Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc vừa chỉ đạo thay đổi phương thức kiểm tra nhà nước về chất lượng phế liệu nhập khẩu để kịp thời tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp nhập khẩu phế liệu làm nguyên liệu sản xuất. Chỉ đạo này xuất phát từ thực tế doanh nghiệp phản ánh về tình trạng tồn đọng container phế liệu tại cảng Hải Phòng thời gian qua khiến doanh nghiệp thiệt hại lớn, thậm chí có thể bị phá sản.
Trên cơ sở kết quả kiểm tra của Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ đã báo cáo Chính phủ tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 01/2019 và xét đề nghị của Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ - Tổ trưởng Tổ công tác, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các bộ, cơ quan: Tài nguyên và Môi trường, Tài chính, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và các cơ quan liên quan nêu rõ, trong khi Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của các nghị định quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành Luật Bảo vệ môi trường (thay thế Điều 60 Nghị định số 38/2015/NĐ-CP chưa được ban hành và chưa có hiệu lực thi hành), để kịp thời tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, Chính phủ thống nhất thay đổi phương thức kiểm tra chất lượng phế liệu làm nguyên liệu sản xuất.
Theo đó, đơn vị giám định độc lập được Bộ Tài nguyên và Môi trường chỉ định tổ chức giám định chất lượng phế liệu nhập khẩu và chịu trách nhiệm trước pháp luật về toàn bộ kết quả giám định, phân tích chất lượng của các lô hàng phế liệu nhập khẩu sử dụng làm nguyên liệu sản xuất và có sự tham gia của cơ quan hải quan trong quá trình kiểm tra, lấy mẫu.
Đơn vị sẽ này chịu trách nhiệm trước pháp luật về toàn bộ kết quả giám định, phân tích chất lượng của các lô hàng phế liệu nhập khẩu. Căn cứ vào kết quả kiểm tra, giám định của đơn vị giám định, cơ quan hải quan thực hiện việc thông quan các lô hàng phế liệu nhập khẩu theo quy định của pháp luật.
Thủ tướng yêu cầu Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành Thông tư bãi bỏ những nội dung bất cập liên quan đến quy trình kiểm tra chất lượng phế liệu nhập khẩu sử dụng làm nguyên liệu sản xuất tại Thông tư số 08 và Thông tư số 09 của Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về môi trường đối với phế liệu nhập khẩu làm nguyên liệu sản xuất để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp.
Nhiệm vụ này được yêu cầu phải hoàn thành trước 15/2/2019.
Trước đó, tại phiên họp Chính phủ thường kỳ, vấn đề này đã được báo cáo Thủ tướng.
Theo báo cáo của các cơ quan liên quan, hiện có tổng số 24.184 container phế liệu đang lưu giữ tại các cảng trên cả nước (trong đó, số lưu giữ từ 30 ngày đến 90 ngày là 6.733 container; số tồn đọng trên 90 ngày là 9.872 container).
Với việc chậm được thông quan các lô hàng này, mỗi ngày doanh nghiệp phải chi trả khoảng 40-50 USD/container/ngày tiền lưu kho, bãi, với 16.605 container (đang bị lưu giữ từ 30-90 ngày), gây thiệt hại cho doanh nghiệp khoảng từ 600.000-800.000 USD/ngày.
Ngoài ra, theo phản ánh, nhiều doanh nghiệp phải giảm công suất, công nhân nghỉ việc, hủy hợp đồng, các hãng tàu chở phế liệu từ chối hoặc tăng 1,5 lần giá cước vì chủ tàu cho rằng hàng về Việt Nam khó khăn trong việc thông quan.
Theo Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng, Tổ trưởng Tổ công tác của Thủ tướng, thực tế này xuất phát từ những quy định bất cập trong hai Thông tư 08 và 09 của Bộ Tài nguyên và Môi trường. Nếu không sớm hủy bỏ, những quy định này có thể "bóp chết" doanh nghiệp.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận