Quản lý

Thúc đẩy kết nối đường sắt, phát triển vận tải liên vận khu vực ASEAN

07/12/2020, 15:56

Các nước ASEAN dành nguồn lực đầu tư kết nối hạ tầng đường sắt, tạo thuận lợi phát triển vận tải liên vận khu vực.

img

Tuyến đường sắt xuyên biên giới dài 3 km nối Poipot (Campuchia) với Arayaprathet (Thái Lan) đã được khánh thành năm 2019, tăng kết nối đường sắt giữa hai nước với nhau và với đường sắt khu vực ASEAN

2025 hoàn thành kết nối hạ tầng đường sắt

Tại cuộc Hội đàm song phương theo hình thức trực tuyến giữa Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể và Bộ trưởng Bộ Công chính và vận tải Campuchia Sun Chunthol về tăng cường vận tải qua biên giới Việt Nam - Campuchia diễn ra vào cuối tháng 11/2020 vừa qua, vấn đề kết nối đường sắt hai nước được tiếp tục đưa ra thảo luận.

Theo đó, từ năm 2008, Việt Nam, Campuchia đã đạt được Thỏa thuận về địa điểm nối ray đường sắt giữa hai nước, trong đó có nội dung về cơ sở xác định hướng tuyến, địa điểm liên kết cho tuyến đường sắt Phnôm Pênh đi TP. HCM qua khu vực cửa khẩu quốc tế Hoa Lư/Trapaeng Sre. Tuy nhiên, đến nay chưa triển khai được các tuyến đường sắt của mỗi nước đến điểm kết nối. Vì vậy, tại hội đàm, hai Bộ trưởng thống nhất cần thúc đẩy việc triển khai trên thực tế các tuyến đường sắt này tại mỗi nước, đặc biệt là kết nối từ cửa khẩu đến các trung tâm kinh tế, cảng biển... để đảm bảo hiệu quả khai thác vận tải sau này.

Thông tin với Báo Giao thông, Vụ Hợp tác quốc tế (Bộ GTVT) cho biết, nội dung này nhận được sự quan tâm của hai Bộ không phải chỉ vì lợi ích của hai nước trong vận tải liên vận, logistics sau này mà còn nhằm thực hiện kế hoạch, tiến trình chung trong hợp tác đường sắt giữa các nước khối ASEAN ở nhiều lĩnh vực: kết nối hạ tầng, hợp tác công nghệ, đào tạo… Trong đó, việc xây dựng tuyến đường sắt Singapore - Côn Minh (SKRL) là mục tiêu quan trọng để tăng cường kết nối đường sắt giữa các nước ASEAN, giữa ASEAN với Trung Quốc cũng như với các nước thứ ba; Từ đó tạo thuận lợi cho thúc đẩy vận tải liên vận bằng đường sắt và giao thương giữa các nước.

Để thực hiện mục tiêu này, các quốc gia ASEAN đang tích cực thực hiện nâng cấp và xây dựng các tuyến đường sắt mới để phát triển hệ thống đường sắt của nước mình và kết nối khu vực, kết nối quốc tế, điển hình như: Dự án khôi phục tuyến đường sắt kết nối Campuchia với Thái Lan đã hoàn thành đưa vào khai thác; Dự án tuyến đường sắt Viêng Chăn - Boten (Lào) kết nối với Đường sắt Trung Quốc đã xây dựng và theo kế hoạch sẽ đưa vào khai thác năm 2021; Dự án tuyến đường sắt Bờ Đông (ECRL) của Malaysia… đang triển khai thực hiện. Mục tiêu các đường sắt các nước thuộc SKRL đặt ra là đến 2025 cố gắng kết nối xong hạ tầng. Trên cơ sở đó thúc đẩy vận tải hàng hóa bằng đường sắt giữa các nước.

Bên cạnh đó, các nước ASEAN và Trung Quốc đang tích cực bàn bạc để hoàn thiện Khung triển khai hoạt động thống nhất trong mạng đường sắt Singapore - Côn Minh nhằm tạo điều kiện thuận lợi, thông suốt cho vận tải đường sắt qua biên giới giữa các nước ASEAN.

Thúc đẩy hợp tác đường sắt Việt Nam và các nước ASEAN

Ông Phạm Quốc Cường, Trưởng phòng Khoa học công nghệ - Môi trường và Hợp tác quốc tế (Cục Đường sắt VN) cho biết, về hạ tầng, đường sắt Việt Nam có thể kết nối với đường sắt Lào, Campuchia trong khối ASEAN và với đường sắt Trung Quốc theo tuyến SKRL.

Với đường sắt Lào, hiện hai bên đang nghiên cứu tìm kiếm nguồn lực đầu tư 2 dự án đường sắt: Tuyến đường sắt Vũng Áng - Tân Ấp - Mụ Giạ - Thà Khẹc - Viêng Chăn và Tuyến cảng Mỹ Thủy - Đông Hà - Lao Bảo - Savanakhet.

Với đường sắt Campuchia, hai bên đã thống nhất hợp tác nghiên cứu dự án xây dựng tuyến đường sắt TP.HCM - Phnôm Pênh qua cửa khẩu Mộc Bài - Bà Vẹt để đáp ứng nhu cầu vận chuyển người và hàng hóa ngày càng tăng giữa Việt Nam và Campuchia. “Hiện Cục Đường sắt VN đang phối hợp với Cục Đường sắt Campuchia nghiên cứu tuyến đường sắt kết nối giữa hai nước là tuyến TP.HCM - Lộc Ninh - Snuol - Bat Doeung - Phnom Penh”, ông Cường cho biết.

Hiện Việt Nam đã kết nối đường sắt cả về hạ tầng và vận tải với Trung Quốc cả ở 2 cửa khẩu Lào Cai và Đồng Đăng. Trong đó, theo tuyến SKRL, đường sắt Việt Nam kết nối ngang với đường sắt Trung Quốc tại cửa khẩu ga đường sắt Lào Cai. Tuy nhiên, do hiện tại ga Lào Cai (Việt Nam) sử dụng đường sắt khổ 1000mm trong khi ga Hà Khẩu Bắc (Trung Quốc) sử dụng đường sắt khổ 1435mm, nên ảnh hưởng đến hàng hóa vận chuyển suốt qua biên giới, phải tổ chức chuyển tải, sang toa xe tại một số ga.

Trong khi đó, hiện trên tuyến này khai thác tốt vận chuyển các loại hàng rời như DAP, lưu huỳnh, quặng sắt từ cảng Hải Phòng hoặc hàng lương thực từ miền Nam ra xuất Trung Quốc. Vì vậy, để thuận lợi cho việc vận chuyển bằng đường sắt qua biên giới hai nước, Việt Nam và Trung Quốc có kế hoạch xây dựng tuyến đường sắt khổ lồng (1000mm và 1435mm) và chuẩn bị cho các thủ tục thống nhất phương án nối ray đường sắt giữa ga Lào Cai và ga Hà Khẩu Bắc. Việc nối ray này cũng mở ra tiềm năng lớn cho vận chuyển giữa các nước ASEAN qua Việt Nam sang Trung Quốc, đi nước thứ ba.

img

Việt Nam và Trung Quốc thống nhất sẽ kết nối khổ ray tại đường sắt biên giới Lào Cai - Hà Khẩu Bắc để tạo điều kiện thuận lợi cho vận tải. Ảnh: Đoàn tàu hàng liên vận chuẩn bị xuất phát tại ga Lào Cai sang ga Sơn Yêu (Trung Quốc)

Ở cấp doanh nghiệp, bà Hàn Như Quỳnh, Trưởng ban Hợp tác quốc tế - KHCN (Tổng công ty Đường sắt VN) cho biết, Hội nghị Tổng giám đốc đường sắt ASEAN được tổ chức thường niên với sự tham dự của các đại biểu chính thức từ đường sắt các nước ASEAN. Ngoài ra còn có các đại biểu khách mời và quan sát viên từ các tổ chức quốc tế như Hiệp hội đường sắt quốc tế (UIC), các tập đoàn, công ty chuyên về đường sắt...

Đây là diễn đàn quan trọng để các tổ chức đường sắt trong khu vực cùng nhau thảo luận giải quyết các vấn đề ảnh hưởng đến các hoạt động kinh doanh đường sắt, đồng thời chia sẻ những thành tựu mới nhất mà đường sắt mỗi nước đạt được trong thời gian qua. Mặt khác, trao đổi thông tin, chia sẻ kinh nghiệm và thảo luận, tìm giải pháp phát triển GTVT đường sắt trong khối ASEAN cũng như tại mỗi nước, kể cả về hạ tầng, vận tải, công nghệ, cơ cấu tổ chức, đào tạo nguồn nhân lực... và đảm bảo an toàn.

“Đường sắt đóng vai trò quan trọng trong việc cung cấp dịch vụ vận tải và dịch vụ logistics, thúc đẩy phát triển kinh tế tại mỗi quốc gia cũng như phát triển trong toàn khu vực ASEAN. Vì vậy, thông qua hội nghị, các tổ chức đường sắt các nước cũng tìm kiếm được cơ hội hợp tác cụ thể giữa các bên để cùng nhau thúc đẩy phát triển đường sắt khu vực.”, bà Hàn Như Quỳnh cho hay.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.