Công nghệ mới

Tiên phong áp dụng công nghệ hiện đại nhất trong thi công

08/02/2016, 09:33

CIENCO4 đã chủ động đầu tư và tiên phong áp dụng các công nghệ tiên tiến, hiện đại nhất trong thi công.

egfdf
CIENCO4 áp dụng công nghệ thi công hiện đại nhất trong thi công hầm xuyên núi tại gói 4 cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi.

Với phương châm “Phát triển bền vững”, chiến lược đổi mới trang thiết bị, đầu tư công nghệ tiên tiến nhất luôn được Tổng công ty XDCTGT4 (CIENCO4) đặc biệt quan tâm nhằm gia tăng sức mạnh cạnh tranh của doanh nghiệp trên thương trường, đáp ứng yêu cầu của chủ đầu tư tại các dự án, công trình xây dựng hạ tầng giao thông đòi hỏi yêu cầu kỹ thuật cao.

Làm chủ công nghệ thi công hầm xuyên núi

Xác định chiến lược đổi mới máy móc, thiết bị, trang bị công nghệ hiện đại, tiên tiến là yếu tố sống còn trong bối cảnh thị trường xây dựng cơ bản giao thông ngày càng cạnh tranh gay gắt và quyết liệt, những năm qua, CIENCO4 đã chủ động đầu tư và tiên phong áp dụng các công nghệ tiên tiến, hiện đại nhất trong thi công các dự án giao thông đòi hỏi yêu cầu kỹ thuật cao.

Điển hình trong công tác xử lý nền đất yếu, CIENCO4 đã áp dụng hệ thống công nghệ cọc xi măng đất Jet-grouting, bấc thấm kết hợp hút chân không; công nghệ cầu bê tông vòm cong không gian; công nghệ thi công hầm đường bộ, công nghệ thi công bê tông nhựa, bê tông xi măng đường sân bay; công nghệ khoan cọc nhồi đường kính 2m, sâu 100m; công nghệ đúc hẫng cân bằng, công nghệ đúc trên đà giáo cố định… với tổng kinh phí đầu tư trong giai đoạn 2010 - 2015 lên tới gần 830 tỷ đồng.

Trong năm qua, CIENCO4 đã áp dụng công nghệ tiên tiến nhất trong thi công hầm xuyên núi tại gói thầu số 4, dự án cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi. Hạng mục này được thiết kế với đòi hỏi yêu cầu kỹ thuật thi công rất cao và đã được CIENCO4 triển khai bằng phương pháp NATM (New Austrian Tunneling Method) - công nghệ tiên tiến nhất thế giới trong thi công hầm.

Sự kiện thông hầm xuyên núi tại gói thầu số 4 của dự án xây dựng đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi đã thể hiện sự thành công của đội ngũ cán bộ, kỹ sư, công nhân của CIENCO4 trong việc làm chủ công nghệ thi công hiện đại.

Qua đây không chỉ đánh giá chiến lược của Tổng công ty trong việc đầu tư công nghệ mới là hoàn đúng đắn mà còn khẳng định năng lực của một tổng công ty đầu tiên trong ngành GTVT thực hiện thành công kỹ thuật thi công hầm đường bộ xuyên núi.

Ông Nguyễn Quang Vinh, Chủ tịch Hội đồng quản trị CIENCO4

Đây là phương pháp thi công hầm dưới mặt đất sử dụng tất cả những phương tiện có thể để phát triển khả năng tự chống đỡ lớn nhất của đá hay đất nhằm tạo sự ổn định khi tiến hành khoan mở dưới lòng đất. Ý tưởng chính của phương pháp này là sử dụng ứng suất địa chất của khối đá xung quanh làm cho hầm tự ổn định. Sau đó, căn cứ vào các số liệu địa chất đo được tính toán nên một tiết diện ngang tối ưu.

Kỹ sư Nguyễn Lê Bách, chuyên viên Ban Điều hành gói thầu số 4 cho biết, các bước thi công theo phương pháp NATM tại gói thầu số 4 được bắt đầu bằng việc nổ mìn, sử dụng máy khoan Sandvik DT821 để thi công khoan tạo lỗ, sau đó nạp mìn và nổ phá, tiếp đến là bốc xúc đất đá và đưa gương về vị trí an toàn. Sau đó, máy phun vẩy sẽ phun bê tông lên bề mặt gương để chống sụt trượt. Kế đó, công tác chống đỡ được tiến hành ngay để tạo cho đất đá xung quanh sớm có chức năng chống đỡ. Hệ thống chống đỡ trong phương pháp NATM gồm: Bê tông phun, neo đá và khung thép.

“Loại hệ thống chống đỡ được chọn tùy thuộc điều kiện đất đá. Khi điều kiện đất đá rắn chắc thì tiến hành phun vữa, tiếp đó sẽ tiến hành thi công neo đá. Còn gặp trường hợp điều kiện đất đá yếu sẽ tiến hành phun vữa lần đầu, rồi sử dụng hệ thống chống bằng thép, phun vữa lần hai, tiếp đó là thi công neo đá. Công tác phun vữa phải được tiến hành ngay sau khi khai đào để tránh tình trạng sập gương và làm tơi vùng xung quanh trong điều kiện đất đá yếu.

Sau đó, các công nhân sẽ thi công chống thấm, bê tông vỏ hầm và sơn hoàn thiện hầm. “Đây là công nghệ lần đầu tiên được CIENCO4 áp dụng trong thi công hầm xuyên núi. Tuy nhiên, các kỹ sư và công nhân của CIENCO4 đều được cử đi học và làm việc thực tế tại Nhật Bản nên tất cả anh em luôn nắm vững và hoàn toàn làm chủ được công nghệ”, ông Bách nhấn mạnh.

Sau 8 tháng thi công, CIENCO4 đã hoàn thành công tác đào và gia cố bậc trên, với khối lượng đào hơn 125.000 m3 đất đá, thực hiện hơn 16.200 neo đá các loại, phun gần 43.000m3 bê tông, lắp đặt 13.500m2 lưới cốt thép và 522 tấn khung chống đỡ bằng thép. Ngày 18/9/2015, gói thầu số 4 của dự án cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi chính thức được thông hầm dưới sự chứng kiến của lãnh đạo Bộ GTVT, Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (chủ đầu tư) và tỉnh Quảng Nam.

Tại buổi lễ, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông khẳng định, việc thông hầm là dấu mốc quan trọng đánh dấu bước trưởng thành của các nhà thầu Việt Nam trong việc áp dụng biện pháp thi công theo công nghệ mới.

Sử dụng dây chuyền hiện đại nhất “trị” hằn lún mặt đường

Năm 2015, tại một số dự án giao thông đường bộ xảy ra hiện tượng hằn lún vệt bánh xe do thời tiết nắng nóng bất thường và tình trạng xe quá tải trọng lưu thông. Trong đó, tuyến tránh TP Vinh và dự án mở rộng QL1 đoạn Nam Bến Thủy - tránh TP Hà Tĩnh do CIENCO4 làm nhà đầu tư theo hình thức BOT cũng không tránh khỏi ngoại lệ. Với uy tín của một doanh nghiệp xây dựng giao thông hàng đầu cả nước, cùng trách nhiệm bảo hành công trình, CIENCO4 đã nỗ lực tích cực khắc phục hiện tượng này.

Ông Ngô Trọng Nghĩa, Phó tổng giám đốc CIENCO4 cho biết, nhằm giải quyết dứt điểm tình trạng hằn lún vệt bánh xe tại hai tuyến trên, tổng công ty đã đầu tư dây chuyền thiết bị máy cào bóc tái chế nguội mặt đường bê tông nhựa W2500S, xe rải xi măng định lượng tự động, xe cấp nhựa kết nối trực tiếp với máy cào bóc, xe cấp nước kết nối trực tiếp với máy cào bóc cùng với các thiết bị hỗ trợ như: Lu chân cừu 20-35 tấn, lu rung 12-30 tấn… với chi phí lên tới 35 tỷ đồng để tiến hành cào bóc những đoạn mặt đường bị hư hỏng, tái sinh và tăng cường độ mặt đường lớp bê tông nhựa.

Về quy trình hoạt động của dây chuyền, lãnh đạo CIENCO4 chia sẻ, công nghệ cào bóc tái chế nguội mặt đường BTN sử dụng phần vật liệu trong kết cấu áo đường bị hư hỏng được cào bóc từ 16 - 22cm, trộn với chất gia cố gồm nhựa đường và xi măng. Kết cấu và tỷ lệ hàm lượng chất gia cố sẽ căn cứ trên chỉ số thực tế phù hợp với từng đoạn trên tuyến và được kiểm soát chặt chẽ bởi hệ thống điện tử. Tiếp đến, thiết bị chuyên dụng sẽ hoàn trả phần hỗn hợp này, lu lèn hoàn thiện móng kết cấu áo đường. Sau công đoạn cào bóc tái sinh sẽ tiến hành thi công lớp phủ bằng bê tông nhựa polymer có chiều dày 5cm.

Theo đánh giá của một chuyên gia giao thông, đây là dây chuyền xử lý bê tông nhựa mặt đường tiên tiến nhất lần đầu tiên áp dụng tại Việt Nam và CIENCO4 là đơn vị tiên phong sử dụng công nghệ này. Hiệu quả của việc áp dụng dây chuyền cào bóc tái chế nguội tại chỗ đó là nâng cao cường độ mặt đường từ 140 - 160Mpa lên 260 - 300Mpa. Đặc biệt, công nghệ này sẽ tận dụng được toàn bộ phần vật liệu cũ nên tiết kiệm được chi phí về giá thành.

Bên cạnh đó, sử dụng công nghệ tái chế nguội mặt đường bê tông nhựa sẽ rút ngắn được thời gian thi công, đảm bảo phương tiện lưu thông ngay trong ngày trên những đoạn vừa sửa chữa.

“Sau khi áp dụng công nghệ cào bóc tái chế nguội để xử lý, toàn bộ những đoạn mặt đường bị hư hỏng trên tuyến tránh Vinh và QL1 đoạn Nam Bến Thủy - tránh TP Hà Tĩnh đã cơ bản được sửa chữa, khắc phục xong trước ngày 31/12/2015, đảm bảo mặt đường êm thuận cho các phương tiện lưu thông”, ông Nghĩa nói và cho biết, qua theo dõi chất lượng mặt đường bê tông nhựa có cường độ tốt hơn so với những vị trí áp dụng biện pháp thảm lại bằng nhựa polymer và những vị trí được sửa chữa đã không còn hiện tượng vệt hằn bánh xe xuất hiện trở lại.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.