Thủ tướng thị sát nhiều dự án hạ tầng giao thông trọng điểm tại Bình Dương
Sáng 3/12, trong chương trình chuyến công tác tại Bình Dương, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã khảo sát, kiểm tra, đôn đốc một số dự án hạ tầng giao thông trọng điểm trên địa bàn.
Cùng đi với Thủ tướng Chính phủ có Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thắng, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị, Bộ trưởng Bộ Khoa học và công nghệ Huỳnh Thành Đạt, Bí thư Tỉnh ủy Bình Dương Nguyễn Văn Lợi, lãnh đạo các bộ, ngành, cơ quan Trung ương, tỉnh Bình Dương.
Thủ tướng nghe báo cáo tuyến đường cao tốc TP. HCM - Thủ Dầu Một - Chơn Thành
Thủ tướng đã khảo sát, nghe báo cáo tuyến đường cao tốc TP.HCM - Thủ Dầu Một - Chơn Thành; tuyến đường sắt Bàu Bàng - Thị Vải, Cái Mép; quy hoạch tuyến Metro Suối Tiên - TP Mới Bình Dương - Bàu Bàng; điều chỉnh vị trí quy hoạch ga An Bình và ga Dĩ An; tuyến Vành đai 3 TP.HCM đoạn qua địa bàn tỉnh Bình Dương; tuyến đường Hồ Chí Minh và Khu công nghiệp Bàu Bàng…
Dự án cao tốc TP.HCM - Thủ Dầu Một - Chơn Thành đã được Thủ tướng Chính phủ giao UBND tỉnh Bình Dương là cơ quan có thẩm quyền triển khai thực hiện dự án. Dự án có tổng chiều dài tuyến là 69 km, từ nút giao Gò Dưa - TP.HCM đến Quốc lộ 14 - tỉnh Bình Phước; gồm: Đoạn qua TP.HCM dài 1,65 km, đoạn qua Bình Dương dài 60,25 km (đã đầu tư 14,5 km với quy mô 6 - 8 làn xe), Bình Phước dài 7 km (chưa đầu tư).
Theo quy định của Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP), UBND tỉnh Bình Dương giao cơ quan lập Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi làm cơ sở trình cấp có thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư.
Dự án đã được Thủ tướng Chính phủ giao UBND tỉnh Bình Dương là cơ quan có thẩm quyền triển khai thực hiện dự án
Về tuyến đường sắt Bàu Bàng - Thị Vải, Cái Mép, Thủ tướng đã đồng ý chủ trương giao UBND tỉnh Bình Dương chủ trì, phối hợp với Bộ Giao thông vận tải lập Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi. Dự án gồm 3 đoạn: Bàu Bàng - An Bình (Dĩ An), An Bình - Phước Tân (Biên Hòa) và Phước Tân - Cái Mép. Hiện Bộ Giao thông vận tải đang lập Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi 2 đoạn: An Bình (Dĩ An) - Phước Tân (Biên Hòa) và Phước Tân - Cái Mép.
Về dự án đường vành đai 3 TP.HCM, sau khi được Quốc hội quyết định chủ trương đầu tư tại Nghị quyết số 57/2022/QH15 ngày 16/6/2022, Chính phủ đã có Nghị quyết số 105/NQ-CP ngày 15/8/2022 triển khai Nghị quyết 57/2022/QH15; trong đó xác định rõ tiến độ triển khai các nội dung công việc.
Theo đó, phấn đấu bàn giao 70% diện tích mặt bằng của các gói thầu xây lắp khởi công trước ngày 30/6/2023 và cơ bản bàn giao diện tích còn lại trước ngày 31/12/2023; 30/6/2026 hoàn thành.
Tỉnh Bình Dương có 2 dự án thành phần: Dự án thành phần đầu tư xây dựng dài 11,43 km, tổng mức đầu tư khoảng 5.752 tỷ đồng; dự án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư có tổng mức đầu tư khoảng 13.528 tỷ đồng.
Theo báo cáo của tỉnh, dự kiến khởi công theo đúng kế hoạch chung là ngày 30/6/2023.
Trong chuyến công tác tại Bình Dương, Thủ tướng đã khảo sát dự án xây dựng mở rộng Nhà máy của Công ty TNHH PaiHong tại Khu công nghiệp Bàu Bàng, thăm hỏi động viên công nhân thi công trên công trường
Về tuyến đường Hồ Chí Minh đoạn Chơn Thành – Đức Hòa đi qua địa phận tỉnh Bình Dương khoảng hơn 31 km. Dự án đã dừng giãn tiến độ theo Nghị quyết 11/NQ-CP năm 2011 của Chính phủ. Hiện Bộ Giao thông vận tải đã bố trí đủ vốn, đang lập dự án để tiếp tục triển khai đầu tư. Hiện nay dự án đang thực hiện lập báo cáo nghiên cứu khả thi, dự kiến duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi trong quý I/2023 và khởi công dự án trong quý IV/2023, hoàn thành năm 2025.
Thủ tướng cũng đã giao các địa phương là cơ quan có thẩm quyền triển khai các dự án của đường Vành đai 4 qua địa bàn từng tỉnh, trong đó UBND tỉnh Bình Dương thực hiện đoạn cầu Thủ Biên – Sông Sài Gòn (gồm cầu Thủ Biên và không bao gồm cầu vượt sông Sài Gòn), chiều dài khoảng 49 km. Theo báo cáo của tỉnh, hiện nay đã đầu tư 22,64 km; chưa đầu tư 25,66 km, tỉnh sẽ lập dự án thực hiện phân kỳ 2 giai đoạn.
Đẩy mạnh thu hút các nguồn lực cho các dự án giao thông
Tại các điểm đến kiểm tra, khảo sát, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cho rằng, đây đều là những dự án hạ tầng quan trọng kết nối tỉnh Bình Dương với khu vực Đông Nam Bộ, các khu vực lân cận, cả nước và với các cửa ngõ đi ra quốc tế.
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu tỉnh Bình Dương phối hợp với Bộ Giao thông vận tải, các bộ, ngành và địa phương liên quan đẩy nhanh hoàn thiện thủ tục, triển khai đầu tư các dự án, vì dự án hoàn thành đi vào sử dụng sớm ngày nào thì góp phần phát triển kinh tế - xã hội ngày đó.
Thủ tướng thị sát dự án tuyến Vành đai 3 TP.HCM đoạn qua địa bàn tỉnh Bình Dương
Thủ tướng đề nghị đẩy mạnh thu hút các nguồn lực, nhất là đầu tư theo hình thức công tư song đảm bảo hài hoà lợi ích Nhà nước, người dân, doanh nghiệp, với phương châm "lợi ích hài hòa, rủi ro, khó khăn chia sẻ".
Để đẩy nhanh tiến độ các dự án, tỉnh Bình Dương phải tổ chức giải phóng mặt bằng sớm. Trong đó, dành quỹ đất, chuẩn bị hạ tầng tái định cư, sinh kế cho người dân đảm bảo tốt hơn, ít nhất là bằng với nơi ở cũ và phấn đấu năm sau tốt hơn năm trước.
Đối với các tuyến giao thông cần nghiên cứu, xem xét mở các nút giao phù hợp để mở rộng, khai thác không gian phát triển mới. Tuy nhiên, phải tận dụng quỹ đất có vị trí thuận lợi để phát triển sản xuất, kinh doanh, tạo công ăn, việc làm, tạo của cải vật chất bền vững, lâu dài; không nên chỉ phát triển bất động sản nhà ở đơn thuần.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận