Hệ luỵ từ trục lợi quy hoạch
Kể từ sau Tết Nguyên đán năm 2021 và qua hơn 6 tháng đầu năm 2022, tình trạng sốt đất ảo diễn ra tại nhiều nơi trên toàn quốc, nhất là tại các thành phố lớn, các tỉnh có tiềm năng kinh tế, dịch vụ, du lịch phát triển như TP Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Vũng Tàu, Quảng Ninh…Chỉ trong thời gian rất ngắn, giá đất tại các nơi liên tục nhảy múa, tăng chóng mặt gấp 2, gấp 3, gấp 4 lần một cách bất thường.
Giá đất "thổi" theo quy hoạch (ảnh minh hoạ)
Đất ở đô thị, đất nông nghiệp, đất trồng cây lâu năm… đều tăng giá, có nơi lên “cơn sốt” cao kỷ lục do bám theo các thông tin về đầu tư hạ tầng, quy hoạch đô thị, kế hoạch một số huyện sẽ lên thành quận.
Ngay tại Hà Nội, sau ít ngày công bố dự án ven sông Hồng và quy hoạch dự kiến xây dựng 4 cây cầu: Trần Hưng Đạo, Tứ Liên, Giang Biên, Sông Đuống thì "cò đất" đã thổi giá đất lên chóng mặt. Tại các nơi, các quận, vùng ven đô sắp lên quận và được hưởng lợi từ việc dự kiến xây dựng 4 cây cầu như các huyện Đông Anh, Mê Linh, Sóc Sơn, Đan Phượng, Thạch Thất, Quốc Oai... giá đều tăng.
Đơn cử như tại huyện Đan Phượng, những lô đất đẹp nằm giữa trung tâm thị trấn đã tăng từ khoảng trên dưới 40 triệu đồng/m2 thì nay có những chỗ lên đến hơn 100 triệu/m2. Đất dự án Mê Linh cũng từ 40 triệu - 100 triệu/m2.
Ngay tại thời điểm này, thông tin về phát triển đường vành đai 4 và dời trụ sở Đại học Quốc gia Hà Nội về Hoà Lạc vẫn đang là những "mồi nhử" khách hàng và "thổi giá".
Hệ luỵ của nó khiến người thu nhập thấp khó kiếm được một chỗ an cư, giá bất đất động sản "thổi" cao gấp nhiều lần thu nhập của những người có nhu cầu thực. Nhiều nơi đóng băng cục bộ, thanh khoản thấp.
Trên thực tế, ngoài trục lợi từ "thổi" giá bất động sản, cũng không ít những cán bộ bị kỷ luật do nắm trước thông tin quy hoạch, "ôm" đất kiếm lời. Đơn cử như tỉnh Sóc Trăng kỷ luật hàng loạt cán bộ do trục lợi quy hoạch tại cầu Mang Cá 1 và cầu Mang Cá 2, tại xã Đại Hải, huyện Kế Sách.
Theo Thanh tra tỉnh này, các cá nhân đều thừa nhận đã biết rõ thông tin có dự án sắp triển khai. Đồng thời biết ranh giới giải phóng mặt bằng nên nhận chuyển nhượng đất, trục lợi từ hoạt động giải phóng mặt bằng.
Công khai quy hoạch
Trước những bất cập, trục lợi từ quy hoạch, Nghị quyết 115 của Chính phủ vừa ban hành, ngoài các nội dung yêu cầu tăng cường quản lý đất đai. Nghị quyết 115 cũng yêu cầu các bộ, ban ngành thông tin quy hoạch sử dụng đất được bảo đảm nguyên tắc công khai, minh bạch.
Bộ, ngành tăng cường phân công, phân cấp đi đôi với kiểm tra, giám sát, kiểm soát việc thực hiện thẩm quyền được phân cấp; quan tâm thu hút đầu tư, phát triển tăng nguồn thu cho ngân sách Nhà nước...
Đặc biệt, Chính phủ cũng yêu cầu các bộ, ngành tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong việc thực hiện quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, đẩy mạnh kiểm tra, thanh tra, giám sát, xử lý tình trạng lãng phí đất đai, đất được giao, cho thuê nhưng chậm đưa vào sử dụng. Theo đó, các đơn vị xử lý nghiêm các hành vi gây ô nhiễm, làm hủy hoại đất, thoái hóa đất, hành vi trốn thuế trong chuyển nhượng quyền sử dụng đất, hành vi tham nhũng, tiêu cực trong quản lý đất đai.
Trước đó, nhằm hạn chế nạn “sốt đất” tại các địa phương, Bộ Xây dựng có yêu cầu các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thực hiện đăng tải thông tin hồ sơ đồ án quy hoạch xây dựng, quy hoạch đô thị lên Cổng thông tin điện tử. Tuy nhiên, vẫn còn một số địa phương chưa thựa hiện hoặc đăng tải với số lượng rất hạn chế.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận