Xã hội

Thưởng Tết, sao cứ phải... dòm nhau?

28/12/2019, 06:33

Thay vì chạy theo những con số “ảo”, thưởng Tết nên trở về đúng nghĩa, giảm áp lực cho DN mà vẫn tạo động lực phấn đấu cho người lao động...

img
Một doanh nghiệp từng thưởng Tết bằng ô tô hạng sang hồi năm 2018

Thưởng Tết “ảo” dễ gây ngộ nhận

Chia sẻ về mức thưởng Tết cuối năm, ông Nguyễn Vũ Cao, Chủ tịch HĐQT Khang Land cho hay: “Mọi năm, chúng tôi đều treo thưởng cao như các chuyến du lịch hay thưởng xe. Tuy nhiên năm nay, thị trường bất động sản rơi vào cảnh khó khăn chung, kinh doanh không đạt được chỉ tiêu theo kế hoạch đặt ra. Vì thế, công ty cố gắng sẽ có thưởng cho tất cả nhân viên tháng lương thứ 13. Riêng đối với nhân viên kinh doanh nếu bán được một căn chung cư cao cấp ở dự án mà công ty đang phân phối, ngoài hoa hồng sẽ được thưởng thêm 100 triệu đồng/căn”.

Cũng chung cảnh khó khăn, ông Nguyễn Mạnh Hà, Chủ tịch Tập đoàn Landora thông tin, phải sang đầu tháng 1/2020 mới chốt được kế hoạch thưởng Tết cho nhân viên. “Năm nay, doanh nghiệp bất động sản, đặc biệt ngành môi giới hoạt động hiệu quả kém hơn, do nguồn hàng ít lại dàn trải, anh em cũng phải lăn lộn vất vả hơn, đi ra các tỉnh lẻ xa xôi. Thậm chí, trong quý IV nhiều đơn vị môi giới phải dừng hoạt động vì không có nguồn hàng, người lao động cũng phải tìm cách dịch chuyển”, ông Hà nói và cho hay, đối với những đơn vị môi giới bất động sản lâu năm, có tiềm lực thì chắc chắn vẫn đảm bảo mức chi thưởng Tết tối thiểu bằng năm ngoái. Ngược lại, những đơn vị mới thành lập có thể gặp chút khó khăn. Song nhìn chung toàn ngành, khó có những câu chuyện thưởng Tết gây chấn động như năm ngoái.

Qua đây, Chủ tịch Tập đoàn Landora cũng nhấn mạnh, không loại trừ chuyện thưởng Tết sẽ vẫn bị lợi dụng như một chiêu trò đánh bóng (PR) cho doanh nghiệp. “Tình trạng doanh nghiệp bất động sản dùng mức thưởng Tết khủng như siêu xe, nhà sang để PR đã diễn ra nhiều năm nay. Đây được coi là một trong những biện pháp để thu hút nhân lực, tuy nhiên không nên lạm dụng nâng lên thành chiêu trò. Tôi được biết, nhiều doanh nghiệp công bố thưởng Tết bằng ô tô nhưng thực chất là lấy xe của công ty ra làm hình ảnh chứ không phải thưởng riêng cho nhân viên. Đáng nói, lao động trong ngành môi giới bất động sản thường là lực lượng trẻ, khi nghe những thông tin lương thưởng khủng, chưa rõ ảo hay thật, sẽ dẫn tới tình trạng dễ bị ngộ nhận, sống ảo. Do đó, thay vì đưa ra mức thưởng khủng, chủ doanh nghiệp cần có những hoạt động thiết thực hơn để tạo động lực phấn đấu và sự chuyên nghiệp cho đội ngũ lao động của mình”, ông Hà nêu quan điểm.

Có nên dồn tiền thưởng vào cuối năm?

Bất ngờ thưởng Tết 2020 tại TP HCM

Thống kê ban đầu về mức thưởng Tết năm 2020 tại TP HCM cho thấy, mức thưởng Tết Dương lịch “khủng” nhất là 3,5 tỷ đồng/người. Con số này vượt xa mức thưởng cao nhất của Tết Dương lịch 2019 (500 triệu đồng/người) và gấp gần 3 lần so với mức thưởng cao nhất của Tết Nguyên đán 2019 (gần 1,2 tỷ đồng/người). Mức thưởng Tết Nguyên đán 2020 cao nhất tại TP HCM cũng chỉ đạt mức 800 triệu đồng/người. Như vậy, mức thưởng Tết Dương lịch cao nhất cũng gấp hơn 4 lần so với mức thưởng cao nhất của Tết Nguyên đán.

Chia sẻ với PV Báo Giao thông, bà Nghiêm Thùy Lan, Chủ tịch Công đoàn Dầu khí Việt Nam cho biết: “Tùy từng đơn vị trong ngành sẽ có mức thưởng Tết khác nhau nhưng đa phần đều đảm bảo mức như năm ngoái. Bên cạnh đó, thông qua hoạt động tổ chức chương trình “Tết sum vầy” tại các địa phương có công trình dự án dầu khí, công đoàn cũng đã huy động các doanh nghiệp đóng góp hỗ trợ cho người lao động có gia cảnh khó khăn”.

Nói về mức tiền thưởng Tết đối với người lao động trong ngành dầu khí, bà Lan thông tin: “Lợi nhuận từ hiệu quả sản xuất kinh doanh được chia thưởng đều qua các quý chứ không phải dồn hết vào cuối năm. Thời gian cụ thể, mức thưởng như thế nào đều đã quy định rõ tại thỏa ước lao động”.

Theo bà Vi Thị Hồng Minh, Phó giám đốc Văn phòng Giới sử dụng lao động (VCCI), hiện nay, trong thỏa ước lao động tại nhiều doanh nghiệp, quy định việc chia tiền thưởng từ quỹ phúc lợi không chỉ dồn vào cuối năm mà chia ra vào các thời điểm thích hợp. “Tùy thuộc vào hiệu quả sản xuất, nên chia lợi nhuận ở nhiều thời điểm thích hợp trong năm để tránh thiệt hại cho người lao động cũng như giảm tải áp lực cho doanh nghiệp. Bởi lẽ, không phải người lao động nào cũng có thể gắn bó lâu dài với doanh nghiệp. Chưa kể tình huống cuối năm, chủ sử dụng lao động lại gặp sự cố bất khả kháng, điều kiện sản xuất kinh doanh không thuận lợi, khó chi trả lương thưởng đúng như cam kết”, bà Minh phân tích.

Đồng tình với quan điểm trên, ông Đặng Như Lợi, nguyên Phó chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội cho rằng, việc chia dồn tiền lương của cả năm vào dịp Tết mà nhiều doanh nghiệp tại Việt Nam thực hiện, chẳng qua là hình thức “làm trước ăn sau”, khiến cho khoản thưởng này không đúng thực chất. “Tại sao chúng ta chỉ quan tâm đến thu nhập, lương thưởng cuối năm bằng bao nhiêu chứ không chia bình quân 12 tháng làm việc được bao nhiêu?”, ông Lợi đặt vấn đề.

Cũng theo ông Lợi, việc chia dồn tiền thưởng vào cuối năm sẽ gây ảnh hưởng tới thị trường. “Khi đồng tiền bị chi dồn vào việc cuối năm, điều này rất tai hại. Vì khi có tiền người ta hay có tư tưởng mua có đắt hơn một chút cũng không sao, như vậy là tác động về mặt tâm lý chung, đẩy giá cả tăng lên. Khi giá cả tăng lên, lại làm cho anh có tiền chạy đổ xô đi mua hàng để cho đồng tiền khỏi mất giá, sinh ra một vòng luẩn quẩn, khó điều tiết…”, ông Lợi phân tích.

Tuy nhiên, theo ông Lợi, để xây dựng được quy chế lương, thưởng tốt trong doanh nghiệp, vai trò của tổ chức công đoàn vô cùng quan trọng. “Hiện, người lao động ít có khả năng thương lượng với người sử dụng lao động về tiền thưởng Tết trong hợp đồng lao động vì hợp đồng lao động thường ghi rất chung chung: “Các chế độ thưởng phụ thuộc vào tình hình doanh thu của doanh nghiệp”. “Dù vậy, một thực tế đáng buồn là hiện hầu hết tổ chức công đoàn tại các doanh nghiệp là người của doanh nghiệp. Mang tiếng là đại diện cho người lao động nhưng tổ chức này lại do doanh nghiệp dựng lên và nếu làm trái ý doanh nghiệp, họ cũng đứng trước nguy cơ mất việc như người lao động”, ông Lợi nhận định.

Không phải doanh nghiệp muốn thưởng gì cũng được!

Trước luồng dư luận tranh cãi về quy định thưởng Tết có thể bằng tiền hoặc hiện vật, bà Vi Thị Hồng Minh nhận định: “Từ lâu, thưởng Tết được coi là thương hiệu của doanh nghiệp, điều kiện để giữ chân người lao động. Không doanh nghiệp nào lại muốn bị người lao động phàn nàn vào dịp cuối năm, nên đều cố gắng đưa ra mức thưởng, hình thức thưởng hợp lý. Do đó, chính sách cũng cần linh hoạt để gỡ khó cho doanh nghiệp”.

Dẫn giải Luật Lao động, bà Minh khẳng định: Người sử dụng lao động không bắt buộc phải thưởng Tết, cũng như thưởng vào các ngày lễ khác trong năm cho người lao động. Bởi lẽ, quyết định có thưởng hay không còn phụ thuộc vào kết quả sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp và chất lượng, mức độ hoàn thành công việc của người lao động. “Không cần đợi đến năm 2021 Bộ luật Lao động có hiệu lực, trên thực tế, các doanh nghiệp vẫn thưởng Tết cho người lao động bằng tiền hoặc hiện vật. Việc Bộ luật Lao động 2019 mở rộng khái niệm “thưởng” chính là nhằm ghi nhận và đáp ứng xu hướng của thực tế đã và đang diễn ra”, bà Minh nói.

Tuy nhiên, Phó giám đốc Văn phòng Giới sử dụng lao động cũng nhấn mạnh: Không phải doanh nghiệp muốn thưởng gì cho người lao động cũng được. “Theo Luật, quy chế thưởng do người sử dụng lao động quyết định và công bố công khai tại nơi làm việc sau khi tham khảo ý kiến của tổ chức đại diện tập thể lao động tại cơ sở. Như vậy có thể thấy rằng, trước khi quyết định thưởng cho người lao động, chủ doanh nghiệp đều phải tham khảo ý kiến của tổ chức công đoàn để có hình thức hợp lý”, bà Minh nói.

Thực tế, câu chuyện thưởng Tết bằng hiện vật của không ít doanh nghiệp Việt trong những năm vừa qua khiến dư luận “cười ra nước mắt”. Còn nhớ, năm 2013, một công ty may ở Hà Nội đã “thưởng Tết” cho mỗi nhân viên 70 chiếc quần đùi. Lý do công ty này đưa ra do việc sản xuất kinh doanh gặp khó khăn nên thưởng luôn sản phẩm công ty sản xuất. Nhiều công nhân phải cho bạn bè, họ hàng vì không dùng hết và đem ra chợ bán để kiếm thêm chút tiền. Một cơ sở sản xuất hương ở Đan Phượng, Hà Nội từng thưởng Tết cho công nhân 100 nghìn đồng/người và mỗi loại hương thắp một bó (!)

Dịp Tết Nguyên đán 2014, công ty ở TP HCM quyết định thưởng cho mỗi nhân viên một thùng tương ớt, riêng lãnh đạo được nhận tới 2 thùng! Nhiều người cũng không khỏi bất ngờ khi biết các giáo viên vùng cao ở Gia Lai được thưởng Tết bằng hiện vật thiết thực hơn, mỗi giáo viên được tặng 3 lít dầu ăn, một chai nước mắm.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.