Nhập viện vì tiêm khớp gối
Mới đây, các bác sĩ Khoa Cơ xương khớp, Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên tiếp nhận và điều trị hai bệnh nhân bị phản ứng sau khi tiêm huyết tương giàu tiểu cầu (PRP) từ cơ sở y tế tư nhân.
Bà N.T.B (71 tuổi) và bà T.T.Đ (78 tuổi) cùng trú tại Thái Nguyên, đều vốn có bệnh lý về thoái hóa khớp gối. Khi tìm đến cơ sở chuyên về điều trị đông y, vật lý trị liệu, hai bà đã được tư vấn tiêm huyết tương giàu tiểu cầu giúp trẻ hóa khớp gối, đảm bảo có thể điều trị khỏi trong vòng 7, 8 năm.
Quyết định thực hiện liệu trình 5 mũi nhưng sau mũi tiêm thứ 3, khớp gối của hai bà đều bị đau nhức tăng lên, sưng to, nóng đỏ, đi lại khó khăn. Hai bệnh nhân được phòng khám tư kê thêm thuốc giảm đau, chống viêm, tuy nhiên cơn đau không giảm.
Tại khoa Cơ xương khớp, Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên, kết quả xét cho thấy, dịch khớp gối là dịch viêm cấp, số lượng bạch cầu trong dịch khớp tăng cao, kèm theo các chỉ số viêm trong máu cũng tăng cao. Cả hai bà được chỉ định dùng kháng sinh phối hợp đường tiêm truyền, giảm đau, chống viêm.
Sau khoảng 10 ngày điều trị tích cực, tình trạng viêm, sưng đau hai khớp gối và khả năng đi lại, vận động của hai người bệnh đã được cải thiện, các chỉ số viêm trong máu giảm đáng kể.
ThS. BS Hà Thị Thanh Tâm, Khoa Cơ xương khớp, Bệnh viện Đa khoa Thái Nguyên cho hay, hiện có rất nhiều cơ sở tư nhân quảng cáo chữa bệnh thoái hóa khớp gối bằng tiêm huyết tương giàu tiểu cầu giúp giảm đau nhanh, cam kết chữa khỏi 100%.
Tuy nhiên, bệnh lý về khớp nói chung phần lớn nguyên nhân do thoái hóa, điều trị cần kiên trì, theo đúng phác đồ. Chính vì vậy, người dân khi đau khớp, có những biểu hiện bất thường thì cần đến các cơ y tế uy tín để khám và điều trị.
Khi nào nên tiêm?
BS Trần Anh Vũ, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh cho biết, tiêm khớp gối có tác dụng giảm đau, chống viêm và cải thiện chức năng vận động cho khớp trong điều trị các bệnh lý. Các loại thuốc thường được sử dụng phổ biến trong tiêm khớp gối là corticosteroid, acid hyaluronic, huyết tương giàu tiểu cầu.
Ngoài ra, kỹ thuật có thể được thực hiện để hút dịch viêm ra khỏi khớp gối để hạn chế tình trạng sưng đau. Tuy nhiên, phương pháp này cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro nếu không được chỉ định, thực hiện tại cơ sở y tế uy tín bởi các bác sĩ chuyên khoa.
Cũng theo BS Vũ, các tai biến của tiêm khớp hoặc hút dịch khớp được chia thành hai nhóm chính là nhiễm khuẩn và không nhiễm khuẩn. Trong đó, viêm khớp nhiễm khuẩn hoặc áp xe phần mềm quanh khớp do thủ thuật là tai biến nguy hiểm nhất có thể dẫn đến nhiễm trùng khớp, thậm chí là nhiễm khuẩn huyết, viêm màng tim, sốc nhiễm trùng nhiễm độc. Quá trình điều trị phức tạp, chi phí rất tốn kém và sức khỏe người bệnh bị ảnh hưởng cực kỳ nghiêm trọng.
Theo các bác sĩ chuyên khoa, tiêm khớp gối thường chỉ định cho những trường hợp thoái hóa khớp gối, viêm khớp dạng thấp gây tổn thương khớp, viêm khớp gối sau chấn thương…
Biện pháp điều trị này chống chỉ định với viêm khớp gối nhiễm khuẩn; nhiễm khuẩn ngoài da quanh khớp gối, nhiễm nấm; cơ địa suy giảm miễn dịch.
"Thủ thuật tiêm nội khớp khá phức tạp và nguy cơ nhiễm trùng khớp cao. Nếu lạm dụng và tiêm không đúng cách, có thể dẫn đến các biến chứng nặng nề. Do đó, chỉ định tiêm nội khớp cần thận trọng, cân nhắc giữa lợi và hại, cần được chỉ định và thực hiện bởi bác sĩ chuyên khoa xương khớp có kinh nghiệm, tại phòng khám vô khuẩn tuyệt đối", BS Vũ khuyến cáo.
Tại Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 từng ghi nhận bệnh nhân ở Quảng Ninh nhập viện trong tình trạng nguy kịch. Theo nhận định của bác sĩ điều trị, bệnh nhân có nhiều vấn đề ở nhiều chuyên khoa tưởng chừng khác xa nhau như tiêu hóa, cơ xương khớp, tim mạch…
Nhưng xâu chuỗi các sự kiện, các bác sĩ nhận thấy, đây là diễn biến tự nhiên của một vết thương nhiễm khuẩn khớp đến từ việc tiêm thuốc kháng viêm giảm đau nội khớp. Ban đầu từ một vết thương khớp gối nhiễm khuẩn, vi khuẩn (thường là tụ cầu hoặc liên cầu) theo máu đến tim gây viêm màng trong tim nhiễm khuẩn với tổn thương điển hình là các cục sùi bám trên các lá van tim.
Khi kích thước cục sùi lớn, một phần cục sùi bong ra và theo dòng máu đến các cơ quan, trong đó có mạch máu nuôi ruột, bít tắc và gây thiếu máu, hoại tử ruột.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận