Đã sẵn sàng với tiền di động - mobile money
Liên quan tới cung ứng dịch vụ tiền di động – mobile money, trao đổi với PV Báo Giao thông, ông Trương Quang Việt, Phó Tổng giám đốc Tổng Công ty Dịch vụ số Viettel (VDS), đang chờ giấy phép thí điểm được cấp.
Tất cả điện thoại, không cần kết nối internet cũng có thể giao dịch tiền di động - mobile money
“Hiện nay, Viettel đã chuẩn bị đầy đủ kỹ càng về hạ tầng, mạng lưới điểm hỗ trợ, công nghệ bảo mật, hệ thống chăm sóc khách hàng 24/7,… Ngay khi những thủ tục cuối cùng được hoàn tất, giấy phép thí điểm mobile money được cấp, Viettel sẽ cung cấp tới toàn bộ mạng lưới điểm giao dịch, điểm kinh doanh rộng khắp đến tuyến xã để có thể hỗ trợ người dân trong quá trình sử dụng mobile money”, ông Việt cho biết.
Theo ông Việt, điểm khác biệt lớn nhất là dịch vụ Mobile Money không yêu cầu phải có tài khoản ngân hàng mới được sử dụng.
Tương tự, đại diện Tập đoàn VNPT cho biết đã hoàn tất hồ sơ đề án xin cấp phép, chỉ còn chờ ngày phê duyệt.
“Không chỉ mạng lưới hơn 1.000 điểm giao dịch VNPT hiện đã phủ rộng toàn quốc và đến cả các vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo… VNPT định hướng tiếp tục mở rộng hơn nữa số lượng các điểm giao dịch, điểm chấp nhận thanh toán của các đối tác và các điểm kinh doanh cá thể để khi dịch vụ được cấp phép, có thể mang mobile money tới với người dân trong thời gian nhanh nhất, hiệu quả nhất”, vị đại diện cho hay.
Về phía MobiFone, đơn vị này cho biết, ngay khi được cấp phép, tất cả các thuê bao MobiFone đảm bảo các yêu cầu: sim chính chủ, hoạt động liên tục tối thiểu 3 tháng và được định danh, xác thực theo quy định về đăng ký thuê bao di động đều có thể sử dụng được dịch vụ Mobile Money.
Tất cả các loại thiết bị điện thoại di động cơ bản và thông minh, không yêu cầu phải có kết nối internet, cũng có thể thực hiện giao dịch Mobile Money.
Trong giai đoạn thí điểm, hạn mức giao dịch mỗi tài khoản Mobile Money không quá 10 triệu đồng/1 tháng.
Còn chờ cái "gật đầu" từ Bộ TT-TT và Bộ Công an
Tiền di động – Mobile Money, được hiểu là hình thức thanh toán được thực hiện bằng hoặc thông qua một thiết bị di động và vận hành theo quy định tài chính của mỗi quốc gia. Thay vì thanh toán bằng tiền mặt, séc hoặc thẻ tín dụng, người tiêu dùng có thể sử dụng tài khoản của điện thoại di động để thanh toán cho các dịch vụ hàng ngày.
Tại Việt Nam, hình thức thanh toán qua tài khoản viễn thông (mobile money) đã được Bộ Thông tin & Truyền thông đề xuất vào khoảng 2 năm trước và đã được Chính phủ đồng ý thí điểm thanh toán với hàng hóa có giá trị nhỏ, ở một đơn vị viễn thông.
Giải thích về cách hoạt động của Mobile money, ông Phạm Tiến Dũng, Vụ trưởng Vụ Thanh toán Ngân hàng Nhà nước từng chia sẻ, có thể hiểu dịch vụ tiền điện tử trên thuê bao di động (mobile money) về bản chất là e-money hay ví điện tử, nhưng không có liên kết tài khoản ngân hàng. Nếu tách phần định nghĩa của ví điện tử là tài khoản định danh điện tử lưu trữ giá trị tiền tệ tương ứng với số tiền của khách hàng nạp vào theo tỷ lệ 1:1 thì sẽ ra mobile money. Như vậy, về bản chất mobile money chính là e-money theo định nghĩa của các nước. Với Việt Nam, đó là một loại ví điện tử nhưng không có tài khoản ngân hàng.
Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú cho biết, tới nay có 3 đơn vị đăng ký triển khai hoạt động mobile money, gồm: Viettel, VNPT và MobiFone.
"Sau khi nhận đầy đủ hồ sơ, Ngân hàng Nhà nước cũng đã chuyển văn bản, hồ sơ lấy ý kiến thống nhất của 2 bộ nữa là Bộ TT-TT và Bộ Công an… Về cơ bản đã thống nhất và hy vọng trong tháng 10, 3 Bộ sẽ thống nhất hồ sơ của các đơn vị này. Khi đủ điều kiện và được sự thống nhất chung của 3 Bộ, sẽ quyết định cho cấp phép để 3 đơn vị triển khai dịch vụ này.
Theo ông Tú, thời gian thí điểm mobile money trong khoảng 2 năm. Sau đó, sẽ rút kinh nghiệm, đánh giá và cho triển khai chính thức chương trình này.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận