Sáng 9/10, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống COVID-19 chủ trì cuộc họp trực tuyến toàn quốc của Ban Chỉ đạo với các địa phương.
Tại cuộc họp, các đại biểu tập trung đánh giá kết quả thực hiện các nhiệm vụ phòng chống dịch trong 2 tuần qua (từ cuộc họp ngày 25/9 của Ban Chỉ đạo quốc gia tới nay); vấn đề tổ chức cho người dân về quê theo nguyện vọng; hướng dẫn thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19; công tác bảo đảm an sinh xã hội, tổ chức giao thông, lưu thông hàng hóa trong những ngày tới.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính
4 nhiệm vụ trọng tâm thời gian tới
Kết luận cuộc họp, Thủ tướng nêu rõ, các ý kiến cơ bản thống nhất với báo cáo của Bộ Y tế, đánh giá tình hình dịch bệnh trong 2 tuần qua đã từng bước được kiểm soát trên phạm vi toàn quốc. Các ổ dịch lớn như TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai, Long An, một số tỉnh bùng phát dịch như Kiên Giang cũng đã từng bước kiểm soát rất tốt.
Để đạt được những kết quả này, chúng ta đã kiên trì thực hiện các biện pháp phòng chống dịch dựa vào 3 trụ cột là cách ly (hẹp nhất và chặt nhất có thể), xét nghiệm (thần tốc nhưng an toàn, khoa học, hợp lý và hiệu quả theo hướng dẫn của Bộ Y tế) và điều trị (từ xa, từ sớm, từ ngay tại cơ sở, góp phần giảm chuyển nặng, giảm tử vong).
Cùng với đó, chúng ta có nhiều kinh nghiệm hơn, tự tin hơn, thực hiện các biện pháp phòng chống dịch tốt hơn. Thêm vào đó, là sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, MTTQ và các đoàn thể, sự đồng tình, hưởng ứng của đại đa số nhân dân.
Tuy nhiên, tình hình dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp, Thủ tướng yêu cầu tất cả các cơ quan, đơn vị, địa phương, lãnh đạo các cấp tuyệt đối không được lơ là, chủ quan, mất bình tĩnh; phải tỉnh táo, sáng suốt thực hiện các biện pháp phòng chống dịch có hiệu quả.
Thủ tướng nêu rõ một số việc nổi lên trong hai tuần qua: Người dân trở về quê và từ quê quay trở lại; vận tải, lưu thông hàng hóa còn ách tắc; ứng dụng công nghệ còn trục trặc. Việc chăm lo đời sống nhân dân vẫn còn sót lọt một số đối tượng. Chúng ta cũng bắt đầu phục hồi sản xuất kinh doanh.
Thủ tướng nhấn mạnh: Từ bài học kinh nghiệm trong nước và quốc tế được đúc rút thời gian qua, trong thời gian tới, phải có tư duy, nhận thức và tổ chức thực hiện đổi mới hơn, sát tình hình thực tế hơn, phù hợp diễn biến tình hình dịch bệnh và yêu cầu khôi phục, phát triển kinh tế - xã hội.
Người đứng đầu Chính phủ nêu rõ một số nhiệm vụ cụ thể cần tập trung lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thực hiện thời gian tới.
Thứ nhất, ban hành hướng dẫn tạm thời về thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát dịch bệnh một cách phù hợp, hiệu quả và tổ chức thực hiện thống nhất trên toàn quốc. Các địa phương không ban hành quy định trái với nguyên tắc chung nhưng cũng không cứng nhắc, vận dụng linh hoạt, sáng tạo, phù hợp với thực tiễn từng địa bàn, những nội dung nào chưa hợp lý hoặc có cách làm hay hơn thì báo cáo cấp trên để điều chỉnh, bổ sung.
Thứ hai, các địa phương phải nắm chắc tình hình, chia sẻ, phối hợp tổ chức thật tốt việc đưa đón người về quê và từ quê trở lại, bảo đảm kiểm soát dịch bệnh và an toàn, an ninh cho nhân dân. Nếu hàng chục nghìn người dân trở về thì không cơ sở cách ly tập trung nào đáp ứng được, do đó cần nghiên cứu, học tập kinh nghiệm tốt của Tiền Giang, An Giang trong việc đưa người dân về cách ly tại cơ sở.
Thứ ba, tiếp tục quyết liệt thực hiện, thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa chiến lược vaccine - nhân tố quan trọng và quyết định việc thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh. Trong bối cảnh vaccine vẫn khan hiếm, phải chủ động hơn, phải thúc đẩy ngoại giao vaccine tích cực hơn nữa, hiệu quả hơn nữa và vaccine nghiên cứu, sản xuất trong nước phải an toàn và hiệu quả, bảo đảm khách quan, trung thực về mặt khoa học.
Thứ tư, việc khôi phục sản xuất phải an toàn, an toàn mới sản xuất. Bộ Y tế và các cơ quan hướng dẫn về điều kiện an toàn trên tinh thần tăng tính tự chủ, chủ động, nêu cao trách nhiệm của người dân và doanh nghiệp.
Không ban hành giấy phép con, không chia cắt việc đi lại
Thủ tướng giao Phó Thủ tướng Lê Văn Thành quyết liệt chỉ đạo để việc lưu thông và giao thông vận tải thực hiện thống nhất trên toàn quốc, cả hàng không, đường sắt, đường thủy, đường bộ. Các địa phương theo điều tiết chung, không ban hành giấy phép con, không cát cứ, không chia cắt.
“Thận trọng, không chủ quan nhưng phải làm, có bước đi, có lộ trình, trước hết thí điểm 1 tuần, sau đó sơ kết, cái gì tốt thì tiếp tục làm, không tốt thì dừng”, Thủ tướng nêu rõ.
Bộ GTVT tham khảo ý kiến các địa phương nhưng người quyết định phải là Phó Thủ tướng Lê Văn Thành và Bộ GTVT, đồng thời tăng cường kiểm tra, không để mỗi địa phương làm một kiểu.
Tiếp tục thực hiện tốt hơn nữa công tác bảo đảm an sinh xã hội, không để sót, để lọt các đối tượng được hưởng thụ chính sách, chăm lo đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân.
Thủ tướng giao Bộ Thông tin và truyền thông, Bộ Công an phối hợp chặt chẽ trong việc tích hợp các nền tảng, chia sẻ các dữ liệu để ứng dụng công nghệ thông tin thật hiệu quả.
"Dứt khoát trong tuần này phải làm thuận lợi nhất cho người dân. Việc này không nói lại nữa, nếu các đồng chí không làm được thì báo cáo lại Ban Chỉ đạo", Thủ tướng quyết liệt.
Thủ tướng yêu cầu làm tốt hơn nữa công tác thông tin – tuyên truyền theo hướng chủ động, tích cực, có kế hoạch bài bản, phản ánh đúng tình hình, lấy tích cực đẩy lùi tiêu cực, lấy cái đẹp dẹp cái xấu, không để các thế lực thù địch lợi dụng chống phá.
Bộ Ngoại giao nghiên cứu, tính toán lộ trình thực hiện “hộ chiếu vaccine”, Bộ Giáo dục và đào tạo chỉ đạo cho học sinh đi học bình thường trở lại ở những nơi an toàn, nhất là những nơi xa xôi, miền núi, hải đảo…
Thủ tướng lưu ý tiếp tục bảo đảm giữ vững an ninh, trật tự an toàn xã hội. Các tiểu ban tiếp tục theo dõi, nắm tình hình, báo cáo theo quy định. Thủ tướng đề nghị các lực lượng chi viện tiếp tục kiên trì ở lại các tỉnh, thành phố phía Nam tới khoảng cuối tháng 10, khi việc bao phủ vaccine cho người dân đã đạt mức tương đối an toàn.
Thủ tướng giao các bộ ngành nắm chắc tình hình, xử lý các đề xuất của địa phương theo thẩm quyền, nếu vượt thẩm quyền thì báo cáo Chính phủ xem xét, giải quyết hoặc trình cấp có thẩm quyền cao hơn quyết định.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận