đẩy mạnh đầu tư vào Việt Nam trong các lĩnh vực thế mạnh của Hà Lan như công nghệ cao, cảng biển, hạ tầng chiến lược...
Thủ tướng Hà Lan nhấn mạnh, các doanh nghiệp Hà Lan quan tâm đến Việt Nam có ổn định chính trị và môi trường đầu tư - kinh doanh thuận lợi; nhất trí tích cực đẩy nhanh quá trình phê chuẩn Hiệp định EVIPA.
Lãnh đạo Hà Lan đánh giá cao nỗ lực phát triển nghề cá bền vững của Việt Nam và khẳng định sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ cùng các nước thành viên EU hỗ trợ Việt Nam trong vấn đề này.
Khoa học - công nghệ và đổi mới sáng tạo là các lĩnh vực đột phá
Hai nhà lãnh đạo nhất trí tiếp tục đẩy mạnh khuôn khổ Đối tác Chiến lược về thích ứng với biến đổi khí hậu, quản lý nước, nông nghiệp bền vững.
Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị Hà Lan cùng các nước G7 hỗ trợ Việt Nam về công nghệ, tài chính, nguồn nhân lực và hoàn thiện thể chế nhằm triển khai hiệu quả Đối tác Chuyển đổi năng lượng công bằng (JETP), thiết lập cơ chế hợp tác ba bên về nông nghiệp, góp phần giải quyết các vấn đề an ninh lương thực toàn cầu.
Về phần mình, Thủ tướng Hà Lan bày tỏ quan tâm hỗ trợ khu vực Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) ứng phó với biến đổi khí hậu; khẳng định hỗ trợ Việt Nam triển khai quy hoạch ĐBSCL giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2050, kế hoạch chuyển đổi nông nghiệp bền vững tại ĐBSCL, hoàn thiện khung pháp lý về quản lý nguồn nước.
Hai bên nhấn mạnh khoa học - công nghệ và đổi mới sáng tạo là các lĩnh vực mang tính đột phá.
Trong đó, nhất trí khai thác tối đa các tiềm năng hợp tác hai nước về công nghệ cao, sản xuất vi mạch điện tử, thiết bị bán dẫn, xây dựng nền tảng số và hệ sinh thái viễn thông, chuyển đổi số, phát triển nguồn nhân lực trong lĩnh vực này.
Nhất trí mở rộng hợp tác trong các lĩnh vực tiềm năng, như thăm dò, khai thác bền vững các khoáng sản quan trọng; quốc phòng - an ninh; hải quan; hàng hải; logistics; đẩy mạnh giao lưu nhân dân…
Tại hội đàm, hai nhà lãnh đạo đã trao đổi sâu rộng về các vấn đề quốc tế, khu vực cùng quan tâm; nhất trí tiếp tục phối hợp, ủng hộ lẫn nhau tại các tổ chức quốc tế và khu vực, đặc biệt là Liên hợp quốc, khuôn khổ ASEAN - EU…
Thủ tướng Hà Lan đánh giá cao chính sách đối ngoại độc lập, tự chủ, đa dạng hóa, đa phương hóa, giải quyết tranh chấp bằng các biện pháp hòa bình, dựa trên luật pháp quốc tế của Việt Nam.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chúc mừng Hà Lan đã chính thức trở thành Đối tác Phát triển của ASEAN, mong muốn Hà Lan tham gia sâu hơn, có nhiều sáng kiến để góp phần thúc đẩy quan hệ ASEAN - EU nói chung và ASEAN - Hà Lan nói riêng.
Về Biển Đông, hai bên nhất trí ủng hộ bảo đảm an ninh, an toàn, tự do hàng hải, hàng không, giải quyết hòa bình các tranh chấp phù hợp với luật pháp quốc tế, nhất là Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982, ủng hộ tiến trình đàm phán COC thiết thực, hiệu quả giữa ASEAN và Trung Quốc.
Sau hội đàm, hai Thủ tướng đã chứng kiến lễ trao 4 văn kiện hợp tác giữa các bộ, ngành, hiệp hội hai nước trong các lĩnh vực thăm dò và khai thác bền vững các khoáng sản quan trọng, hải quan, đầu tư, thương mại…
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận