TIN LIÊN QUAN |
---|
Ngoài mẫu mã, giá cả, người mua xe ngày càng quan tâm đến dịch vụ hậu mãi của doanh nghiệp |
Theo báo cáo của Hiệp hội Các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA), tính chung 8 tháng qua, lượng xe lắp ráp trong nước bán ra tăng 27%, xe nhập khẩu tăng 66%. Điều đó cho thấy, bất kể được hưởng nhiều ưu đãi về thuế, môi trường đầu tư, kinh doanh, mức tăng trưởng xe lắp ráp trong nước vẫn chưa bằng một nửa so với tăng trưởng xe nhập.
Trên thực tế, sau rất nhiều năm được hỗ trợ tối đa, xe sản xuất trong nước vẫn chưa thực sự hấp dẫn người tiêu dùng trong nước ở nhiều góc độ: Giá cả, chất lượng, dịch vụ… Nghĩa là, trong khi Nhà nước đầu tư không nhỏ cho ngành Công nghiệp ô tô, nền kinh tế vẫn phải chi một lượng ngoại tệ không nhỏ để nhập khẩu mặt hàng này.
Cũng theo VAMA, trong tổng lượng xe bán ra tháng 8 và 8 tháng đầu năm, mức tiêu thụ xe con gần gấp hai lần so với xe tải cũng phản ánh, nhu cầu xe phục vụ sản xuất vẫn lép vế nặng so với cầu tiêu dùng. Điều đó phần nào thể hiện, hoạt động sản xuất kinh doanh vẫn nhiều khó khăn nên doanh nghiệp chưa mặn mà đầu tư, mở rộng; Mặt khác thể hiện tâm lý tiêu dùng xa xỉ vẫn chi phối một bộ phận dân cư.
Bên cạnh đó, câu chuyện kinh doanh của một số doanh nghiệp ô tô cũng xuất hiện nhiều tín hiệu tích cực. Một doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp và kinh doanh ô tô có doanh số nhất nhì VAMA tiết lộ, doanh số dòng xe thương mại của doanh nghiệp tăng trưởng mạnh một vài tháng gần đây, trong đó nhiều đơn hàng đến từ khách quen của các doanh nghiệp “đối thủ”.
Nguyên nhân là sau khi Chính phủ triển khai nghiêm ngặt công tác kiểm soát tải trọng xe, nhiều doanh nghiệp vận tải buộc phải thay đổi lựa chọn từ một số sản phẩm xe tải, ben, đầu kéo có thùng to, cao… sang xe của doanh nghiệp này - vốn được thiết kế đúng kích cỡ, tải trọng.
“Các biện pháp quyết liệt kiểm soát tải trọng xe không chỉ giúp bảo vệ cầu, đường, ATGT…, mà còn giúp những doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh nghiêm túc như chúng tôi có chỗ đứng thực sự trên thị trường”, giám đốc kinh doanh của công ty chia sẻ.
Cũng trong bối cảnh cầu tiêu dùng chung còn thấp, các doanh nghiệp buộc phải tìm đủ cách kích cầu, từ giảm giá, khuyến mại, cung cấp dịch vụ hậu mãi… nhờ đó phần nào giúp thị trường thực sự đứng về người mua xe. Không chỉ có nhiều sự lựa chọn với đủ loại mẫu mã, giá cả, khách hàng còn được hưởng nhiều dịch vụ hậu mãi chuyên nghiệp, chất lượng - điều mà trước đây ít được quan tâm, khi khách phải đặt tiền, xếp hàng cả tháng, thậm chí cả năm mới được nhận xe.
Xuân Thu
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận