Có doanh nghiệp thưởng Tết 366 triệu đồng
Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) cho biết đến nay vẫn có nhiều tỉnh, thành phố chưa gửi báo cáo tiền lương, thưởng Tết 2024 dù hạn chót là ngày 25/12. Số liệu thống kê đến nay cho thấy nhiều nơi thưởng cả trăm triệu đồng.
Theo báo cáo của Sở LĐ-TB&XH tỉnh Hưng Yên, mức thưởng tết Dương lịch cao nhất là 192 triệu đồng, thấp nhất là 100.000 đồng.
Còn với tết Nguyên đán, mức thưởng cao nhất là 300 triệu đồng thuộc về Công ty Cổ phần tập đoàn Merap (chuyên sản xuất thuốc, hóa dược và dược liệu ở thôn Bá Khê, xã Tân Tiến, huyện Văn Giang, Hưng Yên).
Ở tỉnh này, một số công ty trong khu công nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài có thưởng trên 50 triệu đồng cho công nhân, lao động như Công ty TNHH Ochai Việt Nam, Công ty TNHH Wassenburg Medical Việt Nam.
Còn theo báo cáo của Sở LĐ-TB&XH tỉnh Lào Cai, mức thưởng tết Dương lịch cao nhất là 100 triệu đồng. Mức thưởng tết Nguyên đán Giáp Thìn cao nhất là 100 triệu đồng, thấp nhất là 500.000 đồng.
Tại Thái Nguyên, mức thưởng cao nhất dịp tết Dương lịch là 80 triệu đồng, trong khi mức này dịp tết Âm lịch là 130 triệu đồng.
Ở khu vực phía Nam, tỉnh Bình Dương có mức thưởng tết Nguyên đán cao nhất 366 triệu đồng/người thuộc về doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Mức thưởng bình quân trên địa bàn tỉnh là 6,8 triệu đồng/người, thấp nhất 4,68 triệu đồng/người đối với lao động làm từ đủ 12 tháng.
Sở LĐ-TB&XH tỉnh Tây Ninh cho biết, dự kiến thưởng người lao động dịp tết Dương lịch năm 2024 cao nhất là 80 triệu đồng, thấp nhất là 100.000 đồng. Mức thưởng dịp tết Nguyên đán Giáp Thìn năm 2024 cao nhất là 217 triệu đồng, thấp nhất là 100.000 đồng...
Nhiều nơi đang cân đối
Nhìn chung, mức thưởng năm nay không cao đột biến nhưng có nhiều doanh nghiệp chọn mức thưởng ngưỡng thấp, hoặc chỉ có quà tặng. "Qua khảo sát đánh giá của chúng tôi thì rất nhiều khó khăn. Một bộ phận người lao động khó nhận được thưởng hoặc mức thưởng rất thấp", ông Ngọ Duy Hiểu, Phó chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam nói.
Còn ông Nguyễn Huy Hưng, Cục trưởng Cục Quan hệ lao động và tiền lương (Bộ LĐ-TB&XH), cho hay địa phương chậm báo cáo chủ yếu là các tỉnh, thành có nhiều doanh nghiệp, đông đảo người lao động làm việc tại địa bàn.
“Thông thường mọi năm tết Dương lịch và tết Âm lịch gần nhau thì doanh nghiệp sẽ sớm thông tin cụ thể hơn. Tuy nhiên, năm nay, thời gian 2 Tết cách khá xa nên nhiều doanh nghiệp định hình tiền lương, thưởng tết Âm lịch chưa được rõ ràng", ông Hưng nói.
Cục trưởng Cục Quan hệ lao động và tiền lương cho hay trong báo cáo tình hình tiền lương, thưởng Tết từ các địa phương gửi về Bộ sẽ có đầy đủ thông tin về: Tiền lương bình quân năm, lương tháng thứ 13 (thưởng Tết); Tình hình nợ lương, nợ bảo hiểm xã hội… Báo cáo về tình hình thưởng Tết chỉ là thông tin thị trường tham khảo, không bắt buộc. Để thông tin cụ thể, chính xác, Cục Quan hệ lao động và tiền lương sẽ sớm công bố báo cáo toàn diện vào thời gian tới.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận