Quản lý

Thúc đẩy hợp tác GTVT Việt Nam - Mông Cổ

01/10/2024, 12:36

Bộ GTVT Việt Nam và Bộ Đường bộ và GTVT Mông Cổ thống nhất thúc đẩy hợp tác lĩnh vực GTVT, trong đó mở đường bay giữa hai nước.

Tháp tùng Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm sang thăm cấp Nhà nước Mông Cổ từ ngày 30/9 - 1/10, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thắng đã có cuộc gặp với Bộ trưởng Bộ Đường bộ và GTVT Mông Cổ Delgersaikhan Borkhuu vào chiều qua (30/9) tại Ulan Bato.

Chào mừng đoàn công tác Bộ GTVT Việt Nam, Bộ trưởng Delgersaikhan Borkhuu giới thiệu tổng quan lĩnh vực GTVT Mông Cổ; điểm lại các kết quả hợp tác hai bên và các tiềm năng hợp tác thời gian tới.

Bộ trưởng Delgersaikhan Borkhuu bày tỏ mong muốn thúc đẩy hợp tác hai bên, đặc biệt là các lĩnh vực hàng không, đường sắt, hàng hải.

Thúc đẩy hợp tác GTVT Việt Nam - Mông Cổ- Ảnh 1.

Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thắng và Bộ trưởng Bộ Đường bộ và GTVT Mông Cổ Delgersaikhan Borkhuu thống nhất thúc đẩy hợp tác lĩnh vực GTVT,

Lĩnh vực hàng không, Bộ trưởng Delgersaikhan Borkhuu cho biết, hiện lượng khách Mông Cổ sang Việt Nam du lịch tăng trưởng hàng năm và nhu cầu thời gian tới tiếp tục tăng. Để tạo thuận lợi cho giao thương giữa hai nước cũng như đáp ứng nhu cầu khách du lịch, Bộ trưởng Delgersaikhan Borkhuu đề nghị thúc đẩy mở đường bay giữa hai nước.

Lĩnh vực đường sắt, hiện đường sắt hai nước là thành viên chính thức của Tổ chức Hợp tác đường sắt (OSJD). Việc vận chuyển hàng hóa liên vận quốc tế bằng đường sắt giữa Việt Nam - Mông Cổ trong những năm qua đã được tổ chức. Mông Cổ mong muốn tiếp tục thúc đẩy hợp tác; trong đó trao đổi kinh nghiệm về nghiên cứu, học tập đường sắt quốc tế để có thể đầu tư các tuyến đường sắt hiện đại như đường sắt tốc độ cao.

Lĩnh vực hàng hải, do Mông Cổ là quốc gia không có biển, Mông Cổ mong muốn được Việt Nam trao đổi kinh nghiệm trong phát triển hệ thống cảng cạn ICD và triển khai biên bản ghi nhớ hợp tác hai bên lĩnh vực này hàng hải.

"Mông Cổ mong muốn thúc đẩy hợp tác hai bên lĩnh vực GTVT với các chương trình, nội dung cụ thể, thiết thực, hiệu quả", Bộ trưởng Delgersaikhan Borkhuu bày tỏ.

Bày tỏ ấn tượng với các thành tựu phát triển của Mông Cổ thời gian qua, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng nhấn mạnh, quan hệ giữa hai nước Việt Nam - Mông Cổ đang trong giai đoạn phát triển tốt đẹp nhất và đạt nhiều tiến triển mới, thực chất, nhất là trong các lĩnh vực chính trị, ngoại giao, an ninh và kinh tế.

Đặc biệt lĩnh vực GTVT, Bộ trưởng bày tỏ đánh giá cao hợp tác giữa hai bên. Trong đó, khối lượng hàng hóa vận chuyển giữa Việt Nam và Mông Cổ bằng đường sắt trong năm 2022 đã tăng mạnh. Từ Việt Nam xuất đi Mông Cổ đạt hơn 20 ngàn tấn, tương đương 50% khối lượng hàng xuất từ Việt Nam quá cảnh Trung Quốc đi các nước thứ ba.

Tuy nhiên, việc vận chuyển hàng hóa giữa Việt Nam và Mông Cổ những năm gần đây chủ yếu theo chiều Việt Nam đi Mông Cổ, chưa có khối lượng chuyên chở chiều ngược lại. Vì vậy, để thúc đẩy hợp tác trong lĩnh vực vận tải hàng hóa bằng đường sắt, tăng khối lượng chuyên chở hai chiều, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng đề xuất phía Mông Cổ giới thiệu các đơn vị vận tải, logistics của Mông Cổ với phía Việt Nam để hai bên gặp gỡ, trao đổi và tìm kiếm cơ hội hợp tác.

Thúc đẩy hợp tác GTVT Việt Nam - Mông Cổ- Ảnh 2.

Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thắng nhấn mạnh các tiềm năng hợp tác Việt Nam - Mông Cổ thời gian tới.

Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng cho biết, lĩnh vực hàng không dân dụng, Hiệp định vận chuyển hàng không giữa Chính phủ Việt Nam và Chính phủ Mông Cổ được ký năm 2000. Năm 2023, hai Bên đã ký Biên bản ghi nhớ về việc thực hiện Hiệp định hàng không giữa hai nước.

Hiện nay chưa có hãng hàng không nào khai thác các đường bay thường lệ giữa hai nước. Vừa qua, Bộ GTVT Việt Nam đã nhận được Công hàm của Bộ Ngoại giao Mông Cổ thông báo việc Mông Cổ chỉ định hãng hàng không Eznis Airways khai thác các đường bay: Ulaanbaatar - Hà Nội - Ulaanbaatar, Ulaanbaatar - TP Hồ Chí Minh - Ulaanbaatar và đề nghị Việt Nam cấp phép liên quan cho hãng hàng không này khai thác các đường bay trên. Bộ GTVT đã chuyển văn bản này của Bộ Ngoại giao để các nhà chức trách hàng không xử lý theo quy định.

Về phía Việt Nam, hãng hàng không Vietjet Air đã được chỉ định khai thác các đường bay TP Hồ Chí Minh/ Hà Nội/ Đà Nẵng/ Cam Ranh/ Phú Quốc – Ulaanbaatar.

Lĩnh vực hàng hải, hai bên đã ký kết Biên bản ghi nhớ về hợp tác hàng hải vào năm 2018, đồng thời đã thống nhất dự thảo Kế hoạch hành động 2023-2025 thực hiện Biên bản ghi nhớ này. Trong đó ưu tiên thực hiện các nội dung như hỗ trợ đào tạo, tập huấn thuyền viên về an toàn hàng hải; đào tạo, tập huấn thanh tra viên của quốc gia tàu mang cờ.

"Về phía Bộ GTVT Việt Nam, chúng tôi hoàn toàn hoan nghênh những nội dung có trong kế hoạch hành động này và đồng thời đã chỉ đạo Cục Hàng hải Việt Nam triển khai các hoạt động trong kế hoạch thời gian tới", Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng nói và thống nhất hai bên tích cực trao đổi, thúc đẩy hợp tác hai bên lĩnh vực GTVT một cách thực chất, hiệu quả.

Việt Nam - Mông Cổ ra tuyên bố chung, thiết lập quan hệ đối tác toàn diệnViệt Nam - Mông Cổ ra tuyên bố chung, thiết lập quan hệ đối tác toàn diện

Trong khuôn khổ chuyến thăm cấp Nhà nước tới Mông Cổ từ ngày 30/9-1/10, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm đã hội đàm với Tổng thống Ukhnaagiin Khurelsukh, hội kiến Chủ tịch Quốc hội Dashzegviin Amarbayasgalan và Thủ tướng Luvsannamsrain Oyun-Erdene.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.