Tiếng vọng đồng đội từ đất mẹ
Trong những ngày tháng Tư lịch sử, chúng tôi theo chân những dân quân đang làm nhiệm vụ tại UBND xã Ân Mỹ, huyện Hoài Ân tìm về Di tích lịch sử chiến thắng Đồi 174, ở thôn Long Quang - nơi vừa phát hiện một số di vật và hài cốt của các chiến sỹ Sư đoàn 3 Sao Vàng hy sinh tại Đồi 174 từ 49 năm về trước.
Tận mắt chứng kiến cửa hầm mới được khai quật và phát hiện hài cốt những chiến sỹ hy sinh tại Cao điểm 174, chúng tôi không khỏi bùi ngùi xúc động.
Không phải chỉ là sự hy sinh cho nền độc lập, mà còn bởi vì ngần ấy năm sau giải phóng, các anh vẫn nằm lạnh lẽo, giữa bạt ngàn đồi núi hoang vu.
Ông Lê Công Sáu (70 tuổi) đang sinh sống tại thôn Mỹ Đức, xã Ân Mỹ chia sẻ, được sự chỉ dẫn vị trí cửa hầm địa đạo của cựu chiến binh Trần Văn Phúc từ tỉnh Nghệ An vào, tôi tiến hành đào cửa hầm.
Khi đào xuống nhìn thấy hài cốt của hai chiến sỹ hy sinh tại cửa hầm, tôi nghẹn ngào xúc động. Ai nấy đều nhìn nhau, mắt rơm rớm, lòng vừa tự hào, vừa nghẹn đắng ở cổ.
Trong suốt 49 năm qua, cựu chiến binh Trần Văn Phúc (68 tuổi) đang sinh sống tại TP Vinh, tỉnh Nghệ An nhiều đêm mất ngủ khi nhớ về đồng đội cùng chiến đấu tại Đồi 174 năm xưa.
Ông càng đau đáu hơn khi biết rằng đồng đội mình hy sinh nằm lạnh lẽo trong lòng đất mẹ chưa được yên nghỉ nơi quê nhà. Chính điều này thôi thúc ông lên đường vượt gần 1.000km từ Nghệ An vào Bình Định để đi tìm hài cốt đồng đội.
Cựu chiến binh Trần Văn Phúc tâm tư, hồi ấy, ông là tiểu đội trưởng, Đại đội 15 công binh, Trung đoàn 141 (Sư đoàn 3 Sao Vàng). Đại đội công binh khi đó chuyên tăng cường phối hợp chiến đấu cho các đơn vị. Bởi vậy, diễn biến các cuộc tấn công, phản kích từ tháng 9/1974 đến đầu năm 1975, tôi nhớ rất rõ.
"Ngày 2/1/1975, nắm cơ hội mùa mưa, địch mở đợt tiến công đánh chiếm Cao điểm 174. Quân địch tập trung phá hủy hết công sự, giao thông hào rồi đưa bộ binh tấn công.
Trong loạt pháo cuối cùng, địch đánh sập cửa hầm phía Bắc nên bộ đội phải co vào trong địa đạo. Tiếp đó, địch áp sát cửa phía Nam, khống chế, ném lựu đạn, làm 2 chiến sỹ ngã xuống ngay tại cửa hầm.
Sau đó, quân địch dùng rất nhiều bao cát để lấp cửa hầm. Lúc ấy, anh em trong hầm vẫn cố gắng liên lạc ra ngoài. Đơn vị 3 lần tổ chức phản công để giải cứu nhưng bất thành. Nhiều chiến sỹ đã anh dũng hy sinh", ông Phúc nghẹn ngào.
Rời xa khói lửa chiến tranh, ông Phúc trở về cuộc sống với bao trăn trở, nỗi đau chiến tranh ám ảnh và nỗi trăn trở về những đồng đội còn nằm đâu đó dưới những cánh rừng già.
"Các đồng đội hy sinh rất thương xót, không biết còn những ai ở trong hầm. Trải qua thời gian dài địa hình thay đổi, nhưng trong tâm trí tôi, cửa địa đạo 174 cứ hiển hiện rõ trong trí nhớ nên tôi tin sẽ tìm được và bây giờ, mọi thứ đã thành hiện thực", ông Phúc chia sẻ.
Nơi các anh nằm xuống, đất nước đứng lên
Ngày 24/4 vừa qua, tỉnh Bình Định long trọng tổ chức Lễ truy điệu và an táng 7 liệt sỹ Sư đoàn 3 Sao Vàng tại Nghĩa trang liệt sĩ xã Ân Mỹ, huyện Hoài Ân sau thời gian dài nỗ lực tìm kiếm.
Trong giây phút xúc động, Phó chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Bình Định Nguyễn Tuấn Thanh chia sẻ: Với sự phối hợp, hỗ trợ, giúp đỡ tận tình của các cấp, các ngành, các đồng chí cựu chiến binh, đồng đội cùng nhân dân địa phương, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Bình Định huy động lực lượng, phương tiện, tìm kiếm, phát hiện địa đạo 174 (chiều rộng 1,2m; cao 1,5m; chiều dài hơn 30m), khai quật và quy tập 7 hài cốt liệt sỹ, cùng một số di vật kèm theo như: Giày vải, khăn, dép cao su, ví, mũ cối, bút viết, thắt lưng, băng đạn.
"Đến nay, hình hài xương thịt các anh hùng liệt sỹ năm xưa đã hòa quyện cùng mảnh đất Hoài Ân, vào cỏ cây, thành những mạch nước chảy trong lòng đất mẹ, hòa vào truyền thống cội nguồn của dân tộc.
Sự hy sinh của các anh đã đem lại độc lập, tự do cho Tổ quốc, hạnh phúc của nhân dân, để lại cho mảnh đất Hoài Ân anh dũng, kiên cường, nơi sản sinh ra Sư đoàn 3 Sao Vàng anh hùng.
Dẫu thời gian trôi qua 49 năm nhưng việc tìm được hài cốt của các anh là niềm vui mừng khôn xiết, là tâm nguyện của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Bình Định. Phải làm tròn trách nhiệm của mình đối với những hy sinh mất mát của các anh hùng liệt sỹ ngã xuống vì độc lập dân tộc và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
Để đưa các anh hùng liệt sỹ trở về với đồng đội của mình tại Nghĩa trang liệt sỹ xã Ân Mỹ, huyện Hoài Ân trong tình cảm thương yêu vô hạn của đồng chí, đồng bào. Tổ quốc ta, nhân dân ta mãi mãi ghi công, tên tuổi của các anh hùng liệt sỹ đời đời bất diệt", ông Thanh xúc động.
Trong buổi truy điệu, an táng 7 liệt sỹ hy sinh tại Cao điểm 174 hôm ấy, tôi thấy đôi mắt đỏ hoe của bà Nguyễn Thị Xuân (56 tuổi, em gái út liệt sỹ Nguyễn Đình Liên), bởi suốt gần 50 năm đằng đẵng ấy, không ai biết anh hy sinh ở đâu và đang nằm lại nơi nào. Và, cũng bởi những niềm tự hào bởi xương máu của anh đã làm nên hình hài đất nước.
Trong buổi trưa hôm ấy, tôi còn thấy cả những người mẹ trẻ bồng con ra viếng nén nhang cho các anh, dù giữa họ không hề mang cùng chung máu mủ. Đó, hơn cả trách nhiệm, đó còn là sự biết ơn.
Cao điểm 174 là cụm điểm tựa đóng vai trò rất quan trọng của cả ta và địch. Nếu có được Cao điểm 174 sẽ kiểm soát được một địa bàn rộng lớn của huyện Hoài Nhơn, quan trọng hơn là căn cứ Đệ Đức, sân bay Thiết Đính, cầu Bồng Sơn, cụm pháo binh phía bắc đèo Phủ Cũ.
Từ đầu cuộc chiến, Cao điểm 174 là vị trí quan trọng mà ta và địch quyết liệt giành giật. Đến tháng 11/1972, Sư đoàn 3 Sao Vàng mở đợt tiến công tiêu diệt địch và làm chủ hoàn toàn cụm điểm tựa 174.
Đến tháng 9/1974, địch tập trung lực lượng đánh chiếm Cao điểm 174, 82, Núi Chéo. Đêm 1 đến rạng sáng 2/1/1975, địch mở đợt tiến công đánh chiếm Cao điểm 174, khiến trận địa tại đây bị phá hủy, quân ta bị thương vong.
Đến trưa 2/1/1975, cửa địa đạo Cao điểm 174 bị sập, địch chiếm giữ được địa đạo, các chiến sĩ của ta bị mắc kẹt và hy sinh trong địa đạo (khoảng 7-9 chiến sĩ).
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận