Ông Khuất Việt Hùng - Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban ATGT Quốc gia phát biểu tại buổi tọa đàm |
Lạm dụng rượu, bia vẫn chưa giảm
Theo ông Khuất Việt Hùng, Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban ATGT Quốc gia: “Dù đã có qui định cấm người điều khiển ô tô không được uống rượu, bia khi tham gia giao thông, nhưng tình trạng lạm dụng rượu, bia điều khiển phương tiện giao thông, thậm chí say xỉn không những không giảm mà còn có chiều hướng gia tăng. Các số liệu thống kê chính thức về nguyên nhân trực tiếp xảy ra TNGT do rượu, bia đến nay chưa phản ánh đúng thực tế, có địa phương báo cáo khoảng 10%, thậm chí số liệu báo cáo của nhiều địa phương còn thấp hơn con số này. Số liệu chúng tôi có được tại Bệnh viện Việt - Đức cho thấy, có tới 60% số ca vào cấp cứu do TNGT có liên quan đến sử dụng rượu, bia, trong đó 40% số ca chấn thương đầu có sử dụng chất có cồn”.
"Công ty CP Bia Sài Gòn - Bình Tây đã sản xuất loại bia không cồn. Đây là loại bia không ảnh hưởng gì đến lái xe. Việt Nam là một trong những nước đi đầu trong sản xuất loại bia này, nhiều nước, đặc biệt các nước trong khu vực còn chưa làm được”.
Ông Nguyễn Văn Việt |
“Đợt kiểm tra công tác ATGT tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu vừa qua cho thấy, 6 tháng đầu năm 2014, trong số 198 người chết do TNGT gây ra, có đến 52 người chết do tự gây. Nguyên nhân chủ yếu là do uống ruợu, bia đi xe máy tự đâm vào dải phân cách, tự ngã gây tai nạn, tử vong. Số còn lại cũng không ít trường hợp tử vong do ngộ độc khi sử dụng rượu, bia quá mức”- ông Hùng cho biết.
Theo ông Trương Thế Hiệp, Phó Trưởng Khoa cấp cứu BV Chợ Rẫy (TP Hồ Chí Minh): “Trung bình mỗi ngày bệnh viện tiếp nhận 250 - 270 ca TNGT, trong đó số vụ do uống rượu, bia chiếm 10%. Thậm chí có nhiều bệnh nhân có nồng độ cồn cao hơn 10 lần so với quy định. Khi bị tai nạn, những người này còn gây tai nạn cho những người khác. Nạn nhân có nồng độ cồn trong máu cao gây khó khăn cho công tác cấp cứu”. Vì thế, ông Hiệp khuyến cáo: “Tốt nhất khi điều khiển phương tiện giao thông thì không uống rượu, bia”.
Sẽ đề xuất in cảnh báo lên vỏ lon bia
Theo bà Nguyễn Thị Hiền, Phó Ban chuyên trách Ban ATGT Quảng Ninh: “Việc kiểm tra nồng độ cồn siêu nhanh theo quy chuẩn quốc tế đã được triển khai thí điểm tại Quảng Ninh. Sau hai năm triển khai, phương pháp này đã cho thấy hiệu quả. Tuy nhiên còn nhiều bất cập, khó khăn như: Chỉ tập trung cho một chuyên đề này nên các lực lượng chức năng sẽ dễ bỏ sót hành vi khác. Quá trình kiểm tra cũng đòi hỏi lực lượng tương đối đông nên khó huy động đầy đủ. Vị trí, địa điểm kiểm tra xử lý phải chọn những nơi có đường một chiều, lòng đường phải rộng, phải có đất trống làm bãi đỗ xe nên không phải ở đâu cũng đáp ứng được”.
Về mặt hoàn thiện các qui định liên quan, bà Trịnh Thị Hằng Nga, Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ GTVT) đề xuất: “Tới đây cần in thông tin cảnh báo trên bao bì, nhãn mác rượu, bia như đối với thuốc lá đã làm. Sắp tới, sẽ có Luật về việc cấm lạm dụng rượu, bia. Khi đó, việc kinh doanh rượu sẽ hướng tới qui định lượng rượu, bia tối đa được bán cho một khách hàng tại chỗ. Đây là những giải pháp đồng bộ chứ không chỉ ở phạm vi ngăn chặn người điều khiển phương tiện giao thông sử dụng rượu, bia như hiện nay”.
Ngọc Anh
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận