Trung tâm điều hành chương trình chống ngập TPHCM (Trung tâm chống ngập) nhanh chóng đưa ra các giải pháp cấp bách để giải quyết ngập nước trên địa bàn TP.
Còn 26 điểm ngập
Theo báo cáo của Trung tâm chống ngập, trên toàn TP có 58 điểm ngập do mưa, đã xóa được 48/58 điểm. Hiện còn 10 điểm thuộc các vùng ngoài vi. Tuy nhiên, do điều kiện kinh tế thời điểm này, TP dự kiến sẽ thực hiện xóa 3 điểm ngập trong năm 2015, còn lại 7 điểm sẽ thực hiện từ năm 2016.
Đường Lê Thành Phương, quận 8 ,sau nhiều ngày hết mưa vẫn bị ngập trong nước |
Đối với 26 điểm bị ngập nặng do ảnh hưởng triều cường, hiện mới chỉ làm giảm được mức độ ngập chứ chưa giải quyết được triệt để tình trạng ngập do triều. Hiện còn xuất hiện 8 điểm ngập nặng: 2 điểm tại đường Lương Định Của, quận 2 và Huỳnh Tấn Phát, Q. 7; 8 điểm ngập nhẹ với diện tích ngập từ 50m2 - 1000m2 gồm Bình Quới; Hồ học Lãm; đường 41; An Dương Vương; Gò Công; Phú Định; đường 26; và đường dân sinh cầu Calmette.
Cũng theo thống kê Trung tâm chống ngập, 10 điểm cũ chưa được thực hiện thì từ đầu năm 2014 phát sinh thêm 14 điểm tái ngập, 2 điểm phát sinh mới. Như vậy tổng cộng khu vực trung tâm thành phố hiện còn 26 điểm ngập.
Hệ thống chống ngập lạc hậu!
Phân tích về nguyên nhân ngập nước, ông Lê Hoàng Minh - Phó Giám đốc Sở GTVT TP cho rằng, do hệ thống cũ, lạc hậu được xây dựng trước năm 2001 chỉ có thể đáp ứng được mưa với vũ lượng < 40mm. Hệ thống này được TP đầu tư xây dựng từ năm 2001 đến nay được thiết kế ứng với mưa có vũ lượng trong 3 giờ là 95,91m (cống cấp 1, kênh rạch); 85,36mm (cống cấp 2); 75,88mm (cống cấp 3), mực nước triều +1,32m. Đồng thời, do ảnh hưởng của yếu tố biến đổi khí hậu (mưa tăng, cường độ mưa cao, triều dâng). Số lượng chiều dài hệ thống thoát nước hiện nay của TP chỉ mới đạt khoảng 60% theo quy hoạch.
Đó là chưa kể TP có địa hình tự nhiên thấp, vùng trung tâm còn 40% diện tích có cao độ ≤ 1,6 tập trung ở các quận 4; 8; Bình Thạnh, Bình Tân, nên một số tuyến đường có cao trình mặt đường thấp hơn triều cường, ông Minh nói.
Ngoài ra, còn một số nguyên nhân khác như do vốn đầu tư lớn nên TP mới chỉ tập trung đầu tư chống ngập cho khu vực trung tâm. Quá trình phát triển đô thị đã làm thu hẹp và mất dần các thể tích chứa nước tự nhiên như ao hồ, kênh rạch và quá trình bê tông hóa đã làm giảm đáng kể diện tích thấm. Việc dẫn dòng thi công làm hạn chế khả năng thoát nước gây nên tình trạng ngập khi mưa có vũ lượng lớn, ý thức giữ vệ sinh môi trường của người dân còn kém…
Giải pháp khắc phục
Theo Sở GTVT, để tăng cường công tác chống ngập,TP ưu tiên bố trí vốn thực hiện các công trình, dự án phục vụ công tác xóa giảm ngập 10 điểm còn lại và 3 điểm mới giải quyết ngập bằng giải pháp tạm (Quốc lộ 1A; Đỗ Xuân Hợp; và Nguyễn Văn Quá). Hoàn thành, đưa vào vận hành cống kiểm soát triều Nhiêu lộc Thị Nghè, cống Bình Lợi để chống ngập do triều cho khu vực Q. Bình Thạnh. Hoàn thành công trình cải tạo kênh Tân Hóa Lò Gốm và đường Tân Hóa trước 31/12/2014.
Tăng cường công tác tuần tra vệ sinh, nạo vét máng lưỡi, miệng thu để nâng cao hiệu quả thu nước, không xảy ra tình trạng ngập do nghẹt miệng thu. Đồng thời huy động mọi nguồn lực tổ chức thực hiện công tác ứng cứu, bơm hỗ trợ để giảm ngập trên địa bàn TP khi xảy ra mưa, triều.
Rà soát, xây dựng danh mục các dự án đầu tư theo thứ tự ưu tiên để tổ chức triển khai thực hiện trong giai đoạn 2016 - 2020 cho phù hợp với điều kiện ngân sách. Việc đầu tư xây dựng này phải đảm bảo đồng bộ theo từng lưu vực, kết nối được giữa các tuyến chính và tuyến nhánh.
Một trong những giải pháp cấp bách là ưu tiên vốn để thực hiện các dự án nạo vét, cải tạo các tuyến kênh rạch chính theo quy hoạch nhằm giải quyết yếu tố đầu tư nhằm phát huy tối đa hiệu quả hệ thống thoát nước, bao gồm: Tham Lương - Bến Cát - rạch Nước Lên; Bàu Trâu, Bà Tiếng; Mười Xà; rạch Nhảy – ruột Ngựa; Rạch Lăng; rạch cầu Sơn, cầu Bông.
Đỗ Loan
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận