Hàng ngày cựu chiến binh Khanh vẫn luôn dành thời gian kiểm tra cầu |
Trở về từ quân ngũ chỉ còn một cánh tay trái, nhưng chứng kiến và thấu hiểu những khó khăn vất vả của người dân quê mình bởi đò giang cách trở, thương binh Nguyễn Hồng Khanh quyết tâm dựng cây cầu xóa thế “ốc đảo” cho vùng đất Đồng Phú, xã Đồng Hóa, huyện Tuyên Hóa, Quảng Bình.
Chung một nỗi lo
Thôn Đồng Phú là một trong những thôn khó khăn nhất của xã Đồng Hóa, bởi địa hình chia cắt như một “ốc đảo” bên dòng sông Gianh. Trước đây, cuộc sống của hơn 1.000 người dân trong thôn gặp vô vàn khó khăn, thử thách, bởi dù nằm cách trung tâm xã không xa nhưng do thế độc địa “sông ngăn, núi cách”, con đường để đến với kinh tế, văn hóa, xã hội của thôn Đồng Phú dường như vẫn xa. Từ việc giao lưu mua bán nông sản, hàng hóa tiêu dùng của người lớn đến việc vui chơi, học tập của con trẻ luôn được định đoạt qua mỗi chuyến đò. Đau lòng thay, đã có trường hợp một thai phụ phải chết khi không kịp chờ đò để sang sông.
Ông Nguyễn Hồng Khanh vốn là một người con của mảnh đất Đồng Hóa, sau khi tham gia bộ đội, hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao trên chiến trường, trở về với chế độ thương binh 2/4, cánh tay phải bị cụt, chân trái bị teo cơ do một quả đạn phát nổ trong lúc huấn luyện. Về với quê hương, thấu hiểu nỗi vất vả của bà con quê mình khi đò giang cách trở, nên trong các cuộc họp của thôn, xã luôn đưa vấn đề làm cầu ra bàn thảo, xin ý kiến.
Ban đầu, khi nghe ông giãi bày nguyện vọng làm cầu, ai cũng đồng thanh ủng hộ. Nhưng khi thực hiện thì ai cũng sợ, bởi không có tiền và sợ không thành công. Có người còn bảo ông “lấy cột chống trời”, viển vông. Nhưng với bản chất lính Cụ Hồ, nghĩ là làm, tháng 11/2001, ông Khanh xắn “cánh tay còn lại” lao vào bắc cầu giúp dân.
“Lấy gậy chống trời”
Trước tiên, ông vận động gia đình, vợ con. May mắn là mọi người trong gia đình đều ủng hộ quyết định của ông, nhất là người vợ sớm hôm tảo tần.
Được sự ủng hộ ấy, ông đem hết số tiền gia đình tiết kiệm được là 60 triệu đồng, thế chấp sổ đỏ vay ngân hàng được 40 triệu đồng, vay mượn thêm bạn bè anh em đồng đội gần 20 triệu đồng. Có gần 120 triệu đồng trong tay, ông bắt đầu tính đến chuyện thăm dò khảo sát địa hình, dòng sông. Để đỡ tốn chi phí và thuận lợi cho việc bắc cầu, ông chọn nơi dòng sông hẹp nhất. Sau khi chọn được địa điểm thích hợp, cộng với những kinh nghiệm có được trong thời gian làm lính đảo, ông bắt tay vào thiết kế cầu.
Nắm rõ quy luật lên xuống của dòng sông, nhất là vào mùa mưa lũ, ông quyết định làm cầu phao để dễ điều chỉnh theo sự lên xuống của con nước. Ông chia sẻ: “Nói bản thiết kế cho oai, chứ toàn bộ tôi chỉ vẽ trên hai tờ giấy A4 và hoàn thành trong chưa đầy một buổi chiều. Bản thiết kế trình lên UBND xã lập tức được phê duyệt. Sau đó, ông mua gần 100 chiếc thùng phi để kết phao, hết gần 70 triệu đồng và một lượng gỗ lớn để đóng cọc làm sàn, lan can.
Ngày tiến hành lắp cầu, bà con kéo đến xem như đông như hội. Có lẽ chưa bao giờ người dân Đồng Phú thấy tràn trề hy vọng và vui như vậy. Ông Khanh và những cựu chiến binh khác say sưa tay búa, tay cưa, đóng cọc, kết phao… Sau gần 40 ngày vất vả, cuối cùng đôi bờ sông Gianh qua thôn Đồng Phú đã được hợp nhất bằng cây cầu phao chắc chắn dài 140 m, rộng 1,6 m, chỗ cao nhất để tàu thuyền đi lại là 3 m.
Thế nhưng, sau gần 10 năm hoạt động an toàn, cơn lũ năm 2010 hung dữ đã cuốn đi cây cầu “hạnh phúc” của người dân Đồng Phú. Nhớ lại chuyện cũ,ông Khanh ngậm ngùi: “Trước khi làm cầu, tôi đã tính toán đến việc lên xuống của dòng nước, kể cả mùa mưa lũ. Nguyên lý “nước nổi, bèo nổi” của cầu phao là thế, nhưng cơn lũ năm ấy hung dữ quá, lại xảy ra vào buổi tối nên tôi và mọi người không kịp cứu cầu”.
Mất cầu, người dân Đồng Phú buồn một thì ông buồn 10, bao nhiêu công sức tiền bạc đầu tư đều đổ ra sông, biển hết. Nhưng một lần nữa, ý chí kiên cường của người lính Cụ Hồ không cho ông gục ngã. Góp nhặt những gì còn sót lại, ông mua thêm gỗ và thùng phi, kêu gọi sự giúp đỡ của bạn bè, anh em, hàng xóm để vay tiền làm cầu.
Rút kinh nghiệm từ cây cầu trước, lần này cây cầu mới được làm chắc chắn hơn, đặc biệt có thể linh hoạt tháo gỡ mỗi lúc nước lũ lên cao. Sau gần một tháng dầm mình dưới nước, đóng cọc kết phao, cuối cùng cây cầu cũng được “hồi sinh” lần thứ 2, đẹp hơn, chắc chắn hơn. Niềm vui sướng, hân hoan một lần nữa lại đến người dân Đồng Hóa.
Đầu tư công sức và tiền bạc nhiều như vậy, nhưng hiểu được những khó khăn vất vả của người dân quê mình, nên ông chỉ thu mỗi lượt đi về xe máy là 5 nghìn, xe đạp 1 nghìn, học sinh đi học mỗi tháng chỉ phải đóng 6 nghìn đồng/cháu. Thế mà ông vẫn ái ngại nói: “Gia đình tôi còn khó khăn quá, vợ tôi bị tai nạn giờ sức khỏe yếu quá, không làm được gì nhiều, rồi phải cần tiền để duy tu sửa chữa cầu nữa, chứ không thì tôi cũng không thu tiền bà con nữa. Chỉ mong sao Nhà nước quan tâm xây cho bà con một cây cầu kiên cố cho đỡ khổ mà thôi!…”.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận