Dịch bệnh Covid-19 kéo dài thời gian qua đã ảnh hưởng không nhỏ đến kinh tế nông nghiệp, nông thôn vùng Tây Nguyên.
Tuy nhiên giữa lúc khó khăn do dịch bệnh, một trong những chủ trương hết sức có ý nghĩa và kịp thời, đó là việc triển khai chương trình tín dụng chính sách, tiếp thêm nguồn vốn vay ưu đãi cho hộ nghèo, hộ mới thoát nghèo có điều kiện tái đầu tư sản xuất nông nghiệp.
Đặc biệt đối với bà con nông dân ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số tỉnh Gia Lai, việc tiếp vốn sản xuất kịp thời đã giúp bà con không chỉ tránh được tái nghèo, mà còn vươn lên thoát nghèo bền vững.
Gia đình ông A Riêng vừa thoát nghèo năm 2020. Dù vậy, ông vẫn chưa hết khó khăn do ảnh hưởng do thời gian qua của dịch bệnh việc hỗ trợ vay vốn đồng thời đầu tư đúng thời điểm sẽ hứa hẹn một vụ mùa cà phê bội thu.
"Tiếp vốn" đúng thời điểm
Dịch bệnh Covid-19 đang diễn biến phức tạp tại nhiều địa phương, kéo theo kinh tế, thu nhập của người dân đều bị ảnh hưởng. Cùng với đó, thời gian qua nhiều nông sản ở vùng Tây Nguyên rớt giá, càng khiến cho việc trang trải cuộc sống của người dân khu vực nông thôn, nhất là các hộ nghèo, như gia đình ông A Rit gặp không ít khó khăn.
Nắm bắt hoàn cảnh của gia đình ông Rit, Tổ vay vốn làng Đê Gơl đã cùng với Hội Nông dân xã Đak Djrăng (Mang Yang) phối hợp Ngân hàng chính sách xã hội huyện Mang Yang, tỉnh Gia Lai tạo điều kiện cho ông, cùng nhiều hộ dân người dân tộc Bana vay được nguồn vốn ưu đãi để tái đầu tư sản xuất.
Được “tiếp” 40 triệu đồng để đầu tư phân bón cho cây cà phê và chăm sóc đàn vật nuôi của gia đình, ông A Rit cho biết: “Hồi trước mình trồng 500 cây, giờ mình trồng thêm làm 1.000 cây. Cũng có chăn nuôi ít nhỏ để phát triển sản xuất. Nói làm giàu thì hơi lớn nhưng phải làm sao thoát cải cảnh vất vả này. Nông dân mà, làm lụng vất vả, được tiếp thêm đồng vốn thì mạnh dạn trồng cây và sản lượng cao hơn. Có thế mới có của ăn của để, mới có cái nhà được”, ông Rit cười nói.
Cách nhà ông Rit không xa, chúng tôi tìm đến nhà ông A Riêng. Gia đình ông Riêng vừa thoát nghèo năm 2020. Dù vậy, gia đình ông vẫn chưa hết khó khăn do ảnh hưởng do thời gian qua của dịch bệnh. Nhằm tiếp tục giúp ông thoát nghèo bền vững, các cấp chính quyền địa phương đã phối hợp với Ngân hàng chính sách xã hội huyện Mang Yang tiếp tục tạo điều kiện cho ông vay thêm 40 triệu đồng từ Chương trình cho vay hộ mới thoát nghèo để đầu tư chăm sóc cà phê kết hợp thêm chăn nuôi. Tận dụng mùa mưa, đất tơi xốp, ông Rêng mua phân bón và bón phân.
“Nếu không có đợt vốn này thì gia đình xác định không bón phân được, năng suất cuối mùa chắc cũng chẳng ra sao”, ông Riêng cười rồi nói thêm: “Tôi vay ngân hàng 40 triệu đầu tư cà phê mua phân. Không có ngân hàng cho vay mình không có tiền đầu tư. Nếu không có tiền nhà nước vay ngoài thì sợ lãi cao. Mà có khi không dám vay “nóng” vì sợ.
Thời gian qua, từ nguồn vốn tín dụng chính sách, ngành chức năng các địa phương tỉnh Gia Lai đã tạo điều kiện cho các hộ mới thoát nghèo được vay vốn mở rộng quy mô sản xuất, nâng cao thu nhập để từ đó thoát nghèo bền vững. Đáng ghi nhận là trong số đó, nhiều hộ đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn đã sử dụng vốn vay hiệu quả để phát triển trồng trọt, chăn nuôi. Thậm chí ngay giữa lúc khó khăn do dịch bệnh, vẫn có một số hộ đồng bào vươn lên thoát nghèo.
Ông A Ron, Tổ trưởng Tổ vay vốn làng Đê Gơl, xã Đak Djrăng (Mang Yang, Gia Lai) cho biết: “Tổ vay vốn có 40 người. 1 hộ vay 30 triệu, tối đa 50 triệu cho hộ cận nghèo. Dân làng vay đầu tư chăm sóc trồng, chăm cà phê. Có tiền đầu tư phân bón, giống tất nhiên sẽ rất hiệu quả.
Còn tại Tổ vay vốn thôn Linh Nham, xã Đak Djrăng có có 53 thành viên. Trong đó có 3 hộ nghèo, 2 hộ cận nghèo. Hiện nay, các hộ vay vốn sản xuất kinh doanh trả gần hết, một số hộ vay tạo việc làm. Dù dịch bệnh Covid-19, tuy nhiên, với sự vào cuộc của tổ chức chính quyền địa phương, ngân hàng giải ngân sớm để kịp cho bà con mua phân bón kịp mùa mưa.
Nông dân người đồng bào thiểu số ở Mang Yang được hỗ trợ cây giống.
Giúp đồng bào thiểu số thoát nghèo
Theo chính quyền các địa phương tỉnh Gia Lai, thời gian qua, hộ nghèo, hộ đồng bào dân tộc thiểu số có nhu cầu và đủ điều kiện đều được tiếp cận vay nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội để phát triển sản xuất.
Đến nay, qua thống kê tổng dư nợ tín dụng chính sách toàn tỉnh Gia Lai đạt trên 5.200 tỷ đồng, tăng hơn 320 tỷ đồng so với cuối năm 2020. Trong đó, dư nợ tín dụng các xã vùng khó khăn và đặc biệt khó khăn tại tỉnh Gia Lai chiếm đến 84%.
Đáng nói, ở địa bàn khó khăn, những nơi người dân có nguy cơ tái nghèo do thiên tai và dịch bệnh, thì việc ưu tiên tiếp vốn cho bà con lại càng được quan tâm hơn.
Ông Nguyễn Mạnh Điệp, Chủ tịch UBND xã Đak Djrăng, huyện Mang Yang cho biết, các hộ nghèo, cận nghèo trên địa bàn xã, đặc biệt trong năm 2021 này, giữa tình trạng dịch bệnh phức tạp, được Ngân hàng chính sách quan tâm ưu đãi, xã chỉ đạo mặt trận đoàn thể vận động nhân dân dùng nguồn vay Ngân hàng chính sách phát triển kinh tế phát triển cây trồng, phát triển đàn dê trên địa bàn rất tốt. Cho nên căn cứ đó, Hội nông dân, phụ nữ tận dụng các nguồn lực. Hiện xã đã thành lập nông hội chăn nuôi nên dù trong mùa dịch bà con yên tâm làm ăn. Bà con tạm thời bình ổn, vừa chống dịch vừa phát triển kinh tế sản xuất.
Sau khi có vốn, có tư liệu sản xuất, bà con nông dân tại các địa bàn vùng sâu, vùng dân tộc thiểu số tỉnh Gia Lai đang bắt tay nỗ lực đầu tư chăm sóc cây trồng, con vật nuôi của gia đình. Đây là nguồn kinh tế chính giúp bà con ổn định cuộc sống, để vươn lên thoát nghèo bền vững.
Bà Bùi Lệ Giang, Phó Giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Mang Yang, Gia Lai cho biết: “Thời gian qua, đời sống kinh tế xã hội trên địa bàn huyện gặp khó khăn do ảnh hưởng dịch Covid -19, nhất là người nghèo, khó khăn càng ngặt nghèo hơn. Trong bối cảnh đó, ngân hàng ở huyện đã tạo điều kiện cho vay thông qua các chương trình tín dụng, giúp các đối tượng chính sách vươn lên vượt qua khó khăn.
Theo bà Giang, tổng dư nợ qua 31/6 là 291 tỷ đồng. Riêng 3 chương trình hộ nghèo, cận nghèo, mới thoát nghèo gần 161 tỷ, chiếm 55%. Từ đây đến hết năm 2021, dự kiến Ngân hàng CSXH huyện Mang Yang tiếp tục xin thêm 10 tỷ đồng, để cho vay hộ nghèo, các đối tượng chính sách, đảm bảo 100% hộ nghèo có vốn ổn định sản xuất. Vay được nguồn vốn ưu đãi với lãi suất thấp, nhiều hộ dân Bana ở vùng sâu huyện Mang Yang phấn khởi có được nguồn tài chính để duy trì công ăn việc làm, vượt qua khó khăn do dịch bệnh.
Theo chính quyền các địa phương, việc triển khai tín dụng chính sách là sự tiếp sức rất có ý nghĩa, khi trao tận tay nguồn vốn cho các hộ nghèo, hộ vừa thoát nghèo để sản xuất. Nhờ đó, giữa lúc khó khăn bởi dịch bệnh, song hiện nay một số hộ gia đình tại xã vùng sâu Đak Djrăng vẫn có nguồn thu nhập nhờ duy trì được trồng trọt kết hợp với chăn nuôi dê, bò.
Hiện nay tình hình dịch bệnh Covid-19 trên cả nước đang diễn biến phức tạp. Nhằm tiếp tục hỗ trợ người dân vượt qua khó khăn, từ nay đến cuối năm 2021, Ngân hàng Chính sách Xã hội tỉnh Gia Lai dự kiến tăng thêm 100 tỷ đồng vốn vay, để tiếp tục ưu tiên vốn cho các xã khó khăn, đặc biệt khó khăn, xã xây dựng nông thôn mới. Qua đó, đảm bảo các hộ nghèo, hộ dân tộc thiểu số có nhu cầu và đủ điều kiện đều được tiếp cận nguồn vốn.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận