Bộ Y tế vừa thông báo sẽ tiêm chủng vaccine phòng Covid-19 cho trẻ em từ 5-11 tuổi từ tuần thứ 2 của tháng 4, ngay khi các thủ tục kiểm định và chứng nhận xuất xưởng của vaccine hoàn tất.
Theo đó, Chính phủ Úc đã cam kết viện trợ cho Việt Nam khoảng 13,7 triệu liều vắc xin Pfizer và Moderna. Dự kiến, phía Mỹ cũng đã chấp thuận tài trợ 10 triệu liều Pfizer. Như vậy, gần 24 triệu liều vacccine sẽ về Việt Nam cung ứng đủ nhu cầu tiêm chủng cho trẻ trong lứa tuổi 5-11.
Tiêm vaccine phòng Covid-19 cho trẻ em (ảnh minh họa)
Cha mẹ giám hộ trong quá trình tiêm của trẻ nhỏ
Theo BS. Phạm Quang Thái, Trưởng Văn phòng Tiêm chủng mở rộng miền Bắc, Viện Vệ sinh dịch tễ TƯ, về quy trình tiêm phòng vaccine Covid-19 cho trẻ nhỏ 5-11 tuổi có một số điểm khác so với lứa tuổi từ 12-17. Bởi trẻ từ 5-11 tuổi vẫn còn ham chơi nên cần khám sàng lọc với sự tham gia của bố mẹ, người giám sát, người bảo hộ.
Trong hướng dẫn sắp tới, với lứa tuổi 5-11 tuổi, Bộ Y tế sẽ tập trung vào khám sàng lọc kỹ càng hơn rất nhiều, cha mẹ cần thông tin rõ ràng về tình trạng của con (phản ứng với vaccine hay loại thuốc nào trước đó nào không, can thiệp thủ thuật hay đã nhiễm Covid-19 hay chưa…).
"Với trẻ lớn 12-17 tuổi trước đây có thể tiêm trong phòng riêng, không có bố mẹ bên cạnh. Song với lứa tuổi trẻ nhỏ 5-11 tuổi, chúng tôi đang nghiên cứu việc cho phép bố mẹ ngồi bên cạnh để theo dõi, động viên con. Ngoài ra, việc thăm khám cho trẻ ngành y tế cũng sẽ chuẩn bị kỹ càng hơn. Mặc dù lứa tuổi này gặp phản ứng rất ít", ông Thái nói.
Cũng theo ông Thái, khoảng cách giữa 2 mũi vaccine là 21 ngày với trẻ từ 5-11 tuổi.
Trẻ sau khi tiêm vaccine Covid-19 có thể tiêm vaccine khác bình thường. Tuy nhiên, chiến dịch tiêm vaccine sắp tới tại Việt Nam là rất lớn, nên ông Thái khuyến cáo phụ huynh nên để một thời gian sau tiêm vaccine Covid-19 rồi tiêm các loại khác với khoảng cách từ 2 tuần.
Trường hợp nào trẻ cần phải trì hoãn tiêm?
Theo hướng dẫn hiện nay, nhóm đối tượng cần phải trì hoãn tiêm vaccine Covid-19 gồm: Trẻ đang trong tình trạng bệnh lý cần can thiệp y khoa, hoặc quan ngại tăng nặng và thành cấp tính… Với trẻ sốt, hay mắc bệnh lý tim mạnh, cần phải khám chuyên khoa, loại bỏ nguy cơ tim bẩm sinh, bệnh lý tim… nếu ổn định thì tiêm bình thường. Đồng thời, không tiêm với trẻ có phản ứng với thành phần vaccine hoặc với liều trước.
BS. Thái cho biết thêm, những phản ứng sau khi tiêm vaccine Covid-19 cũng giống các vaccine khác, như những mũi phế cầu, mô cầu... Tất nhiên cũng có những phản ứng hiếm gặp nhưng sau khi theo dõi, nghiên cứu, các nhà khoa học đều chứng minh rằng, lợi ích tiêm vaccine cao hơn rất nhiều so với những phản ứng này.
“Bản thân virus khi trẻ nhiễm tự nhiên có thể gây ra rất nhiều hậu quả đối với sức khỏe của trẻ. Trong khi tiêm vaccine những phản ứng phụ xảy ra rất ít, và thông thường đều là rất nhẹ, nhanh hết. Hơn nữa, với hệ thống y tế hiện nay, việc xử trí những vấn đề sau tiêm hoàn toàn có thể thực hiện tốt được”, BS. Thái cho biết.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận