Sáng 16/7, UBND tỉnh Tiền Giang tổ chức sơ kết thực hiện dự án thành phần 2, cao tốc Cao Lãnh - An Hữu giai đoạn 1.
Dự án thành phần 2 đi qua tỉnh Tiền Giang và Đồng Tháp có tổng chiều dài trên 11km, với 665 hộ bị ảnh hưởng. Trong đó, phía Tiền Giang hơn 8km, với 420 hộ, Đồng Tháp gần 4km, với 188 hộ.
Ông Phan Thanh Sơn, Phó chủ tịch UBND huyện Cái Bè cho biết, huyện đã phê duyệt kinh phí bồi thường, hỗ trợ, tái định cư cho 420 hộ dân bị ảnh hưởng và bố trí khu tái định cư với tổng số tiền trên 1.000 tỷ đồng. Đã chi trả tiền bồi thường, hỗ trợ, tái định cư đạt 100%, với tổng số tiền gần 819 tỷ đồng.
Cũng ở dự án thành phần 2, nhưng đoạn qua địa bàn tỉnh Đồng Tháp hiện mới chỉ giải phóng mặt bằng đạt 88%. Còn lại 22 trên tổng số 188 hộ chưa nhận tiền, đang khiếu nại về giá. Hiện, chính quyền địa phương tỉnh Đồng Tháp đang khẩn trương tuyên truyền, vận động các hộ dân nhận tiền, bàn giao mặt bằng cho dự án.
Theo ông Trần Văn Bon, Giám đốc Sở GTVT Tiền Giang, dự án cao tốc Cao Lãnh - An Hữu giai đoạn 1, thành phần 2 phía Tiền Giang có hai nút giao liên thông gồm: nút giao với đường tỉnh 850 thuộc địa phận huyện Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp và nút giao với cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận thuộc địa phận huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang.
Cùng với đó, trên tuyến còn có 11 cầu, trong đó hai cầu thuộc tỉnh Đồng Tháp và 9 cầu phía tỉnh Tiền Giang.
Tại hội nghị, ông Nguyễn Văn Sơn (79 tuổi, ngụ ấp An Thái Trung, huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang) cho biết, gia đình có hơn 4.000m2 bị ảnh hưởng phải di dời bàn giao mặt bằng cho dự án.
Gia đinh ông đã nhận tiền và bàn giao mặt bằng sớm nhất. "Tôi rất vui mừng và ủng hộ chủ trương đầu tư dự án cao tốc Cao Lãnh - An Hưu nên nhận tiền, bàn giao mặt bằng ngay. Dự án khi hoàn thành sẽ tạo thuận lợi cho việc đi lại, vận chuyển hàng hóa của người dân các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long", ông Sơn nói.
Ông Nguyễn Văn Sơn cũng là một trong 10 hộ dân được UBND tỉnh Tiền Giang khen thưởng với số tiền trên 5,2 triệu đồng do đã nhận tiền, bàn giao mặt bằng cho dự án sớm nhất.
Tại hội nghị, ông Trần Văn Dũng, Phó chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang, yêu cầu huyện Cái Bè tiếp tục cùng với các xã có dự án đi qua tuyên truyền vận các tổ chức, cá nhân di dời nhà cửa, vật kiến trúc, hệ thống điện, nước... để sớm bàn giao mặt cho dự án.
Ông Dũng cũng kiến nghị tỉnh Đồng Tháp, sớm bàn giao mặt bằng để dự án kịp khởi công trong cuối tháng 7/2024.
Trước đó, Chính phủ có quyết định phê duyệt điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án xây dựng cao tốc Cao Lãnh - An Hữu, giai đoạn 1. Tổng mức đầu tư dự án 7.496 tỷ đồng, tăng 1.610 tỷ đồng so với tổng mức đầu tư tại báo cáo nghiên cứu tiền khả thi đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Nguyên nhân chính dẫn đến tổng mức đầu tư dự án tăng do tăng chi phí GPMB và điều chỉnh chi phí xây dựng.
Dự án thành phần 1 qua địa bàn tỉnh Đồng Tháp có tổng mức đầu tư khoảng trên 3.600 tỷ đồng. Trong đó, chi phí GPMB khoảng 623 tỷ đồng. Dự án này đã được tỉnh Đồng Tháp khởi công trong tháng 6/2023.
Dự án thành phần 2 có tổng số vốn đầu tư khoảng trên 3.800 tỷ đồng. Trong đó, chi phí giải phóng mặt bằng trên 1.000 tỷ đồng.
Cao tốc Cao Lãnh - An Hữu có điểm đầu giao với tuyến cao tốc Mỹ An - Cao Lãnh tại huyện Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp. Điểm cuối giao với tuyến cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận, huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang.
Trong đó, dự án thành phần 1 có chiều dài 16km đi qua địa bàn tỉnh Đồng Tháp, dự án thành phần 2 dài 11,4km nằm trên địa phận tỉnh Tiền Giang và Đồng Tháp.
Quy mô mặt cắt ngang giai đoạn hoàn chỉnh đạt tiêu chuẩn đường cao tốc bốn làn xe, có làn dừng khẩn cấp. Mặt cắt ngang giai đoạn 1 phân kỳ đầu tư quy mô bốn làn xe, với bề rộng nền đường 17m, vận tốc khai thác 80km/h.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận