Y tế

Tiêm 2 mũi vắc xin Covid-19 trong 30 phút: Chuyên gia y tế nói gì?

25/06/2021, 11:23
image

Theo chuyên gia y tế, việc tiêm 2 mũi vắc xin Covid-19 trong 30 phút, không gây phản ứng phụ và không gây hại cho sức khỏe người được tiêm.

img

Ngày 24/6, gần 8.000 người dân có mặt tại nhà thi đấu Phú Thọ, TP.HCM để tiêm vắc xin ngừa Covid-19

Tiêm liên tiếp 2 mũi có ảnh hưởng đến sức khỏe?

Vụ việc nhân viên làm việc tại phòng khai thác hàng xuất khẩu Công ty CP dịch vụ hàng hoá sân bay Tân Sơn Nhất đã "được" tiêm 2 mũi vắc xin phòng Covid-19 liên tiếp trong vòng 30 phút trong ngày 22/6 khiến dư luận lo ngại về sức khoẻ người được tiêm.

Trao đổi với phóng viên, BS Trương Hữu Khanh, Trưởng khoa Nhiễm - Thần Kinh Bệnh viện Nhi Đồng 1,TP.HCM cho biết, việc tiêm 2 mũi vắc xin Covid-19 trong vòng 30 phút không làm tăng phản ứng phụ ảnh hưởng, không gây hại cho sức khỏe người được tiêm.

Theo bác sĩ, trong quá trình nghiên cứu vắc xin AstraZeneca, nhà sản xuất có cho nhóm tiêm mũi 1ml và mũi 0,5 ml. Kết quả cho thấy mũi tiêm 0,5 ml có hiệu quả nên dùng mũi 0,5 ml, không dùng mũi 1ml.

Bác sỹ Khanh thông tin thêm, để đạt hiệu quả khi tiêm vắc xin Covid-19, các mũi tiêm phải có khoảng thời gian cách nhau nhất định. Mũi sau cách mũi trước phải từ 4 - 12 tuần để hệ thống miễn dịch của cơ thể kích hoạt lại, tiếp nhận mũi vắc xin tiếp theo có hiệu quả.

“Do đó, nếu người này được tiêm 2 mũi trong một thời gian ngắn như vậy thì coi như phí một mũi vắc xin chứ không gây ảnh hưởng đến sức khỏe", bác sỹ Khanh nói.

Video cận cảnh buổi tiêm vắc xin có quy mô lớn nhất vào ngày 24/6 tại Nhà thi đấu Phú Thọ, TP.HCM

Lỗ hổng quy trình tiêm chủng?

Về quy trình vắc xin tiêm Covid-19, đại diện HCDC cho biết, người được tiêm được khai báo y tế, đo thân nhiệt, đo huyết áp, khám sàng lọc, tư vấn trước khi tiêm rồi mới bước vào quá trình tiêm.

Theo đúng quy trình, hôm đó người được tiêm đã qua các bước: đo huyết áp, khám sàng lọc rồi mới tiêm vắc xin. Quy trình kín kẽ, không có sơ hở các công đoạn nào. Tại buổi này, có nhiều nhóm bác sĩ của các bệnh viện cùng làm nhiệm vụ tiêm.

img

Anh Hồ Văn Nam (45 tuổi) cho biết, quy trình tiêm khá kỹ, bác sỹ khám sàng lọc, đo huyết áp, kiểm tra sức khoẻ, hỏi các bệnh nền...

Một cán bộ ở điểm tiêm chủng sân bay Tân Sơn Nhất cho biết, xảy ra sự cố tiêm 2 mũi liên tiếp trong 30 phút là do người được tiêm này sau khi đã tiêm tại bàn tiêm của Bệnh viện Từ Dũ, lại tiếp tục qua bàn tiêm Bệnh viện Răng Hàm Mặt, ngồi vào ghế chờ tiêm. Theo thao tác ở các bàn tiêm, khi có người chuẩn bị tiêm tay cầm giấy ngồi xuống ghế là nhân viên y tế thực hiện thao tác tiêm.

Phát hiện sự việc ngay sau đó, điểm tiêm tại sân bay Tân Sơn Nhất kích hoạt quy trình, đưa nhân viên này vào theo dõi, đồng thời kiểm tra lại quy trình tiêm vắc xin.

Theo tường trình của nhân viên "được" tiêm này, ngày 22/6, anh có danh sách gọi đi tiêm vắc xin Covid-19. Trong quá trình khám sàng lọc, đủ điều kiện tiêm và bác sĩ hướng dẫn xuống bàn tiêm mũi đầu.

"Tiêm xong cầm hồ sơ đi xuống phía cuối, một người hướng dẫn coi hồ sơ, bảo ngồi vào bàn tiêm và cô y khác tá tiêm mũi nữa. Tôi rời khỏi bàn tiêm và nói với đồng nghiệp, tôi không cố tình để được tiêm 2 mũi vắc xin Covid-19", nhân viên này nói.

Theo HCDC, quy trình thực hiện các bước tiêm chủng vắc xin như sau:

Bước 1: Khai báo y tế, đo thân nhiệt

Tiếp nhận và phân loại đối tượng đến tiêm chủng tại nơi đón tiếp, hướng dẫn, kiểm tra đối tượng tiêm chủng và người nhà đi cùng thực hiện khai báo y tế điện tử.

Phát khẩu trang cho đối tượng tiêm chủng (nếu đối tượng chưa có), thực hiện đo thân nhiệt cho đối tượng tiêm chủng.

Bước 2: Hoàn thiện phiếu đồng ý tiêm chủng

Cung cấp phiếu đồng ý tiêm chủng vắc xin phòng Covid-19 theo mẫu tại phụ lục 2 ban hành kèm theo hướng dẫn này để người được tiêm chủng đọc, điền thông tin và ký nếu đồng ý tiêm chủng.

Bước 3: Hoàn thiện sàng lọc, tư vấn trước khi tiêm

Sàng lọc, tư vấn cho đối tượng tiêm chủng, người giám hộ về tác dụng, lợi ích của vắc xin, giải thích những phản ứng có thể gặp sau tiêm chủng

Thông báo cho đối tượng tiêm chủng, người giám hộ về tác dụng, liều lượng, đường dùng của loại vắc xin được tiêm chủng, tư vấn các thông tin về theo dõi sau tiêm chủng vắc xin phòng Covid-19.

Bước cuối cùng: Thực hiện tiêm chủng. Theo dõi sự cố bất lợi sau tiêm chủng.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.