Kinh tế

Thủ tướng yêu cầu phân tích giá bất động sản với thu nhập, thực tế ra sao?

17/02/2023, 13:28

Phát biểu khai mạc hội nghị tháo gỡ bất động sản, Thủ tướng đề nghị làm rõ, bất động sản đã phù hợp thu nhập chưa, lệch pha cung cầu - không...?

Phát biểu khai mạc Hội nghị trực tuyến toàn quốc Tháo gỡ và thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững sáng nay 17/2; Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị các đại biểu đánh giá khách quan, trung thực tình hình thị trường.

Trong đó Thủ tướng yêu cầu các đại biểu phân tích xem giá cả bất động sản đã phù hợp với thu nhập chưa, có tình trạng lệch pha về cung cầu nhà đất không?

img

Ảnh hội nghị trực tuyến toàn quốc Tháo gỡ và thúc đẩy thị trường bất động sản

Người đứng đầu Chính phủ cũng nhấn mạnh, ông đã phát biểu nhiều lần, để phát triển bất động sản bền vững, các địa phương và các doanh nghiệp trước hết phải tạo công ăn việc làm.

Những vùng đất, vị trí đẹp, có lợi thế phải ưu tiên dành cho sản xuất, kinh doanh, từ đó tạo công ăn việc làm cho người dân, có công ăn việc làm thì mới có người đến làm, có người đến làm thì mới có người đến ở, có người đến ở thì mới có người mua nhà, có người mua nhà thì mới phát triển được bất động sản, khu đô thị.

Những nội dung đặt vấn đề này của Thủ tướng ngay lập tức thu hút quan tâm của đông đảo dự luận và nhiều doanh nghiệp bất động sản. Bởi thời gian qua, giá bất động sản quá cao so với thu nhập, nhiều hạ tầng xã hội trong dự án bất động sản bị bỏ hoang, thiếu đầu tư đồng bộ.

Theo TS. Cấn Văn Lực cho rằng, quan hệ cung - cầu lệch pha, giá cả chưa hợp lý. Hiện nay, giá BĐS của chúng ta đang ở mức tương đối cao so với thu nhập của đa số người dân.

Người Việt Nam trung bình cần ít nhất 23,5 năm có thu nhập để mua được nhà ở, đứng thứ 14/107 quốc gia (càng cao, càng đắt) trên thế giới, tương đương Thái Lan, Hàn Quốc (trong khi thu nhập của chúng ta thấp hơn họ); cao hơn nhiều so với các nước Indonesia (18,5 năm), Singapore (15,5 năm), Ấn Độ (9,2 năm) và Malaysia (8,1 năm)....

Nguyên nhân chủ yếu là do nguồn cung hạn chế, thiếu trầm trọng nhà ở phù hợp túi tiền và dư thừa ở một số phân khúc khác (đặc biệt là phân khúc cao cấp), chi phí ở các khâu làm dự án đều cao ...

Hay như trước đó, Báo Giao thông đã có nhiều bài viết phản ánh tình trạng giá nhà quá cao, vượt xa so với thu nhập của người dân, hay nhiều khu đô thị mải làm nhà ở thương mại bỏ hoang công viên, cây xanh, trường học.

Cụ thể như: Bài viết: "Người lao động 1 năm đi làm vẫn chưa mua nổi mét đất dù giá đã giảm", ghi nhận của PV cho thấy, tại Bắc Giang, nhiều sàn giao dịch bất động sản trên địa bàn giới thiệu, giá cục bộ giảm từ 10-15%, nhưng quanh khu công nghiệp Quang Châu, Việt Yên vẫn dao động từ 24 - 36 triệu đồng/m2, tùy vị trí. Một số lô 2 mặt tiền có giá trên 40 triệu đồng/m2.

Tại Hà Nội, khu vực từ vành đai 3.5 trở vào nội đô thì đã hai năm nay đều đã tăng giá, từ 100 triệu đồng/m2 trở lên. Trong khi giá bất động sản bỗng dưng tăng cao, thì thu nhập người dân vẫn đì đẹt.

Báo cáo quý 3 của Tổng cục Thống kê, thu nhập bình quân người lao động đã tăng lên 143 nghìn đồng so với quý 2 nhưng chỉ dừng lại ở mức 6,7 triệu/tháng, tương ứng 84 triệu/năm.

Công lao động 1 năm, không phải chi ra cho sinh hoạt chưa mua nổi 1 mét đất nội đô và các quận huyện đang nằm trong diện lên quận; May ra chỉ mua được 2 mét chung cư các quận như Nam Từ Liêm, Bắc Từ Liêm.

Hay nhiều khu đô thị như Khu nhà ở xã hội tại Trung Văn, Dự án Khu đô thị mới Pháp Vân - Tứ Hiệp... bỏ quên trường học. Học sinh Hoàng Mai phải bốc thăm đi học...

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.